Ngày 16/11, tại Hà Nội, Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, IEC Group và Liên minh Hợp tác Công tư về đô thị thông minh tổ chức hội thảo “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị”.

Tại hội thảo, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cho biết, dưới sự điều chỉnh của hệ thống quy định quản lý lĩnh vực đô thị, các đô thị tại Việt Nam đã có tốc độ phát triển khá ấn tượng.

Nếu như năm 1998, trên toàn quốc có 633 đô thị thì đến nay con số này là 888, chiếm khoảng 41,5% dân số cả nước. Trong đó, có trên 200 đô thị từ loại IV trở lên. Các đô thị đóng góp khoảng 70% GDP.

Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái.

Tuy vậy, ông Thái cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của hệ thống quy định về quản lý, phát triển đô thị Việt Nam, trong đó có việc một số vấn đề còn chưa được quy định: công cụ để kiểm soát hệ thống đô thị, phân bổ mạng lưới đô thị; kiểm soát hình thành mới điểm dân cư đô thị gắn với quá trình công nghiệp hóa hay việc áp dụng mô hình mới trong phát triển đô thị như đô thị thông minh, đô thị sân bay…

Trong tham luận về “Nguồn lực đất đai cho đô thị hóa”, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ, hiện công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, đô thị hóa là một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Để phát triển thành quốc gia công nghiệp có thu nhập cao, chúng ta cần có giải pháp phù hợp để có những đô thị hiện hữu được nâng cấp và phát triển nhiều đô thị mới. Các đô thị phải đảm bảo chất lượng, có mật độ kinh tế cao và cuộc sống cư dân tốt, hướng theo định hướng đô thị xanh và đô thị thông minh.

Chuyên gia Đặng Hùng Võ trình bày tham luận về “Nguồn lực đất đai cho đô thị hóa”.

Cũng theo ông Đặng Hùng Võ, gần đây vấn đề bảo vệ môi trường đã hình thành khái niệm về triết lý phát triển xanh. Trong phát triển đô thị, khái niệm “đô thị xanh” xuất hiện với yêu cầu cây xanh, mặt nước, ít dùng năng lượng công nghiệp…

Từ khi công nghệ 4.0 trở thành xu hướng phát triển, khái niệm “đô thị thông minh” ra đời với khả năng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) điều khiển mọi hoạt động của đô thị sao cho không còn điểm nghẽn, hoạt động nào cũng hiệu quả ở mức có lợi nhất và chi phí ít nhất.

Đồng quan điểm, trong trao đổi với VietNamNet hồi cuối tháng 10, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA Nguyễn Nhật Quang cho biết, khái niệm “đô thị thông minh” có từ đầu những năm 2000 và xuất phát từ các công ty CNTT với nhiều sáng kiến ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của đô thị.

Các thành phố được nêu ra làm hình mẫu về đô thị thông minh thường là những đô thị ở các nước đã phát triển, cấu trúc đô thị đã ổn định và CNTT chỉ là thứ còn thiếu được thêm vào.

Một thập kỷ gần đây, người ta bắt đầu nói đến cách mạng 4.0, chuyển đổi số và nhiều nhận thức đã và đang thay đổi. Dịch Covid 19 chỉ ra một điểm quan trọng là các thành phố được coi là hình mẫu về đô thị thông minh lại chưa thể hiện được khả năng vượt trội trong đối phó với dịch bệnh.

Các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, biến động của các nguồn năng lượng, sự nổi lên của năng lượng tái tạo, quan điểm về phát triển xanh cũng góp phần làm thay đổi một cách sâu sắc nội hàm của khái niệm đô thị thông minh. "Theo quan điểm của chúng tôi, đô thị thông minh là đô thị chuyển đổi số, đô thị chuyển đổi xanh”, ông Quang chia sẻ.