Theo Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hằng năm đạt hơn 90%. Tính đến hết tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng gần 70%, trong khi đó giao dịch qua QR code tăng tương ứng gần 57% và 112% so với cùng kỳ năm 2021. 

Hiện nay có trên 40 trung gian thanh toán được cấp phép và khoảng trên 120 công ty Fintech. Tác động của đại dịch Covid-19 dường như thúc đẩy nhanh hơn xu hướng này, bùng nổ giao dịch ngân hàng số và tạo ra trào lưu quét mã QR để thanh toán. 

Đã có 36 ngân hàng có thể đọc được các mã QR của nhau, người dùng các ngân hàng này có thể thanh toán, chuyển khoản qua mã VietQR dễ dàng.

Từ quán nước vỉa hè, nhà hàng máy lạnh hay shop thời trang cao cấp… đều in mã QR code để thuận tiện cho khách thanh toán chuyển khoản.

Ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập MoMo nhận định, tính năng thanh toán/chuyển trả bằng mã QR đã đơn giản hóa việc thanh toán cho cả người dùng và chủ doanh nghiệp. Ví MoMo đã kết nối cùng 140.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc. Hệ thống thanh toán VNPAY-QR mới đây công bố số lượng điểm chấp nhận thanh toán, với hơn 200.000 điểm. Với Mobile Money, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến tháng 8/2022, có khoảng hơn 14.000 đơn vị chấp nhận thanh toán, hơn 50% điểm kinh doanh nằm ở nông thôn... 

MoMo vừa cập nhật tính năng QR Nhận tiền, QR Thanh toán giúp tối giản thao tác giao dịch. Đồng thời bổ sung tính năng cá nhân hóa mã QR để người dùng tự do sáng tạo mã QR theo cá tính riêng. Với mã QR nhận tiền trên MoMo, người bán/người nhận tiền chỉ cần đưa cho người mua/người chuyển mã QR của mình, sau đó người chuyển nhập số tiền và bấm chuyển là hoàn tất. Trải nghiệm này tiện lợi và chính xác khi người nhận không phải cung cấp số điện thoại hoặc tài khoản ngân hàng, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nhầm người.

Techcombank cũng cho ra đời phương thức thanh toán QR tích hợp vào ứng dụng Techcombank Mobile. Mã QR này được tạo trực tiếp từ số tài khoản của người dùng với thiết kế đẹp mắt. Các chủ cửa hàng sử dụng tài khoản Techcombank đã nhanh chóng sử dụng mã QR thay số tài khoản để nhận tiền từ khách hàng, quản lý doanh thu dễ dàng hơn. Đối với khách hàng cá nhân, thanh toán QR giúp tối giản thao tác, tiền sẽ trực tiếp được chuyển đến tài khoản của chủ cửa hàng ngay mà không qua dịch vụ trung gian.

Quý 3/2022, J&T Express đã hợp tác cùng Vietcombank triển khai thanh toán đơn hàng bằng hình thức quét mã QR, giúp người dùng dễ dàng giao dịch không tiền mặt. Đây là mã QR động, cho phép người tạo dễ dàng thay đổi nội dung thông tin chứa bên trong nhưng không thay đổi mã QR, giúp tinh giản quy trình, hạn chế sai sót, an toàn trong giao dịch, mang đến trải nghiệm đa tiện ích cho cả người bán - người giao hàng - người mua.

Sự chuyển biến hành vi thanh toán của người dùng tạo sức ép cho các doanh nghiệp ở mọi quy mô ngành nghề, thay đổi để thích nghi và bắt kịp xu hướng đáp ứng trải nghiệm của khách hàng.

Đại diện Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, NAPAS đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các ngân hàng trong việc tham gia dịch vụ chuyển tiền qua mã QR. Đã có 36 ngân hàng có thể đọc được các mã QR của nhau, người dùng các ngân hàng này có thể thanh toán, chuyển khoản với nhau qua mã VietQR dễ dàng.

Việc tăng tốc số lượng điểm thanh toán là ưu tiên hàng đầu của các đơn vị Fintech tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn đang phối hợp đẩy mạnh điểm chấp nhận thanh toán mới. MoMo đã hợp tác chiến lược với iPOS.vn, theo công bố, 100.000 doanh nghiệp F&B đang sử dụng dịch vụ iPOS.vn sẽ được kết nối với hệ sinh thái của MoMo. Doanh nghiệp này trước đó cũng đã hợp tác với nhiều thương hiệu F&B hàng đầu như: The Coffee House, Highlands Coffee, Phúc Long,...

Zalopay mới đây cũng chính thức phủ sóng tại tất cả cửa hàng Starbucks Vietnam và dành tặng voucher đến 40.000 đồng cho khách thanh toán bằng ví điện tử này.