Vấn nạn hàng giả, hàng nhái luôn gây nhức nhối đối với thị trường thương mại điện tử

Theo nguồn tin từ Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), đánh giá từ Bộ TT&TT cho thấy, hiện nay có nhiều phần mềm kinh doanh thương mại điện tử do các tổ chức, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước triển khai, chủ yếu phát hành qua App Store (trên thiết bị Apple sản xuất) và CH Play trên các máy điện thoại, máy tính cài đặt hệ điều hành Android.

Việc quản lý hoạt động kinh doanh thương mại trên các phần mềm này khá phức tạp, đòi hỏi nhiều cơ quan chức năng cùng phối hợp tham gia.

Do đặc điểm linh hoạt trong việc đăng, gỡ bỏ quảng cáo, bán hàng các mặt hàng gia dụng phổ thông, bên cạnh đó chủ hàng hợp tác, giao dịch với nhà phát hành phần mềm thương mại điện tử thông qua Internet và thanh toán điện tử bằng nhiều hình thức.

Vì thế, việc phát hiện, ngăn chặn sai phạm rất khó khăn. Ban Chỉ đạo 389 Bộ TT&TT kiến nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp với Bộ để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hóa, kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng trên các ứng dụng này.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 Bộ TT&TT đã chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kịp thời xử lý đối tượng vi phạm hành chính, chấn chỉnh sai phạm.

Công tác thông tin tuyên truyền, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được đẩy mạnh, góp phần ổn định thị trường dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet, truyền hình và quảng cáo.

Theo kế hoạch năm 2019 Bộ TT&TT tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, nhất là các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, dịch vụ trò chơi điện tử, dịch vụ bưu chính chuyển phát...

Nghiên cứu kế hoạch để triển khai công tác tuyên truyền hiệu quả hơn trong tình hình mới.

Chỉ đạo tăng cường thời lượng thông tin về các vụ việc vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, lừa đảo, nhất là lừa đảo qua điện thoại nhằm chiếm đoạt tiền; thông tin về các dấu hiệu, biểu hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận trong thương mại, hàng hoá có nhãn không đầy đủ thông tin, không đọc được thông tin trên nhãn để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Bộ sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính rà soát, phát hiện và xử lý sai phạm, tham mưu với Chính phủ chính sách quản lý hoạt động sử dụng thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ khác được pháp luật cho phép.

Cùng đó, phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”...