Bộ chỉ tiêu đo lường kinh tế số mới được Bộ TT&TT ra quyết định ban hành gồm có 23 chỉ tiêu, được phân thành 3 cấp độ: cấp quốc gia, cấp bộ, ngành và cấp tỉnh.

Trong đó, 6 chỉ tiêu đo lường kinh tế số cấp quốc gia gồm: Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử; tỷ lệ lao động kinh tế số trong tổng số lao động (kinh tế số chung); tỷ lệ nhân lực CNTT, công nghệ số trong lực lượng lao động.

Bộ TT&TT giao Vụ Quản lý doanh nghiệp hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương sử dụng bộ chỉ tiêu đo lường kinh tế số để xác định chỉ số phát triển kinh tế số. (Ảnh minh họa: Internet)

Các chỉ tiêu đo lường kinh tế số bộ/ngành là: tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực (kinh tế số ngành); số lượng doanh nghiệp khai thác, sử dụng dữ liệu mở trên cổng dữ liệu mở của bộ/ngành để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; số lượng nền tảng số chuyên ngành, nền tảng quản trị và kinh doanh theo từng lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý đã được triển khai.

Bộ chỉ tiêu đo lường kinh tế số cấp tỉnh gồm 14 chỉ tiêu: Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP; số doanh nghiệp công nghệ số (số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông - CNTT); số lượng doanh nghiệp nền tảng số; số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; số lượng giao dịch trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart; số tên miền .VN…

Cùng với việc hướng dẫn cách đo lường các chỉ tiêu kinh tế số ở cả 3 cấp độ, Bộ TT&TT cũng nêu rõ danh mục và mã các ngành nghề trong kinh tế số.

Bộ TT&TT giao Vụ Quản lý doanh nghiệp hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương sử dụng bộ chỉ tiêu đo lường kinh tế số để xác định chỉ số phát triển kinh tế số.

Vụ Quản lý doanh nghiệp cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan khảo sát, thống kê, phân tích, đo lường các chỉ tiêu kinh tế số quốc gia và một số chỉ tiêu kinh tế số của các bộ, tỉnh có thể đo lường tập trung; theo dõi, thu thập, đánh giá các chỉ số kinh tế số trong Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và quốc gia DTI.

Cục Tin học hóa phối hợp với Vụ Quản lý doanh nghiệp trong việc thu thập, thống kê, phân tích, đo lường các chỉ tiêu kinh tế số và phân tích, đánh giá các chỉ số kinh tế số trong Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và quốc gia DTI.

Các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Vụ Quản lý doanh nghiệp trong việc thu thập, thống kê, phân tích, đo lường các chỉ tiêu kinh tế số. Đơn vị chuyên trách về CNTT của các bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất, sử dụng Bộ chỉ tiêu đo lường kinh tế số để đo lường kinh tế số trong lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý.

Tại Quyết định 411 ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT chủ trì tổ chức triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược nêu rõ quan điểm, bối cảnh hiện nay là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia.

Chiến lược cũng xác định tầm nhìn phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

Các mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ trọng doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; và tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.

Vân Anh