Bắt buộc phải làm cách mạng chuyển đổi số

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2021 của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) chiều 18/12, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn đánh giá cao những kết quả đạt được của Vietnam Post. Đặc biệt, là năm 2020 đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu đặt ra. Mục tiêu trong kế hoạch đặt ra đến năm 2020 là đạt doanh thu 20 nghìn tỷ đồng, nhưng thực tế hiện đã đạt 26.387 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 540 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 796 tỷ đồng, góp phần hoàn thành vượt mức kế hoạch của cả giai đoạn 2015 – 2020.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

“Mục tiêu đặt ra của giai đoạn 2021 – 2025 là 67 nghìn tỷ đồng, và đến năm 2030 phải là 133 nghìn tỷ đồng. Đây là một sự thay đổi rất căn bản đối với Bưu điện Việt Nam. Nếu không làm cách mạng thực sự thì rất khó thực hiện được định hướng tham vọng này”, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nói.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn, Bưu điện Việt Nam đã làm cuộc cách mạng lần thứ nhất từ những năm 2011 – 2012, chuyển từ đơn vị chuyên phục vụ sang kinh doanh. Và bây giờ bắt buộc phải làm cuộc cách mạng lần thứ hai – chuyển đổi số để cất cánh.

Thứ trưởng yêu cầu ngay trong năm 2021, Bưu điện Việt Nam phải tiếp tục duy trì mạng bưu chính công ích và các dịch vụ công ích; tham gia sâu các dịch vụ công của nhà nước. Văn phòng Chính phủ đang đặt nhiều hy vọng vào việc Bưu điện Việt Nam có thể triển khai thành công Đề án hành chính công, dịch chuyển các dịch vụ hành chính công của chính quyền các cấp chuyển giao cho bưu điện. Đây là nền tảng để làm chính quyền số, chính phủ số (gần đây, việc này đã triển khai trên mạng lưới Bưu điện Việt Nam nhưng vẫn đang dưới dạng thí điểm, chưa có tính pháp lý cao – PV).

Bên cạnh đó, Bưu điện Việt Nam cần phải ứng dụng mạnh mẽ CNTT, dành tối đa nguồn lực cho CNTT gồm cả việc tự phát triển và đi thuê bên ngoài. Ứng dụng CNTT phục vụ 2 việc: Tối đa hóa hiệu quả cho dòng chảy vật lý; Đáp ứng yêu cầu kinh doanh số.
“Cần phải coi mỗi hộ gia đình là 1 hộ tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ của Bưu điện Việt Nam. Muốn vậy phải có ứng dụng cài đặt cho các hộ để khi cần nhu cầu, họ có thể dùng app để mua hoặc bán hàng”, Thứ trưởng nhấn mạnh thêm.

Ra mắt nền tảng thanh toán VietnamPostPay, hướng tới công ty fintech lớn nhất Việt Nam

Báo cáo tại hội nghị, Tổng Giám đốc Vietnam Post Chu Quang Hào cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp bưu chính này đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc theo hướng tự động hóa, số hóa để tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ.

Riêng trong năm 2020, Vietnam Post đã đưa vào vận hành 2 trung tâm vận chuyển khu vực và 8 trung tâm khai thác vận chuyển tại các tỉnh trọng điểm. Với dây chuyền chia chọn tự động có công suất hàng chục nghìn bưu kiện/giờ, Vietnam Post hoàn toàn đáp ứng được tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng bưu gửi trên 30%.

{keywords}
Chính thức ra mắt nền tảng thanh toán điện tử VietnamPostPay

Hàng loạt dự án lớn đã được triển khai và ứng dụng vào thực tiễn, nhanh chóng phát huy hiệu quả. Điển hình như dự án “Hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin Bưu chính Việt Nam - MPITS” đã áp dụng rộng rãi trên toàn mạng lưới với 11 ứng dụng, 5 nhóm giải pháp nền tảng, không chỉ góp phần tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp bưu chính – chuyển phát, mà còn giúp người dân và khách hàng thuận tiện hơn khi sử dụng dịch vụ, tiết kiệm thời gian và giảm áp lực đáng kể tại quầy giao dịch.

Bên cạnh đó, Vietnam Post tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai sâu rộng các nhiệm vụ, đề án lớn như: Phối hợp xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia thông qua việc tích hợp giải pháp định danh, xác thực điện tử PostID và chuyển phát kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Cổng; Tham gia nhập dữ liệu trong Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an; Ứng dụng phần mềm chuyển phát hồ sơ bảo hiểm xã hội đầu tiên cho doanh nghiệp...

Và ngay tại hội nghị lần này, Bưu điện Việt Nam chính thức ra mắt nền tảng thanh toán điện tử VietnamPostPay, nhằm thực hiện chiến lược chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái số trong lĩnh vực bưu chính, đa dạng hóa phương thức thanh toán, đảm bảo an toàn, minh bạch trong quản lý dòng tiền.

Nền tảng được triển khai dựa trên hạ tầng ngân hàng số của ngân hàng thương mại, có khả năng kết nối và liên thông với hệ thống chuyển mạch ngân hàng, mở rộng phương thức thanh toán không giới hạn với các tổ chức ngân hàng, tài chính. Đồng thời cung cấp nền tảng thanh toán điện tử các dịch vụ thu hộ, chi hộ cho ngân hàng, bảo hiểm, ví điện tử, mobile money, thuế, điện lực, nước, bảo hiểm xã hội, dịch vụ hành chính công...

Sử dụng VietnamPostPay, người dân trên mọi miền Tổ quốc, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận với các ngân hàng, tổ chức tín dụng có thể dễ dàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số. Qua đó rút ngắn khoảng cách về ứng dụng công nghệ số, thanh toán không dùng tiền mặt giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.

“Với nền tảng này, Vietnam Post sẽ trở thành công ty về fintech lớn nhất tại Việt Nam về quy mô mạng lưới, tập khách hàng, quy mô giao dịch và dòng tiền”, Phó Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam Lê Quốc Anh bật mí tham vọng mới của doanh nghiệp bưu chính hàng đầu Việt Nam.

Bình Minh

Bưu điện có thể là lợi thế khi triển khai 5G

Bưu điện có thể là lợi thế khi triển khai 5G

Báo cáo mới của Bưu chính Mỹ cho thấy cơ quan 228 năm tuổi này hoàn toàn có thể đóng vai trò lớn trong triển khai 5G.