Bộ TT&TT sẽ tiêu chuẩn hóa để bảo đảm các cơ sở dữ liệu của Chính phủ tích hợp thông suốt | Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phát triển “trăm hoa đua nở” đều phải theo chuẩn chung

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước là yếu tố quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

Việc chậm triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu do nhiều bộ, ngành xây dựng trên các nền tảng khác nhau gây khó khăn cho kết nối, chia sẻ dữ liệu là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên họp ngày 8/11 vừa qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể, theo phản ánh của đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), hiện nay có rất nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu do nhiều bộ, ngành xây dựng trên các nền tảng khác nhau gây khó khăn cho việc chia sẻ thông tin, tích hợp dữ liệu dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, lãng phí.

Đây cũng là vấn đề được đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu ra tại phiên chất vấn. Thành viên đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng, mỗi hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lại do một ngành xây dựng, quản lý nên hiện chưa có sự kết nối, liên thông và chưa được sử dụng, khai thác hiệu quả.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa lấy dẫn chứng 2 trường hợp báo chí đã phản ánh: một thanh niên lấy vợ 10 năm nhưng vẫn phải đi xác nhận từng là người độc thân để bán mảnh đất mà mình sở hữu từ khi còn chưa lấy vợ; hay một cụ già góa chồng muốn bán một mảnh đất để chia cho con cháu, vẫn phải lên phường xin xác nhận tình trạng độc thân, chưa tái giá. “Chúng tôi thấy việc này gây ra rất nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Thậm chí, có nhiều trường hợp đã bị vòi vĩnh, nhũng nhiễu và tạo ra tham nhũng vặt”, vị này nhận xét.

Trong báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ TT&TT cũng chỉ rõ, một trong những tồn tại, hạn chế của công tác ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua là việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử còn chậm, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển Chính phủ điện tử; các bộ, ngành, địa phương còn dùng nhiều phần mềm, nền tảng khác nhau gây khó khăn trong chia sẻ, tích hợp dữ liệu dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp.

Trao đổi với các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, việc đặt ra quy chuẩn chung chính là giải pháp để dung hòa giữa thực tế các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã được phát triển theo kiểu “trăm hoa đua nở” nhưng khi muốn kết nối lại không kết nối được.

Người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định rõ, trách nhiệm đặt ra quy chuẩn để kết nối, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu cũng như đứng ra phân xử, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình kết nối giữa hệ thống của các bộ, ngành với địa phương là của Bộ TT&TT.

Theo Bộ trưởng, Bộ TT&TT là cơ quan phải ra tiêu chuẩn để cho các cơ sở dữ liệu kết nối được với nhau, các tỉnh có thể truy cập vào lấy dữ liệu về được, các bộ có thể truy cập vào địa phương để lấy dữ liệu và liên bộ với nhau cũng có thể kết nối.

“Trong quá trình các cơ sở dữ liệu kết nối với nhau có vấn đề, Bộ TT&TT là đơn vị đứng ra làm người phân xử. Chúng tôi nhận trách nhiệm này. Thời gian vừa qua, khi các bộ, các ngành kết nối với địa phương gặp vấn đề đều đã liên hệ với Bộ TT&TT”, Bộ trưởng nói.

Nhấn mạnh chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước là yếu tố quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Bộ trưởng thông tin, Bộ TT&TT đã và đang triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy kết nối chia sẻ dữ liệu.

Cụ thể, Bộ TT&TT đã xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và triển khai kết nối các hệ thống trong cơ quan nhà nước bao gồm: cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp; hệ thống thông tin quản lý hộ tịch điện tử tập trung; cơ sở dữ liệu hộ gia đình (Bảo hiểm xã hội Việt Nam); hệ thống giao dịch điện tử (Bảo hiểm xã hội Việt Nam); hệ thống thông tin của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để hỗ trợ gửi nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương có yêu cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, về hành lang pháp lý, hiện Bộ TT&TT còn nợ Nghị định quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số. Dự thảo Nghị định được Bộ lấy ý kiến rộng rãi và đã có phiên bản cuối cùng, sẽ sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành. Trong Nghị định này, theo Bộ trưởng, có một nội dung rất quan trọng là người dân đến một cơ quan công quyền đã khai báo thông tin cá nhân thì một cơ quan công quyền khác không được yêu cầu khai báo lại.

Cũng trong trao đổi với các đại biểu Quốc hội, người đứng đầu ngành TT&TT nêu ra câu chuyện thực tế tại các địa phương, đó là: tỉnh A phát triển một phần mềm, thuê một công ty phát triển phần mềm đó. Đến tỉnh B thực hiện đúng công việc như vậy, cũng đi thuê một công ty để phát triển phần mềm này. Như vậy, hai địa phương hai lần đi thuê hai doanh nghiệp khác nhau để phát triển cùng một loại phần mềm với giá cả rất cao.

Để giải quyết vấn đề trên, tránh trùng lặp, Bộ trưởng cho biết, Bộ TT&TT sẽ ra danh mục các phần mềm chuẩn và yêu cầu các doanh nghiệp cấp nền tảng sử dụng. Đồng nghĩa với việc một tỉnh biết thì 62 tỉnh, thành khác có thể dùng. Như vậy 63 tỉnh thành không phải cùng làm một việc, rất lãng phí.