Khó khăn và thách thức của các nhà mạng khi triển khai Mobile Money 

Theo ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel, để thúc đẩy sử dụng Mobile Money, đơn vị này đã đưa vào hoạt động trên 100 điểm Chợ 4.0 trên cả nước. Đây là những điểm dịch vụ cho phép người dân dễ dàng mua mớ rau, con cá bằng cách chuyển tiền/quét mã QR vô cùng tiện lợi.

Lợi ích của Mobile Money tới người dân Việt Nam là không thể phủ nhận. Thế nhưng, Mobile Money cũng đặt ra bài toán khó về thay đổi hành vi chi tiêu và sử dụng tiền của người dân. 

Làm sao để người dân có đủ nhận thức và sự tin tưởng để sử dụng Mobile Money, chuyển đổi dần từ sử dụng tiền giấy sang cuộc sống không tiền mặt, thay đổi toàn diện thói quen và hưởng lợi trực tiếp từ nền kinh tế số… sẽ là đề bài chung mà các doanh nghiệp và cơ quan chức năng phải cùng nhau giải quyết.

Đề án triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) có hiệu lực từ ngày 9/3/2021. Ảnh: Trọng Đạt

Với MobiFone, đơn vị này đang coi Mobile Money là một cơ hội để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, đồng thời phổ cập thanh toán số tới toàn dân, tận dụng được hạ tầng dữ liệu, mạng lưới và điểm kinh doanh của các nhà mạng trên cả nước. 

Tuy vậy, với doanh nghiệp này, các thách thức trong việc triển khai Mobile Money nằm ở việc xác thực khách hàng, ngăn chặn các rủi ro phát sinh, đảm bảo an ninh tiền tệ. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng người dùng Mobile Money (những người chưa có tài khoản ngân hàng) cũng là những đối tượng khó mở rộng, tiếp cận nhất. 

Chia sẻ về việc triển khai Mobile Money, ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VinaPhone cho biết, hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong việc đưa dịch vụ này vào thực tế cuộc sống. 

Điều kiện để mở tài khoản Mobile Money hiện rất chặt chẽ. Trong khi, hầu hết các ngân hàng đã cho phép khách hàng đăng ký tài khoản online và eKYC toàn trình mà không vướng nhiều bước kiểm tra như đăng ký tài khoản Mobile Money. 

Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VinaPhone chia sẻ về thực tế triển khai Mobile Money tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Thách thức thứ hai trong việc triển khai Mobile Money là hạn mức sử dụng dịch vụ này hiện tương đối thấp, chỉ 10 triệu đồng/tháng cho toàn bộ các giao dịch rút, chuyển tiền, thanh toán. 

Ngoài ra, còn một hạn chế quan trọng là các thuê bao Mobile Money hiện không được chuyển/nhận tiền từ các thuê bao của nhà mạng khác. Đây là điểm gây bất tiện lớn cho người dùng. 

Trước thực tế này, các nhà mạng đã đưa ra nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị tới các cơ quan chức năng để sớm có những động thái tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từ đó thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ Mobile Money. 

Triển khai Mobile Money: Cần sự quyết tâm và đầu tư hơn nữa

Theo ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), ở thời điểm đề xuất việc triển khai thí điểm Mobile Money, Thủ tướng đã chấp thuận việc thí điểm với những điều kiện hết sức mở trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. 

“Để được những điều kiện mở như vậy, chúng ta cũng phải quản trị được rủi ro. Các khó khăn mà nhà mạng đưa ra chính là những đáp ứng về quản trị rủi ro mà Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công An và Bộ TT&TT đề xuất với Chính phủ để cho phép thí điểm”, ông Hải nói. 

Điểm mới của việc thí điểm dịch vụ Mobile Money là không cần dùng đến tài khoản ngân hàng. Các điểm giao dịch Mobile Money cũng có thể giúp người dân nạp, rút tiền vào tài khoản. Đây là những điểm rất đột phá mà Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã phải hết sức cân nhắc trước khi cho phép triển khai dịch vụ. 

60% tổng số người dùng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money là người dân ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Đây cũng là nhóm đối tượng mà đề án thí điểm Mobile Money hướng đến. 

Đến thời điểm hiện tại, cả Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công An đều đánh giá việc triển khai Mobile Money đã đáp ứng được những yêu cầu về việc quản trị rủi ro, không để xảy ra vấn đề ảnh hưởng đến công tác thí điểm. 

“Đây là những cái được rất lớn, cũng chính là những điều kiện tiên quyết để sau 2 năm thí điểm Mobile Money, chúng ta sẽ cùng ngồi lại đánh giá nhằm đề xuất tiếp với Bộ Công An và Ngân hàng Nhà nước cũng như Chính phủ để pháp lý hóa, cho phép thực hiện tiếp”, ông Hải nói. 

Ở thời điểm hiện tại, dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, đã có hơn 1,1 triệu người sử dụng dịch vụ Mobile Money, phần lớn là người dân ở các vùng sâu, vùng xa. Điều này đã đáp ứng được mục tiêu của đề án thí điểm dịch vụ Mobile Money mà Chính phủ cho phép. 

Tuy nhiên, về phía quan điểm của Cục Viễn thông, dịch vụ Mobile Money vẫn chưa đáp ứng được hết các kỳ vọng. 

Đánh giá của Cục Viễn thông cho thấy, với thế mạnh mạng lưới của mình, các doanh nghiệp vẫn chưa có sự đầu tư đúng mức để đưa dịch vụ Mobile Money đến gần hơn với người dân. Số điểm chấp nhận thanh toán Mobile Money hiện cũng vẫn còn ít. 

Điểm chấp nhận thanh toán Mobile Money tại một phiên chợ vùng cao. 

Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ tổ chức các cuộc họp có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công An để trao đổi kỹ, cởi mở và chi tiết hơn nữa nhằm giúp đẩy mạnh sự phát triển của dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam. 

Với những khó khăn hiện tại, theo ông Trần Duy Hải, các doanh nghiệp viễn thông cần có sự quyết tâm để vượt qua bởi nó chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, điều cần thiết nhất lúc này là làm sao để người dân có thể biết đến và sử dụng dịch vụ. 

Cục Viễn thông sẽ cùng với các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu để đề xuất các giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. 

Trọng Đạt