Chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của các nền kinh tế khu vực

Chia sẻ trên được đại diện Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng đưa ra tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – Vietnam Smart City Summit 2021 diễn ra trực tuyến từ ngày 2 – 6/11.

Đại diện Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), đơn vị phối hợp cùng Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) mở hội nghị này, cho biết: Trong 5 năm qua, xu hướng phát triển đô thị thông minh vẫn đang là chủ đề nóng và nhận được sự quan tâm đầu tư của các nền kinh tế trong khu vực. Chính phủ các nước ASEAN cũng đã hưởng ứng thành lập Smart City Network (ASCN) với sự tham gia của 26 thành phố trong khu vực. ASOCIO đã thành lập riêng Ủy ban Smart City để thúc đẩy xu hướng này.

{keywords}

Trao đổi tại hội nghị về vấn đề phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam, đại diện Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng cho hay, sau 30 năm đổi mới, công tác phát triển đô thị tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, trong đó hệ thống đô thị tại Việt Nam có số lượng tăng nhanh và tỷ lệ đô thị hóa cũng tăng nhanh.

Theo thống kê, đến giữa năm nay, tổng số đô thị toàn quốc là 870. Tuy nhiên, có sự phân tầng với 6 loại đô thị, trong đó các đô thị loại 2 đến đặc biệt đã chiếm tới hơn 50% dân số đô thị cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc trong 10 năm trở lại đây cũng tăng trên 10%.

Bên cạnh những khía cạnh tích cực như cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội và mang lại tiện ích cho người dân, đô thị hóa cũng mang đến nhiều thách thức. Trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, Việt Nam đã và đang đối mặt nhiều vấn đề như: hạ tầng đô thị quá tải, ảnh hưởng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; sử dụng tài nguyên đô thị nhất là tài nguyên đất tại một số đô thị chưa hiệu quả...

Phát triển đô thị thông minh vẫn là vấn đề mới

Trao đổi tại hội nghị, đại diện Cục Phát triển đô thị cũng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước quan tâm rất nhiều đến phát triển đô thị, trong đó có phát triển đô thị thông minh.

Cụ thể, từ năm 2014, trong Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đã có nội dung về phát triển đô thị thông minh. Tiếp đó, là các Nghị quyết 36a năm 2015 của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử, Nghị quyết 05 năm 2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh, Chỉ thị 16 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đặc biệt, trong năm 2018, Thủ tướng đã có 2 quyết định liên quan vấn đề này là Quyết định 84 phê duyệt kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh và Quyết định 950 phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam. Gần đây nhất, vào đầu tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1658 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện chiến lược này, phát triển đô thị thông minh là 1 trong những nội dung cần triển khai, gắn liền với tăng trưởng xanh.

“Trong công tác quản lý phát triển đô thị, chúng tôi quan niệm rằng có nhiều con đường để phát triển đô thị hướng tới bền vững. Phát triển đô thị thông minh, cùng với phát triển đô thị tăng trưởng xanh, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu là các giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”, đại diện Cục Phát triển đô thị cho hay.

{keywords}
Theo đại diện Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, phát triển đô thị thông minh bền vững là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm và đã có nhiều văn bản chỉ đạo (Ảnh minh họa: Internet)

Bàn về vấn đề phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, vị đại diện Cục Phát triển đô thị chỉ rõ: Hiện trên thế giới chưa có định nghĩa chung về đô thị thông minh. Mặc dù được các phương tiện truyền thông nói đến nhiều nhưng đô thị thông minh hiện vẫn là một vấn đề mới.

“Ngay từ khi xây dựng Đề án 950, qua trao đổi, làm việc với nhiều tổ chức quốc tế cũng như các thành phố, đô thị trên thế giới, chúng tôi nhận thấy rằng đô thị thông minh là vấn đề lớn, chúng ta cần có thời gian để nghiên cứu, định hình nó, để thống nhất được thế nào là đô thị thông minh, hay đô thị thông minh tại Việt Nam sẽ như thế nào”, đại diện Cục Phát triển đô thị nêu ý kiến.

Trên cơ sở điểm lại các mục tiêu và nhiệm vụ cần ưu tiên của Đề án 950, vị chuyên gia đến từ Bộ Xây dựng cũng gợi mở về triển vọng hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong 6 nhóm nội dung công việc liên quan đến triển khai Đề án 950, đó là: Nền tảng pháp lý; Cơ sở dữ liệu không gian đô thị; Quy hoạch, quản lý đô thị thông minh; Hạ tầng đô thị thông minh; Tiềm lực đô thị thông minh; Xây dựng thí điểm.

Vân Anh

Phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt với quá trình chuyển đổi số địa phương

Phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt với quá trình chuyển đổi số địa phương

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, trong bối cảnh Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, phát triển đô thị thông minh chính là chuyển đổi số trong đô thị đó. Thành phố thông minh không thể tách rời quá trình chuyển đổi số địa phương.