Chính phủ muốn thúc đẩy mạnh mẽ Chính phủ điện tử để làm động lực phát triển đất nước.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Một trong những giải pháp đó chính là thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử. Chính phủ đã giao Bộ TT&TT chủ trì, hoàn thành xây dựng Kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025. Bộ TT&TT cũng có trách nhiệm hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử (đối với cấp bộ) và Kiến trúc Chính quyền điện tử (đối với cấp tỉnh).

Trước đó, cuối tháng 10/2018, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử xây dựng Kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2025. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử xây dựng Kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2025 nhằm bảo đảm triển khai có lộ trình, đồng bộ các dự án về Chính phủ điện tử sau khi Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025.

Theo kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử 4 tháng cuối năm 2018 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ký quyết định phê duyệt ngày 27/9. Theo Kế hoạch này, ngay trong tháng 9/2018, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử cho ý kiến về dự thảo “Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025” và cơ chế bảo đảm thực thi.

Kế hoạch mới ban hành của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử cũng cho hay, trong tháng 11/2018, sẽ có 6 nội dung công việc được tập trung hoàn thành, đó là cho ý kiến về đề án giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước; đề án cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức; Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0; việc xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu…; tổ chức 2 cuộc họp cho ý kiến về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và CSDL đất đai quốc gia.

Đề án về hệ thống tham vấn chính sách (eConssultation) do Văn phòng Chính phủ thực hiện dự kiến sẽ được Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử hoàn tất việc góp ý trong tháng cuối cùng của năm nay.

Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử cũng tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; triển khai Quyết định 985 ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 61 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.