Sau khi Sundar Pichai trở thành CEO của Google mới, các vị lãnh đạo gốc Ấn giờ đã nắm trong tay tới 4 công ty công nghệ hàng đầu thế giới: Microsoft, Google, Adobe và Nokia.

Bên cạnh sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty dịch vụ tin học Ấn Độ như Tata Group, Infosys và Wipro trên phạm vi toàn cầu, quốc gia đông dân thứ nhì thế giới cũng thể hiện rõ sức mạnh trí tuệ đáng khâm phục khi dần dần thâu tóm các tập đoàn công nghệ lớn về dưới quyền điều hành của mình.

Sau khi Google bổ nhiệm Sundar Pichai, một nhà lãnh đạo gốc Chennai lên làm CEO, thế giới đã có tới 4 tập đoàn công nghệ khổng lồ đang được lãnh đạo bởi người Ấn: Microsoft, Google, Adobe và Nokia.

Đi lên từ một quốc gia không giàu có và vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về quyền con người, câu chuyện của Sundar Pichai hay Satya Nadella là những tấm gương sáng ngời cho hàng trăm triệu tín đồ công nghệ trên toàn thế giới. Hãy cùng nhìn lại tiểu sử của các vị CEO công nghệ gốc Ấn:

Sundar Pichai - CEO Google

{keywords}
Đã từ lâu, người ta hiểu rằng Sundar Pichai sẽ là người được Larry Page "truyền ngôi" tại Google.

Sinh năm 1972 tại Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu, Sundar Pichai dành toàn bộ tuổi thiếu niên tại thành phố quê hương trước khi rời tới Kharagpur để theo đuổi ngành kỹ nghệ... luyện kim tại Viện Kỹ thuật Ấn Độ, một trong những trường đại học danh giá nhất tại đất nước 1,3 tỷ dân này. Sau đó, Sundar Pichai theo đuổi tới 2 bằng thạc sĩ khoa học (MS) và quản trị kinh doanh (MBA) tại Standford và Wharton, vốn cũng đều là 2 trường đại học thuộc "top" Ivy League tại Mỹ.

Sau một thời gian tham gia các công việc cả về kỹ nghệ sản phẩm lẫn quản lý kinh doanh, đến năm 2004, Pichai gia nhập Google để đảm nhiệm vị trí lãnh đạo trình duyệt Chrome cũng như hệ điều hành Chrome OS. Các dự án thành công khác của Google như Google Drive, Gmail và Google Maps cũng đều có bàn tay của Pichai. Đến tháng 3/2013, vị CEO tương lai của Google được trao trọng trách quản lý Android thay cho Andy Rubin, vị "cha đẻ" của hệ điều hành danh tiếng này.

{keywords}
Quá trình chuyển giao quyền lực tại Google thực chất đã diễn ra từ tháng 10 năm ngoái, nhưng phải gần 1 năm sau Pichai mới chính thức trở thành CEO của Google.

Đến tháng 10 năm ngoái, CEO Larry Page tuyên bố sẽ trao thêm trọng trách quản lý các sản phẩm quan trọng nhất của Google cho Sundar Pichai. Đến ngày 11/8 vừa qua, khi Google tuyên bố cải tổ toàn bộ cấu trúc và trở thành một công ty mới có tên Alphabet, Sundar Pichai cũng được giao phó vị trí CEO cho Google (mới), nơi tập trung toàn bộ các sản phẩm, dịch vụ số quan trọng nhất của gã khổng lồ tìm kiếm. Trong bức thư tuyên bố thành lập Alphabet và giao quyền CEO Google cho Pichai, Larry Page khẳng định:

"Một phần quan trọng trong sự kiện này là Sundar Pichai. Sundar đã luôn nói những điều mà tôi sẽ nói (đôi khi anh ấy còn nói tốt hơn!), và tôi đã luôn tận hưởng những ngày tháng làm việc cùng nhau... Sergey và tôi luôn cảm thấy hứng thú về những gì Sundar đạt được và sự tận tụy của anh với công ty. Với chúng tôi và cả ban quản trị của Google, đây rõ ràng là thời điểm Sundar trở thành CEO của Google. Tôi cảm thấy rất may mắn vì có được một người tài năng như anh ấy lên điều hành Google mới".

