Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 10/CT-TTg), Bộ TT&TT ban hành kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện như sau: Cụ thể hóa các giải pháp, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện tại Chỉ thị số 10/CT-TTg bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của Bộ TTT&TT; xác định rõ trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ phải gương mẫu đi đầu; coi phòng, chống tham nhũng vặt, xử lý nhũng nhiễu, phiền hà là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là tiêu chí để đánh giá kết quả thi đua, công tác; nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, gây phiền hà tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước.

Việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg phải được tiến hành nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, toàn diện, đồng bộ với các chủ trương, giải pháp khác trong lĩnh vực này; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm phù hợp với lĩnh vực quản lý ngành TT&TT; chủ động nhận diện, tập trung nguồn lực, giải pháp vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu; tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, xử lý nghiêm vi phạm; nhanh chóng tạo sự chuyển biến thực chất, tích cực, rõ nét; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, giữ vững lòng tin của người dân, doanh nghiệp với Đảng và Nhà nước.

Kế hoạch của Bộ TT&TT cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng. Đồng thời, thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng chống tham nhũng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm.