Theo dữ liệu của Wind, Trung Quốc xuất xưởng gần 21,5 triệu xe ô tô mới trong năm ngoái, bằng doanh số của cả thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cộng lại.

Các mẫu xe điện cũng đang có thị phần ngày càng tăng tại Trung Quốc với sự tham gia của Tesla và những startup như Nio cùng các nhà sản xuất xe hơi truyền thống. Sau khi cạnh tranh về quãng đường di chuyển bằng pin, hệ thống giải trí trực tuyến trong xe, các hãng xe đang tập trung vào công nghệ hỗ trợ lái.

Gã khổng lồ công nghệ Baidu và công ty sản xuất xe Geely là hai trong số những cái tên đang nỗ lực đưa công nghệ hỗ trợ lái xe vào sử dụng đại trà.

15 tháng sau khi công bố, dự án xe điện Jidu có sự đầu tư của Baidu và Geely đằng sau, đã ra mắt bản concept vào tuần trước và nói rằng bản thương mại sẽ được đưa ra thị trường vào năm 2023, với giá khoảng 30.000 USD. Model Y của Tesla tại Trung Quốc đang có giá gần 50.000 USD.

“Đó không chỉ là một chiếc xe hơi, mà còn là một robot”, CEO Jidu Joe Xia nói trong sự kiện livestream ra mắt bản concept.

Robo-01, mẫu xe 4 chỗ của Jidu có màn hình điều khiển kéo dài chiếm hết đầu xe và loại bỏ hoàn toàn các nút bấm trong buồng lái, vì người dùng có thể sử dụng điều khiển bằng giọng nói.

Về lý thuyết, khi Trung Quốc cho phép xe tự hành hoàn toàn tham gia giao thông, vô lăng hình bán nguyệt của Robo-01 có thể gập lại, tạo ra không gian ngồi trong buồng lái không “vật cản”. Hai cảm biến lớn bên ngoài xe cũng có tuỳ chọn thu gọn để tăng tính thẩm mỹ và bảo vệ trong trường hợp khẩn cấp.

Cuộc cách mạng ngành xe hơi

Xia khẳng định Jidu “có thể trở thành tiêu chuẩn cho ô tô tự lái”, tuy nhiên công ty cũng từ chối chia sẻ mức độ phần mềm hỗ trợ lái xe được trang bị đi kèm.

“Tôi cho rằng định nghĩa về xe hơi thông minh đã tiến hoá rất nhiều”, Xuan Liu, Phó Chủ tịch phần mềm tự hành DeepRoute.ai cho hay.

“Có 2 yếu tố mà người tiêu dùng quan tâm. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là khả năng lái tự động. Tiếp đến tôi nghĩ họ cũng rất hứng thú với khoang lái thông minh, do đó họ sẽ muốn tương tác với hệ thống của xe nhiều hơn”, ông Liu chia sẻ.

Đối với người dùng Trung Quốc, điểm hấp dẫn nhất của xe tự hành là việc được hỗ trợ lái trong hành trình trở về nhà sau một ngày dài làm việc. Trong khi đó, trên khía cạnh kinh doanh, việc giảm giá thành phần mềm cũng sẽ đẩy nhanh tốc độ phổ biến của các phương tiện này.

Vào tháng 4, DeepRoute.ai thông báo hãng giảm giá phần mềm tự động lái từ 10.000 USD xuống còn 3.000 USD/xe. Lãnh đạo công ty cho biết, việc hạ giá thành nhiều có được là nhờ sử dụng các cảm biến rẻ hơn nhưng phần mềm tốt hơn. Ông cũng hi vọng giá sẽ tiếp tục giảm sau khi startup này có thể làm việc với các nhà sản xuất xe hơi để đưa vào sử dụng đại trà từ năm 2024 trở đi.

Mặc dù cơ quan chức năng chưa cho phép xe tự hành hoàn toàn hoạt động trên phần lớn đường phố, nhưng các công ty như DeepRoute.ai và Baidu đang xây dựng cơ sở dữ liệu thông qua hoạt động của robot-taxi.

Vinh Ngô (Theo CNBC)