Satya Nadella - CEO Microsoft

{keywords}
Chủ tịch Microsoft John Thompson, CEO Satya Nadella, nhà sáng lập Bill Gates cùng cựu CEO Steve Ballmer.

Trước khi đến Mỹ để theo đuổi bằng thạc sĩ khoa học và thạc sĩ kinh doanh, Satya Nadella cũng đã đạt được bằng kỹ sư điện tại Đại học Manipal (thành phố Manipal, bang Karnataka, Ấn Độ). Năm 1992, Satya Nadella gia nhập Microsoft, công ty công nghệ đình đám nhất thế giới vào thời điểm đó với các sản phẩm như hệ điều hành Windows và bộ ứng dụng Microsoft Office.

Trong vòng 22 năm, khi Microsoft ngày càng ngủ quên trên thành công của quá khứ, Satya Nadella lãnh đạo các bộ phận quan trọng như đám mây và phần mềm doanh nghiệp đi hết từ thành công này tới thành công khác. Sau khi CEO Steve Ballmer từ nhiệm, Satya Nadella được ban quản trị Microsoft lựa chọn làm người cầm trịch tiếp theo cho tập đoàn này vào tháng 2 năm ngoái. "Vào thời điểm chuyển giao này, không một người nào có thể lãnh đạo Microsoft tốt hơn Satya Nadella", nhà sáng lập Bill Gates tuyên bố sau khi thông tin bổ nhiệm Nadella được công bố rộng rãi.

Trong thông cáo báo chí dành cho sự kiện này, Microsoft cho biết: "Nadella đã lãnh đạo các quá trình chuyển đổi chiến lược và công nghệ lớn trên khắp danh mục sản phẩm và dịch vụ của công ty, đặc biệt là bước chuyển lên đám mây cũng như quá trình phát triển hạ tầng đám mây hàng đầu thế giới để hỗ trợ cho Bing, Xbox, Office và các dịch vụ khác. Khi Satya Nadella lãnh đạo bộ phận máy chủ và dịch vụ, bộ phận này đã vượt lên trên thị trường và giành được thị phần từ tay các đối thủ cạnh tranh".

{keywords}
Sự kiện Nadella lên nắm quyền tại Microsoft được coi là một niềm tự hào lớn của người Ấn. Ảnh chụp vị CEO này cùng thủ tướng Modi của Ấn Độ.

Sau khi lên nắm quyền điều hành tại Microsoft, vị CEO gốc Ấn này đã nhanh chóng ra mắt chiến lược "đám mây và di động" lên thay thế cho chiến lược "sản phẩm và dịch vụ" của Ballmer. Trong khi thị phần di động tiếp tục giảm sút và dù cho trong suốt một năm qua Microsoft vẫn chưa làm mới các dòng đầu bảng, doanh số Lumia vẫn tiếp tục tăng so với các năm tài chính trước đây, đặc biệt là tại thị trường Ấn Độ - quê hương của Nadella.

Thế mạnh về mảng doanh nghiệp, đám mây và máy chơi game vẫn tiếp tục được giữ vững, song thành công đáng kể nhất của Microsoft là Windows 10 với 50 triệu người dùng chỉ sau vài tuần lễ ra mắt. Microsoft dưới thời Nadella vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, song các chiến lược bước ngoặt như "mở" ngôn ngữ C# .NET, đem ứng dụng lên iOS/Android hay các sản phẩm đột phá như HoloLens cho thấy Microsoft của vị CEO gốc Ấn đang là một Microsoft tràn đầy sáng tạo, xóa bỏ đi hoàn toàn hình ảnh kiêu ngạo nhưng trì trệ của Microsoft dưới thời Steve Ballmer.

