Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chia sẻ, giải đáp nhiều thắc mắc về chủ đề khởi nghiệp với đông đảo sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (PTIT) trong ngày khai giảng hôm 19/10. Từ những câu chuyện thực tiễn, ông đã truyền cảm hứng, mang đến cách nghĩ mới cho những người trẻ tuổi bằng chiêm nghiệm của bản thân qua nhiều năm, ở nhiều vị trí và nhiều lần khởi nghiệp.

“Khi thấy đã đến lúc, dám sẵn sàng hãy khởi nghiệp”

Thời điểm nào nên khởi nghiệp, sinh viên có nên khởi nghiệp không, cách thức ra sao?... là những câu hỏi được nhiều sinh viên PTIT quan tâm gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Trả lời sinh viên bằng nhiều ví dụ thực tiễn trên thế giới và cả Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng các bạn sinh viên cần nắm được tinh thần chính là khi thấy đã đến lúc với mình thì hãy khởi nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với các sinh viên PTIT về khởi nghiệp

“Không có một công thức chung nào cho tất cả chúng ta”, Bộ trưởng nói. Khởi nghiệp muôn hình muôn vẻ, có người không vào được đại học được thì khởi nghiệp; cũng có người có ý tưởng, nhìn thấy cơ hội rõ ràng và sợ cơ hội qua đi thì bỏ đại học để khởi nghiệp. Có những người phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện (học tập, kinh nghiệm và vốn) mới khởi nghiệp.

Ông cho biết, thực tiễn có người khởi nghiệp khi đang học đại học, có người bỏ học đại học để khởi nghiệp nhưng cũng có những người khởi nghiệp năm 70 tuổi. “Trong suốt chặng đường 4 – 5 năm học đại học; 20 – 30 năm đi làm và khi nghỉ hưu, khi nào thấy đã đến lúc thì bạn hãy khởi nghiệp. Mỗi người thấy đã đến lúc với mình, dám và sẵn sàng thì hãy khởi nghiệp. Không nhất thiết phải theo ai”, ông nói.

Dẫn chứng từ thành công của CEO Facebook Mark Zukerberg, Bộ trưởng nói khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu từ những thứ lớn lao, cần nhiều kinh nghiệm hay nguồn vốn lớn bởi quan trọng nhất của khởi nghiệp là ý tưởng mà quan trọng nhất là ý tưởng mới, độc đáo.

“Những ý tưởng mới không xuất phát từ kinh nghiệm. Kinh nghiệm cho ta biết đúng sai nhưng cũng là gánh nặng trên vai, làm cho tư duy hạn hẹp lại. Thường có những ý tưởng mới, độc đáo thì lại không cần nhiều tiền phát triển".

Cuộc cách mạng công nghệ số ngày nay mở ra nhiều cơ hội cho các cá nhân khởi nghiệp khi họ có thể tiếp cận với các công nghệ mới với mức giá rẻ. "Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, người không sở hữu công nghệ nguồn mà chỉ phát triển ứng dụng thôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn người nắm giữ công nghệ nguồn. Đó là cơ hội cho các nước đang phát triển, cho sinh viên. Cơ hội khởi nghiệp hiện nay không cần quá nhiều tiền, mà cần nhiều hơn là một ý tưởng", Bộ trưởng nói.

Nghĩ lớn…tạo áp lực để trưởng thành

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần nhắc lại với các bạn sinh viên cần tập trung năng lượng để thực hiện việc chính của mình một cách tốt nhất thay vì chỉ đặt các mục tiêu lớn lao. "Cá nhân tôi lúc đang làm gì thì chú vào làm việc đó tốt thôi. Cũng không đặt mục tiêu quá lớn lao. Đi học thì tập trung vào học cho tốt, thậm chí là học tốt tất cả các môn. Khi ra trường vào làm việc tại viện nghiên cứu thì cũng làm tốt việc của mình, và đến khi ra làm doanh nghiệp cũng vậy. Đến lúc làm Bộ trưởng cũng vậy, chỉ chú tâm vào việc đang làm và làm tốt nhất".

Tuy nhiên ông cho biết làm tốt thôi là chưa đủ. Để đi xa cần tìm cho việc đó ý nghĩa lớn, một lý luận, triết lý để có thêm động lực và năng lượng. “Khi đang làm một việc gì cố gắng tập trung làm tốt nhất, khi đó cơ hội sẽ đến. Nhưng với điều kiện tìm cho nó một triết lý, một ý nghĩa, một lý luận. Nghĩ xa, nghĩ lớn về việc mình đang làm, nó sẽ giống như ngôi sao dẫn lối”, Bộ trưởng nói.

Định hướng cho các bạn sinh viên về những lựa chọn tương lai, theo Bộ trưởng cho rằng mỗi người có một lựa chọn phù hợp, nhưng nên tìm đến một nơi có áp lực. “Con người thường chỉ cố gắng khi có áp lực. Khi chúng ta gặp một việc khó, làm việc khó thì chúng ta trở nên giỏi, chúng ta làm việc vĩ đại thì trở nên vĩ đại. Sinh viên ra trường tìm đến những nơi làm việc có áp lực lớn, thường thì áp lực thì tốt hơn, nhất là người trẻ có nhiều năng lượng”.

Theo Bộ trưởng, có một giấc mơ lớn cũng tạo ra áp lực. Người phương Tây nói đầu tiên là phải nghĩ lớn. Cái đầu tiên là khởi nguồn cho tất cả những cái phía sau nên đừng ngại có một mục tiêu cao, có một giấc mơ lớn. Nhưng phải kiên định với nó. Hàng ngày bắt đầu từ những việc nhỏ từng việc, từng bước. Mỗi ngày chỉ tốt hơn 1%, và duy trì ngày mai tốt hơn tốt hơn ngày hôm nay 1% thì sau 1 năm là chúng ta tăng trưởng được 34 lần. Tăng trưởng của 1 doanh nghiệp 10% là đã lớn, 30% là rất lớn. Tăng trưởng 100% thì chỉ một số ít doanh nghiệp. “Đừng ngại đừng sợ, hãy duy trì một việc nhỏ nhưng hàng ngày, từng bước sẽ thành công và thậm chí trở thành việc vĩ đại”, ông nói.

Gợi mở nhiều hơn cho sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, theo Bộ trưởng, Việt Nam có khoảng 70.000 sinh viên tốt nghiệp ICT nhưng cần tới 400.000 sinh viên để có đạt 5% dân số làm chuyên gia chuyển đổi số. Việt Nam không chỉ làm chuyển đổi số cho Việt Nam. "Nhiều doanh nghiệp đã làm chuyển đổi số cho nhiều nước như FPT, CMC... Đó là cơ hội cho chúng ta". Nhưng ông cũng lưu ý “Các bạn sinh viên ICT PTIT đang đón cơ hội rất lớn, có giá nhưng lại dễ mắc tự kiêu, có quyền lựa chọn và nhảy đi hết chỗ này chỗ kia, không đứng vững ở đâu. Đây là nguy cơ”.

Khởi nghiệp dựa trên công nghệ mở và Việt Nam đang đứng trước bướt thay đổi lịch sử. “Thế giới đi vào hướng công nghệ mở, nguồn mở thì không dẫn đến độc quyền công nghệ, cơ hội cho Việt Nam. Tinh thần khởi nghiệp phải nghĩ rộng ra, lớn ra và nhìn góc nhìn khác, và từng góc nhìn, trong đó sẽ có góc phù hợp với từng bạn”, Bộ trưởng nói thêm.

Duy Vũ