Năm 2012, những người Viettel đặt chân đến Đông Timor cùng kế hoạch xây dựng một mạng lưới viễn thông mang tên Telemor phủ sóng khắp thành thị và nông thôn.

{keywords}

Đông Timor là đất nước trẻ nhất Đông Nam Á (giành được độc lập năm 2002) với dân số chỉ hơn 1 triệu người nhưng địa hình lại vô cùng phức tạp bởi 90% diện tích là đồi núi. Dù vậy, trước khi Viettel xuất hiện, ở đây đã có nhà mạng của Bồ Đào Nha hoạt động 20 năm. Tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới, thị trường của nhà mạng này tập trung ở thành thị.

Ông Trần Văn Bằng - Tổng Giám đốc Telemor nhớ lại mức giá cước đắt đỏ của Internet cố định ngày đó: “Đắt gấp 30-40 lần Việt Nam”. Chưa kể, do địa hình khó nên Đông Timor không có cáp quang biển, việc sử dụng viba khiến cho chất lượng mạng rất kém.

{keywords}

Với chiến lược thiết lập hạ tầng viễn thông rộng khắp đất nước nhanh nhất và mạnh nhất, Telemor nhanh chóng chinh phục những người dân Đông Timor khi sóng điện thoại giá rẻ có ở khắp mọi nơi, giá cước Internet cũng giảm xuống rất mạnh.

6 tháng sau khi khai trương đã kinh doanh có lãi – Telemor trở thành “kỳ tích” của ngành viễn thông thế giới. 1 năm sau, họ bắt đầu làm data và trong vòng 4 năm từ 2013- 2017, Telemor vươn lên vị trí số 1 về viễn thông, chiếm 55% thị phần.

Từ năm 2018 đến nay, Telemor xác định sự phát triển của viễn thông đã đến giới hạn. Họ chuyển dịch thành một nhà cung cấp dịch vụ số. Tại Đông Timor, Telemor là nhà mạng đầu tiên khai trương dịch vụ 4G và đem đến những trải nghiệm chưa từng có cho người dùng.

Cinema.tl - trang web phim có phụ đề Tetun đầu tiên và duy nhất ở Đông Timor ra đời. Timor TV - ứng dụng truyền hình di động đầu tiên trên toàn quốc giúp cho người dân Timor lần đầu tiên có thể thưởng thức chương trình truyền hình của họ ở mọi nơi bằng điện thoại di động. Ví điện tử MOSAN - chuyển tiền và thanh toán trên thiết bị di động ở mọi nơi, mọi lúc.

Và một siêu ứng dụng mang tên Kakoak đã ra mắt vào năm ngoái, được thiết kế dành riêng cho người dân Timor, cho phép truy cập vào tất cả dịch vụ kỹ thuật số của Telemor trên thiết bị di động. Với Kakoak, người dùng có thể trò chuyện, gọi thoại, gọi video với chất lượng cao, mua và quản lý dịch vụ của Telemor, thưởng thức các nội dung giải trí như nhạc, phim, game...

“Ở Đông Timor đã 9 năm, hiện Telemor là doanh nghiệp lớn thứ 3 về doanh thu chỉ sau một nghiệp dầu khí của Chính phủ và một doanh nghiệp xây dựng hạ tầng”, ông Trần Văn Bằng cho biết.

{keywords}

Một kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình 9 năm gắn bó với Đông Timor của vị lãnh đạo Telemor là ví điện tử MOSAN được cấp giấy phép và chính thức khai trương. Đó là quả ngọt của cả 3 năm đi khai mở thị trường, vận động và làm việc không nghỉ của những người Viettel tiên phong ở Đông Timor.

Là đơn vị đầu tiên xúc tiến làm sản phẩm này trong bối cảnh chưa có hành lang pháp luật nên quá trình đại diện Telemor làm việc với các ngân hàng thương mại gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, các ngân hàng còn không đồng ý gặp người đại diện từ nhà mạng.

Không thuyết phục được các ngân hàng, Telemor quyết định thành lập một công ty tài chính độc lập. Thế nhưng, ngay cả khi có giải pháp mới, con đường cũng không dễ dàng. Trong nỗ lực tìm mọi cách để có được giấy phép, CEO Telemor viết một bức thư cho Thống đốc ngân hàng Đông Timor.