Shantanu Narayen - CEO của Adobe

{keywords}
Người Ấn đang lãnh đạo công ty phần mềm đại diện cho tính sáng tạo nghệ thuật của các tín đồ công nghệ trên toàn cầu: Adobe.

Cũng sinh ra tại Hyderabad như Satya Nadella, Narayen cũng đạt được bằng kỹ sư tại quê nhà Ấn Độ trước khi tới Mỹ để đạt bằng MBA tại Đại học California và bằng thạc sĩ Khoa học Máy tính tại ĐH Bowling Green State. Khởi nghiệp tại Apple, Narayen chuyển sang công tác tại Adobe, một trong những công ty phần mềm lớn nhất thế giới vào năm 1998.

Trong đầu thập niên 2000, Narayen đã nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ phận nghiên cứu & phát triển (R&D) của Adobe. Đến năm 2005, nhà lãnh đạo này được giao phó vị trí phó chủ tịch điều hành của Adobe, cùng lúc tham gia vào hội đồng quản trị tại Dell và ĐH California. Năm 2007, ông được giao vị trí chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hoạt động (COO) của Adobe.

{keywords}
Năm 2009, Narayen được bầu chọn là 1 trong 10 vị CEO hàng đầu tại nước Mỹ.

Đến cuối năm đó, khi CEO Bruce Chizen từ nhiệm, Narayen chính thức trở thành CEO mới nhất của Adobe. Trong tuyên bố chuyển giao ghế nóng, tập đoàn số 1 thế giới về ứng dụng đồ họa này khẳng định: "Kỹ năng lãnh đạo, hiểu biết công nghệ cùng khả năng điều hành hoạt động của Narayan dã giúp củng cố cho văn hóa sáng tạo của Adobe, đưa công ty tới các thị trường mới, mở rộng danh mục sản phẩm cùng tầm phủ sóng toàn cầu".

Hiện tại, Adobe đang có khoảng 12.500 nhân viên trên toàn cầu với doanh thu 2014 là 4,1 tỷ USD. Năm 2011, CEO Narayen cũng từng được tổng thống Obama lựa chọn vào Ủy ban Cố vấn Điều hành của mình.

Rajeev Suri - CEO của Nokia

{keywords}
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 5/2014, CEO Rajeev Suri đã mang tới một bộ mặt mới cho Nokia.

Ở vị trí chủ tịch và CEO, Rajeev Suri đang là bộ mặt mới của Nokia khi tập đoàn Phần Lan này đã không còn kinh doanh các thiết bị di động nữa.

Là "đồng môn" của Satya Nadella tại Đại học Manipal, Suri cũng có hiểu biết công nghệ đặc biệt sâu rộng, bao gồm cả về hạ tầng mạng di động lẫn các trào lưu điện toán như big data hoặc đám mây. Sau khi gia nhập Nokia vào năm 1995, Suri đã từng nắm giữ nhiều vị trí điều hành quan trọng.

Tuyên bố bổ nhiệm Rajeev Suri vào vị trí CEO của Nokia cho biết nhà lãnh đạo tài năng này "đã giúp Nokia lội ngược dòng hoàn hảo, đưa công ty từ chỗ thua lỗ đến mức cao nhất trong ngành hạ tầng di động, dòng tiền từ chỗ chảy ra liên tục đến chảy vào mạnh mẽ. Dựa vào đánh giá của giới đầu tư bên ngoài, giá trị của mảng viễn thông Nokia hiện nằm trong khoảng 9 – 10 tỷ Euro".

{keywords}
Điểm đặc biệt của Suri trong làng CEO công nghệ là ông không hề có bằng thạc sĩ nhưng vẫn rất được kính nể.

Gần 1 năm sau khi Suri lên nắm quyền lãnh đạo, Nokia đã mua lại tập đoàn viễn thông Alcatel-Lucent của Pháp với giá 16,6 tỷ USD. Là một trong số ít các nhà lãnh đạo tập đoàn không có bằng MBA, vị CEO của Nokia hiện đang nắm trong tay một công ty thị trường tiềm năng lên tới 130 tỷ USD.

Theo Vnreview/India Express