Năm khởi sắc của lĩnh vực bưu chính

Hội nghị trực tuyến chuyên đề “Cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm tốt trong công tác quản lý nhà nước về bưu chính” vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức chiều ngày 1/12, kết nối với 63 điểm cầu tại 63 sở TT&TT.

{keywords}
Hội nghị được tổ chức trực tuyến, kết nối điểm cầu với 63 sở TT&TT. Ảnh: B.M

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết: "2021 là một năm có rất nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế, xã hội cần phải vượt qua, đặc biệt là sau đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư. Tuy nhiên, với quyết tâm và định hướng chỉ đạo rất sát sao, táo bạo, toàn ngành vẫn đạt được những thành tựu hết sức đáng khích lệ, duy trì tốc độ phát triển bưu chính trung bình 20 - 30%/năm".

Nhận định 2021 là năm khởi sắc của lĩnh vực bưu chính, Thứ trưởng đánh giá rất cao việc Bộ TT&TT, Sở TT&TT cùng các doanh nghiệp bưu chính đồng hành hỗ trợ hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

“Trước kia bà con nông dân làm rất thủ công. Giờ cần tập trung giúp họ ứng dụng công nghệ một cách triệt để, cần đưa được các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử sau khi đã có các tiêu chí như địa chỉ số, tài khoản thanh toán điện tử (ngoài tài khoản ngân hàng, ví điện tử thì sẽ cùng doanh nghiệp viễn thông triển khai cả mobile money)…”, Thứ trưởng nói.

Nhấn mạnh rằng đây là việc đột phá, đã làm rất tốt trong năm 2021, tạo cơ sở để có bước đi dài hơi hơn trong năm 2022, vị lãnh đạo Bộ TT&TT yêu cầu các sở TT&TT bám sát Quyết định số 1034 của Bộ TT&TT phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn (gọi tắt là Kế hoạch số 1034). Hiện đã có khoảng 50 tỉnh/thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 1034 của địa phương.

Trong quá trình triển khai, những địa phương, đơn vị đạt kết quả tốt hãy gửi kinh nghiệm về Bộ để chia sẻ cách làm hay cho nhiều địa phương, đơn vị khác. Qua đó, thị trường bưu chính sẽ mở rộng hơn, giúp phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế số trong thời gian tới. Triển khai tốt Kế hoạch số 1034 cũng sẽ giúp các doanh nghiệp bưu chính mở rộng thị trường, phát triển lành mạnh, tránh giảm giá sâu, làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

“Ngay ngày mai, Vụ Bưu chính có văn bản trao đổi với các sở có kinh nghiệm hay trong triển khai các nhiệm vụ, đặc biệt là Kế hoạch 1034 như Lạng Sơn, Đồng Tháp… Sau đó sẽ sớm tổng hợp các nội dung để báo cáo lãnh đạo Bộ, và chia sẻ thông tin cho các sở TT&TT”, bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Bưu chính tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT.

Bưu chính là hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số

Một thông tin đáng chú ý được Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn chia sẻ tại hội nghị, đó là Chiến lược Phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 12/2021, với định hướng đẩy mạnh phát triển vào lĩnh vực thương mại điện tử và logistics với quy mô thị trường lên đến 70 - 80 tỷ đô la vào năm 2025 và thúc đẩy chuyển đổi ngành bưu chính từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số.

{keywords}
Chiến lược Phát triển bưu chính đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2021. Ảnh: B.M

Bà Vũ Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính đã thông tin sơ bộ những nét chính của Chiến lược này, giúp các sở TT&TT nhìn rõ hơn về đường lối phát triển, mục tiêu lâu dài của lĩnh vực bưu chính, cũng như những việc thiết yếu phải làm trong thời gian tới.

Theo đó tầm nhìn đến năm 2030, bưu chính sẽ là hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là cho thương mại điện tử; mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới; bảo đảm dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu; tham gia thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số.

Đến năm 2025, có 5 mục tiêu cần hướng tới. Mục tiêu 1 - bưu chính đạt tăng trưởng cao, đóng góp ngày càng tăng vào GDP quốc gia (2% vào năm 2025; 3% vào năm 2030).

Mục tiêu 2 - bưu chính chuyển dịch sang thương mại điện tử và logistics, 100% bưu gửi được phát đến từng hộ gia đình, 100% điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ có kết nối Internet, tổng số điểm phục vụ bưu chính là 27.000 điểm.

Mục tiêu 3 - đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, 100% hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu, 100% sản phẩm nông nghiệp có gắn thương hiệu được đưa lên sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu.

Mục tiêu 4 - xây dựng, khai thác nền tảng Địa chỉ số Việt Nam, 100% hộ gia đình Việt Nam có địa chỉ số.

Mục tiêu 5 - nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ bưu chính công ích của người dân và vai trò thiết yếu của bưu chính trong các tình huống khẩn cấp, 100% điểm phục vụ bưu chính có khả năng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, xây dựng tối thiểu 3 trung tâm bưu chính vùng/khu vực (megahub/hub).

Đặc biệt, định vị tương lai bưu chính theo góc nhìn quốc tế, Việt Nam phấn đấu sẽ thuộc top 30 thế giới về những nước có bưu chính phát triển (hiện đang ở vị trí 47 thế giới); có doanh nghiệp bưu chính Việt Nam hoạt động tại thị trường quốc tế.

Trong khuôn khổ hội nghị, các sở TT&TT cũng đã được chia sẻ nhiều nội dung thông tin quan trọng như: Xây dựng, triển khai địa chỉ số; Bảo đảm an toàn, an ninh trong cung cấp dịch vụ bưu chính KT1; Kinh nghiệm thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử ở Đồng Tháp; Việc triển khai mở cửa hàng số và duy trì bán sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp bưu chính ở Lạng Sơn...

Lãnh đạo Vụ Bưu chính đã công bố kết quả các nội dung phối hợp với các sở TT&TT thực hiện gồm: Kiểm tra chất lượng và điều tra sản lượng, giá cước bình quân dịch vụ bưu chính công ích; Khảo sát việc sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; Thực hiện chỉ tiêu 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ theo Nghị quyết số 01 của Chính phủ.

Đặc biệt, Bộ TT&TT đã chính thức ra mắt Cổng thông tin điện tử hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp bưu chính tại địa chỉ https://tmdt.mic.gov.vn/.

Bưu chính đang trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số

Bưu chính đang trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số

Dự án "Hiện đại hóa hệ thống CNTT Bưu chính Việt Nam" (MPITS) của Vietnam Post đã tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ.

Bình Minh