Trên diễn đàn công nghệ Voz (forums.voz.vn), thành viên XuiVaiBiBanNick hôm 11/3 kêu gọi mọi người đi dọn rác trên núi Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội). Ngay lập tức, hơn 20 thành viên hưởng ứng và tổ chức leo núi Trầm dọn rác vào cuối tuần trước.

Các thành viên Voz sau khi hoàn thành dọn rác trên núi Trầm - Ảnh: Voz

Anh Trần Mạnh Hiệp, đồng sáng lập diễn đàn Tinh Tế, cũng đăng lên Facebook cá nhân hôm 14/3 hình ảnh anh và một người bạn đi dọn rác. Sau đó, anh đăng lên diễn đàn, kêu gọi mọi người tham gia dọn rác và treo các giải thưởng để nhân rộng phong trào.

Anh Trần Mạnh Hiệp (đeo khẩu trang) và một người bạn cùng khởi động thử thách dọn rác - Ảnh: cuhiep

Trào lưu dọn rác (#donrac) tại Việt Nam xuất phát từ một thách thức lan toả toàn cầu. Ban đầu, ngày 5/3, tài khoản Facebook Byron Roman đăng trên trang cá nhân của anh hình ảnh trước và sau khi dọn đống rác ngổn ngang trên một khu đất. Khu đất lúc đầu ngập rác nhưng sau đó được dọn dẹp sạch sẽ. Byron thách thức các bạn trẻ tìm các khu vực cần dọn rác, dọn sạch sẽ, sau đó đăng ảnh lên mạng xã hội, kèm với đó là hashtag #ChallengeForChange (tạm dịch: Thách thức để thay đổi).

Bức ảnh gây lan toả của Byron Roman.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Byron Roman, rất nhiều người trên thế giới đã đăng hình ảnh họ dọn dẹp các bãi rác ở nhiều địa điểm khác nhau.

Để dọn rác ở núi Trầm, các bạn trẻ trên Voz đã cùng nhau xuất phát từ Hà Nội. Có người đi làm về trễ không tập trung cùng nhóm được đã tự phóng xe máy lên khu vực dọn rác, có người bắt vài tuyến xe buýt khác nhau rồi đi xe máy đến điểm hẹn. Có người đứng ra tài trợ túi nylon để dọn rác, và một vùng núi Trầm đã được dọn dẹp sạch sẽ trong khoảng thời gian hơn hai giờ đồng hồ, với hơn 70 túi rác.

Mọi người đang dọn dẹp trên một vùng núi Trầm - Ảnh: Voz

Sau khi chứng kiến hành động ý nghĩa của các thành viên khu vực Hà Nội, nhiều người khác đã kêu gọi hành động tương tự ở các tỉnh thành khác. TP.HCM, Quảng Ninh, Tây Bắc, Đà Nẵng,... được các thành viên Voz nhắc đến trong các chiến dịch dọn rác tiếp theo. Một nhóm đã lên lịch dọn rác ở Đà Nẵng, có thể là núi Sơn Trà.

Tương tự, người đồng sáng lập diễn đàn Tinh Tế đã cùng một người bạn dọn một bãi rác ở TP.HCM, sau đó đăng ảnh lên Facebook và trên diễn đàn để kêu gọi hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường dạng này.

“Phong trào rất thiết thực cho cộng đồng. Cũng mong phong trào này nhân rộng để mọi người ý thức hơn môi trường xung quanh mình”, một thành viên trên Tinh Tế viết.

Một thành viên Tinh Tế khoe ảnh dọn rác ở con đường trước nhà thành viên này - Ảnh: Tinhte

Để nhân rộng phong trào, anh Trần Mạnh Hiệp đã kêu gọi tài trợ các món đồ công nghệ để tặng những người hưởng ứng thử thách dọn rác. Trong bài viết trên đàn, hầu hết mọi người bày tỏ ý kiến ủng hộ, một số hình ảnh dọn rác đã được đăng tải.

Ngoài các diễn đàn công nghệ, nhiều nhóm khác trên mạng xã hội, nhiều tổ chức ở các địa phương, các doanh nghiệp cũng đang hưởng ứng phong trào này.

Trào lưu dọn rác nằm trong nhiều hoạt động khác đang diễn ra âm thầm hơn tại Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường. Trong đó, nhiều nhóm bạn trẻ đã kêu gọi tẩy chay ống hút nhựa, ly nhựa tại các quán cà phê, quán trà sữa. Nhiều người chuyển sang dùng ống hút tre, ống hút kim loại, ống hút làm từ bột, kèm với ly kim loại để góp phần bảo vệ môi trường.

Một thống kê cuối năm 2018 cho thấy Việt Nam xả thải nhựa ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới. Nguồn thải nhựa này hầu hết từ các hoạt động trên đất liền, theo các cửa biển ra đại dương, khiến ô nhiễm môi trường và các sinh vật biển bị chết do ăn nhầm hoặc mắc kẹt vào rác nhựa.

Nhựa thường xuyên được sử dụng làm vật liệu chế tạo do chúng dễ tạo hình, bền. Do đó hầu hết sản phẩm nhựa được sản xuất ra đều đang tồn tại dưới dạng nào đó trên trái đất. Chẳng hạn, một miếng tã lót có thể tồn tại đến 450 năm, hay một dây câu cá tồn tại 600 năm.

“Dọn rác chỉ giải quyết phần ngọn, làm sao nâng cao ý thức con người để không xả rác bừa bãi mới là gốc của vấn đề”, một thành viên viết trên diễn đàn Tinh Tế.