“Khi Telemor viết bức thư đó, vì chưa thạo ngôn ngữ Bồ Đào Nha nên viết sai tên Thống đốc. Tôi đã viết một bức thư tay và gặp trực tiếp Thống đốc để trao đổi và xin lỗi”, ông Bằng cười rất tươi khi kể lại kỷ niệm khó quên của mình. “Được cái, bác ấy vui tính. Chính lỗi đó lại trở thành cơ hội để mình kết nối với Ngân hàng Trung ương và họ đã giúp đỡ Telemor rất nhiều để triển khai được ví điện tử”. Cuộc gặp gỡ trên tinh thần cởi mở và tiếp thu này đã góp phần giúp Telemor được cấp giấy phép thử nghiệm ví điện tử.

{keywords}

Đến hiện tại, MOSAN đã có 160.000 người dùng và 2.700 đại lý phủ khắp các quận. Con số này là rất ấn tượng nếu biết rằng quy mô dân số của Đông Timor chỉ khoảng 1,2 triệu người, hay chỉ tương đương một quận trung bình tại các thành phố lớn của Việt Nam.

“Thị trường nhỏ có cái dễ là quy mô… nhỏ. Cái khó là tuy nhỏ nhưng nó vẫn là một quốc gia với đầy đủ Chính phủ và cơ quan ban ngành mà một doanh nghiệp như Telemor cần thiết lập mối quan hệ và tìm hiểu luật pháp, môi trường kinh doanh”, ông Bằng chia sẻ.

Một lợi thế dành cho thị trường nhỏ bé chính là việc đội ngũ Telemor có điều kiện để “dám thử”. Bởi Đông Timor là một quốc gia có đầy đủ bộ máy vận hành ở tầm quốc gia, Telemor có thể áp dụng các sản phẩm công nghệ mới nhất của các công ty thành viên Viettel để rút ra kinh nghiệm trước khi áp dụng tại Việt Nam.

“Ở thị trường quy mô lớn, việc thử có lẽ là hơi… run. Nếu ở Việt Nam thì các sản phẩm này chỉ có thể thử nghiệm cho một vùng nhỏ thôi. Các đánh giá sẽ không thể tốt bằng việc áp dụng trên quy mô quốc gia”, Tổng Giám đốc của Telemor cho biết.

{keywords}

"Hetan Diak Liu – Đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn” là triết lý của Telemor trong suốt chặng đường 9 năm phát triển tại quốc gia nhỏ bé này. Telemor có sứ mệnh rất rõ ràng là mang đến và phổ biến các dịch vụ viễn thông - CNTT tới mọi người dân Timor, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối quốc gia, góp phần phát triển đất nước Đông Timor.

Trên quãng đường gần 1 thập kỷ đó, trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, Telemor đã tạo ra những kỳ tích để đưa dịch vụ vốn được coi là chỉ dành cho giới nhà giàu trở nên phổ biến và đến với mọi người dân.

Cùng với đó, hệ thống Trường học trực tuyến (MEskola) đã trở thành ứng dụng tốt nhất để dạy và học trực tuyến cho người dân Đông Timor. Đối với khách hàng doanh nghiệp, trong suốt nhiều năm qua, Telemor là đối tác tin cậy của chính phủ, nhiều tổ chức và công ty trên cả nước.

{keywords}

Và đây là cuộc sống tốt đẹp hơn mà những người Telemor hình dung trong vài năm nữa: Mỗi người dân đều có một smartphone kết nối Internet băng siêu rộng giá rẻ (ở Đông Timor tỷ lệ người dân sử dụng smartphone vẫn chưa cao). Với chiếc điện thoại đó, sáng ra người ta đọc báo trên Kakoak, kết nối với bạn bè bằng Kakoak, giải trí, xem truyền hình, livestream hay thanh toán ở cửa hàng, kết nối hệ thống học tập, y tế cũng trên Kakoak…

“Chúng tôi chỉ có một mong muốn, đó là cuộc sống, việc giải trí, học tập, sức khỏe của người dân được tốt hơn với các dịch vụ của Telemor”, ông Trần Văn Bằng nói. Vị CEO này bổ sung thêm: “Chúng tôi cũng mong muốn đưa Telemor trở thành một Viettel thu nhỏ ở Đông Timor, tập trung vào các dịch vụ có thế mạnh như giải pháp công nghệ thông tin và công nghệ tài chính”.

Nguyễn Thuý