TraceTogether (Singapore)

Từ tháng 3/2020, Cơ quan Công nghệ Chính phủ (GovTech) và Bộ Y tế Singapore đã ra mắt ứng dụng TraceTogether để chống lại sự lây lan của Covid-19. 

Nguyên tắc hoạt động của TraceTogether tương tự như Bluezone. Theo đó, ứng dụng này có nhiệm vụ xác định các tiếp xúc gần với chủ nhân máy trong khoảng cách dưới 2 mét. Việc lưu lại lịch sử tiếp xúc trên TraceTogether được thực hiện thông qua kết nối Bluetooth giữa 2 chiếc smartphone. 

Người dùng TraceTogether sẽ phải bật Bluetooth liên tục để app hoạt động. Nếu một người nhiễm bệnh, cơ quan chức năng Singapore có thể nhanh chóng tìm ra những trường hợp có khả năng nghi nhiễm thông qua lịch sử tiếp xúc được lưu trữ trên TraceTogether. 

Các nước đang dùng ứng dụng gì để chống lại Covid-19?
Chính phủ Singapore đang vận động người dân sử dụng TraceTogether để chống lại sự lây lan của dịch bệnh. TraceTogether có tính năng và nguyên lý hoạt động tương tự với ứng dụng Bluezone do Việt Nam phát triển. Ảnh: Straits Times

Việc sử dụng TraceTogether là không bắt buộc tại Singapore. Tuy vậy, người dùng sẽ phải đồng ý các yêu cầu của ứng dụng khi sử dụng TraceTogether, trong đó có việc cung cấp số điện thoại di động. 

Trong trường hợp thuộc danh sách nghi nhiễm, người dùng TraceTogether sẽ được yêu cầu chia sẻ dữ liệu lịch sử tiếp xúc của mình. Nếu từ chối, họ có thể bị truy tố theo Đạo luật về bệnh truyền nhiễm của Singapore. 

Đã có 2,3 triệu người dân Singapore cài đặt và sử dụng TraceTogether, chiếm 41% tổng dân số nước này. Chính phủ Singapore xem đây là một giải pháp hiệu quả để chống lại sự lây lan của Covid-19. 

CovidSafe (Australia)

Tại Australia, chính phủ nước này cũng lựa chọn công nghệ xác định tiếp xúc thông qua sóng Bluetooth để tìm kiếm người nghi nhiễm Covid-19. Đó là lý do Australia đang tích cực vận động người dân tải và cài ứng dụng CovidSafe. 

Theo miêu tả về CovidSafe, sau khi được tải về máy, ứng dụng này sẽ sử dụng công nghệ Bluetooth để ghi lại lịch sử tiếp xúc giữa 2 người dùng smartphone. 

Người dùng CovidSafe được yêu cầu cung cấp tên đăng nhập, độ tuổi, số điện thoại và địa chỉ mã bưu điện. Dựa trên các thông tin đó, ứng dụng sẽ tạo ra một mã ID cho mỗi người dùng CovidSafe. 

Các nước đang dùng ứng dụng gì để chống lại Covid-19?
Ứng dụng CovidSafe của Australia. Ảnh: Sydney Morning Herald

Khi 2 người sử dụng app lại gần nhau với thời gian đủ lâu, mã ID trên thiết bị của họ sẽ được lưu lại trong lịch sử tiếp xúc. Thông tin này được lưu trữ ngay trên chính thiết bị của người dùng. Giống với ứng dụng Bluezone của Việt Nam, CovidSafe không yêu cầu người dùng phải cung cấp thông tin về vị trí. 

Nếu một người nhiễm Covid-19, cơ quan y tế tiểu bang sẽ yêu cầu họ đồng ý tải dữ liệu lịch sử tiếp xúc từ thiết bị lên cơ sở dữ liệu CovidSafe quốc gia. Trong trường hợp người dùng chưa đủ tuổi thành niên, yêu cầu này được gửi tới cha mẹ hoặc người giám hộ của đứa trẻ. 

Chính quyền Australia sẽ sử dụng thông tin đó để liên hệ trực tiếp với những người có trong lịch sử tiếp xúc của người bệnh. Bộ Y tế Australia cho biết, toàn bộ thông tin về lịch sử tiếp xúc trên cơ sở dữ liệu CovidSafe quốc gia sẽ bị xóa bỏ sau đại dịch. 

