Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vừa ký ban hành Kế hoạch Thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2016-2020 của Bộ TT&TT.

Kế hoạch này nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật phòng, chống tham nhũng, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, cũng như thúc đẩy sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, thông tin và truyền thông trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

{keywords}
Trụ sở Bộ TT&TT

Theo đó, Vụ Pháp chế sẽ là đầu mối tổ chức cung cấp thông tin, phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, phóng viên, biên tập viên chuyên viết về pháp luật của các cơ quan báo chí, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Năm nhóm giải pháp lớn của Kế hoạch bao gồm Tập trung tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật trong lĩnh vực TT&TT;  Hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; Hoàn thiện cơ chế quản lý, xây dựng môi trường kinh doanh trong lĩnh vực TT&TT cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; và cuối cùng là Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng:

Cụ thể, Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ rà soát; hoàn thiện cơ chế, chính sách, chế độ, định mức, tiêu chuẩn sử dụng tài sản công của cán bộ, công chức thuộc Bộ; đảm bảo công khai, minh bạch để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, nhất là trong một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng như: cấp phép, tài chính, mua sắm công...

Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phối hợp với Vụ Pháp chế thực hiện việc rà soát, thay thế, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TT&TT trái quy định của pháp luật, không phù hợp với thực tế.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp thuộc Bộ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động; tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; chuyển đổi vị trí công tác; Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác phòng, chống tham nhũng; Tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết triệt để các vụ tố cáo có liên quan đến tham nhũng...

Thanh tra Bộ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy Bộ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng; tập trung vào một số lĩnh vực như đầu tư xây dựng; thu, chi ngân sách; tài chính doanh nghiệp; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, cấp phép... nhằm phát hiện các hành vi tham nhũng để kịp thời xử lý theo đúng quy định của pháp luật; ngăn chặn các hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra;

Đặc biệt, Kế hoạch tập trung vào việc phát huy vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng: Các cơ quan báo chí, các đài phát thanh truyền hình… dành thời lượng thích hợp, xây dựng chuyên trang, chuyên mục thông tin, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên các báo, đài; Phối hợp triển khai các cuộc thi viết “Gương sáng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng” trên báo, đài....

T.C