Mai Anh, nhân viên văn phòng tại Hà Nội thở phào vì vài tuần gần đây gọi xe di chuyển không còn khó khăn như trước. Cô cho biết đã dễ bắt xe hơn kể cả trong giờ cao điểm.

Giá xăng đã liên tiếp điều chỉnh giảm trong các kỳ điều hành giá gần đây. Chi phí đầu vào giảm góp phần giảm tải áp lực cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và và là cơ sở để nhiều hãng đồng loạt công bố giảm giá cước vào đầu tháng 9.

{keywords}
Nhiều tài xế đã sẵn sàng nhận các chuyến xe vào giờ cao điểm. Ảnh: Duy Vũ

Trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các hãng taxi đều đã giảm giá cước khoảng 10% sau khi có văn bản từ Sở GTVT và Hiệp hội Taxi Hà Nội.

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có hãng xe công nghệ nào thực hiện giảm giá cước sau lần điều chỉnh tăng giá vào hồi tháng 3 vừa qua.

Tuy nhiên, chi phí giảm đã giảm áp lực lên các tài xế taxi công nghệ, cũng khiến người dùng dễ thở hơn. Nhiều khách hàng thường xuyên di chuyển bằng taxi, xe công nghệ cho biết, cảm thấy sự thay đổi rõ rệt sau khi giá xăng liên tiếp giảm. Nhiều tài xế hoạt động hơn khiến cho người dùng không còn chịu cảnh phải chờ đợi lâu, hay bị hủy chuyến khi gọi xe.

N.V. Tuân, một tài xế GrabBike cho biết, anh mới nhận lại các chuyến xe chở khách trong thời gian cao điểm khoảng 1 tuần trở lại đây. Trước đó, anh này không dám nhận các chuyến xe trên ứng dụng vào giờ cao điểm, do lo ngại thu không đủ chi.

“Nhận một chuyến xe từ Hà Đông lên Dịch Vọng với số tiền chưa đến 50.000 đồng nhưng tôi phải di chuyển trong 1 tiếng đồng hồ do tắc đường. Trừ đi chi phí, tôi gần như chẳng cầm lại đồng nào. Vì thế, lúc giá xăng cao nói thật, tôi rất ngại chạy giờ cao điểm”, anh Tuân nói.

Không chỉ các dịch vụ hai bánh, giá xăng tăng cao khiến nhiều tài xế công nghệ xe 4 bánh của các ứng dụng gần như ít di chuyển đón khách vào các giờ cao điểm ở các thành phố lớn. Dù các hãng xe hiện nay đều có chính sách thưởng điểm với các cuốc xe trong giờ cao điểm. Nhưng nhiều tài xế hiện nay không còn mặn mà cày các cuốc, các chuyến xe, nhất là trong giờ cao điểm, khi xăng tăng giá khiến cho chi phí tăng lên đáng kể.

P. Giang, một tài xế GrabCar từng chia sẻ với ICTnews, lượng khách hàng gọi xe thường tập trung vào giờ cao điểm. Các ứng dụng gần đây tăng thưởng chuyến để khuyến khích tài xế chạy nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp không còn cày nhiều như trước đây nữa.

“Điều kiện thưởng không dễ, chi phí tăng cao hơn, nhất là vào giờ cao điểm thì tắc đường, kẹt xe nên cũng không thể chạy nhanh. Vì thế nếu tính ra chi phí nhận về cũng không cao hơn là bao”, anh Giang nói.

Trên các hội, nhóm, một số tài xế xe công nghệ chia sẻ không còn thường xuyên mở ứng dụng vào giờ cao điểm dù giá cước tăng, khi cân đối các khoản thu nhập về tay.

Trên thực tế, lượng tài xế chạy xe của các hãng vẫn giữ ổn định. Tuy nhiên, việc các tài xế hạn chế nhận chuyến vào giờ cao điểm khiến không ít hãng “đau đầu” khi chênh lệch cung – cầu khó có thể giải quyết. Mức giá cao khiến nhiều khách hàng ngần ngại sử dụng dịch vụ. Đây là lý do khiến các hãng gọi xe phải duy trì các chương trình ưu đãi, thưởng tiền để khuyến khích tài xế.

Trước đó, Gojek cho biết, luôn khuyến khích các đối tác tài xế hoàn thành tốt các đơn hàng và duy trì hiệu suất để đạt được doanh thu tốt nhất, cũng như đảm bảo nguồn cung phục vụ người dùng. Việc các đối tác hoạt động ổn định đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng cung - cầu, từ đó giúp ổn định mức giá cho người dùng và tránh ảnh hưởng đến khả năng nhận đơn hàng mới của đối tác tài xế. Trong khi đó, ứng dụng Be cũng duy trì nhiều chính sách hấp dẫn đối với các tài xế ở tất cả các mảng dịch vụ.

Trong kỳ điều hành mới nhất, giá xăng tiếp tục giảm mạnh, đưa giá bán xuống thấp nhất kể từ đầu năm trở lại đây. Dù rằng chi phí cho các chuyến xe công nghệ đã dễ thở hơn, nhưng không ít khách hàng cho rằng, các hãng xe sẽ phải giảm chi phí cước do giá xăng đã giảm sâu. Theo nguồn tin, một số hãng xe đang tính toán và cân nhắc việc điều chỉnh.

Như ICTnews từng đánh giá, khi mức giá taxi truyền thống – taxi công nghệ đang tiệm cận nhau, các hãng xe truyền thống hiện cũng đang đẩy mạnh phát triển các ứng dụng cũng như kênh trực tuyến. Theo thống kê, người dùng ứng dụng chiếm khoảng 30% bên cạnh các phương thức gọi xe truyền thống. Điều này cũng khiến áp lực cạnh tranh với xe công nghệ ngày càng tăng.

Duy Vũ

Nhu cầu gọi xe tăng đột biến, giá ứng dụng gọi xe tăng cao vào giờ cao điểm

Nhu cầu gọi xe tăng đột biến, giá ứng dụng gọi xe tăng cao vào giờ cao điểm

Nhiều người dùng cho biết gặp khó khăn qua các ứng dụng gọi xe nhất là vào giờ cao điểm, khi không thể tìm kiếm tài xế. Điều này khiến cho giá dịch vụ tăng cao hơn.