Tính tới thời điểm hiện tại, đã có khoảng 7 triệu người, tương đương 28% dân số Australia sử dụng CovidSafe. Hồi tháng 5, Quốc hội Australia đã thông qua đạo luật sửa đổi quyền riêng tư để hỗ trợ CovidSafe và bảo đảm quyền lợi cho những người sử dụng. 

Corona Warn (Đức)

Ở Đức, một quốc gia có quy mô dân số tương đồng với Việt Nam, chính phủ nước này đang sử dụng ứng dụng Corona Warn trong “cuộc chiến” với Covid-19. 

Nguyên lý hoạt động của Corona Warn cũng tương tự Bluezone. Ứng dụng này sử dụng công nghệ Bluetooth để xác định tiếp xúc, từ đó tìm ra những người có khả năng lây nhiễm Covid-19. 

Các nước đang dùng ứng dụng gì để chống lại Covid-19?
Đã có 17 triệu người dân Đức tải và cài đặt ứng dụng Corona Warn để nhận được cảnh báo về khả năng nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: Michael Sohn

Trong trường hợp một người dùng Corona Warn dương tính với Covid-19, họ sẽ được yêu cầu tải dữ liệu lịch sử tiếp xúc 14 ngày gần nhất của mình lên máy chủ. Mã ID của người nhiễm Covid-19 sau đó sẽ được gửi tới toàn bộ người dùng để ứng dụng tự so sánh với lịch sử tiếp xúc và đưa ra cảnh báo.  

Đã có hơn 17 triệu người sử dụng Corona Warn. Con số này tương đương khoảng 20% dân số Đức. Tuy vậy, theo ước tính của các chuyên gia, tỷ lệ này cần phải tăng lên gấp đôi thì nước Đức mới có thể chống chọi được với làn sóng tiếp theo của dịch bệnh. 

Giáo sư Veronica Grim thuộc Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức thậm chí còn cho rằng, nước này cần phải nâng tỷ lệ người dân sử dụng Corona Warn lên mức 80%. 

SwissCovid (Thụy Sĩ)

Nằm kề sát nước Đức, Thụy Sĩ cũng là một trong những quốc gia Châu Âu tích cực sử dụng công nghệ nhằm phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Đó cũng là lý do mà từ tháng 6/2020, chính phủ nước này đã đưa vào hoạt động ứng dụng có tên SwissCovid. 

Các nước đang dùng ứng dụng gì để chống lại Covid-19?
Người Thụy Sĩ khi nhiễm Covid-19 sẽ được cung cấp một mã Covid Code. Họ có thể nhập mã này vào ứng dụng SwissCovid để cảnh báo những người mà mình đã từng tiếp xúc trong thời gian ủ bệnh. Ảnh: Digital Switzerland

SwissCovid sử dụng công nghệ Bluetooth để xác định các tiếp xúc gần, từ đó tìm ra người có khả năng nghi nhiễm Covid-19. Việc sử dụng SwissCovid tại Thụy Sĩ là tự nguyện. Người dân quốc gia này có thể tải ứng dụng trên cả 2 nền tảng iOS và Android. 

Giống như Bluezone của Việt Nam, người dùng SwissCovid được yêu cầu bật Bluetooth 24/24h để ứng dụng có thể hoạt động một cách liên tục. Nếu một người dùng SwissCovid nhiễm Covid-19, họ sẽ nhận được một mã CovidCode từ các cơ quan chức năng. 

Mã CovidCode cho phép người dùng kích hoạt chức năng thông báo trong ứng dụng, từ đó thông báo cho tất cả những người đã tiếp xúc với họ trong khoảng 2 ngày trước khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện. 

Các nước đang dùng ứng dụng gì để chống lại Covid-19?
Thống kê về số lượng người sử dụng SwissCovid tại Thụy Sĩ. Quốc gia Châu Âu này hiện có khoảng 8,57 triệu dân. Số liệu: Văn phòng Thống kê Liên bang Thụy Sĩ

Những người được xác định là tiếp xúc gần (dưới 1,5 mét và trên 15 phút) với người dương tính sẽ nhận được cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm. Tuy vậy, danh tính của người kích hoạt thông báo được hệ thống giữ kín. 

Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Thụy Sĩ, tính đến ngày 20/8, khoảng 1,37 triệu người dân Thụy Sĩ đang sử dụng SwissCovid, chiếm khoảng 16% tổng dân số nước này. 

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.

Trọng Đạt

 

Các nước khác có dùng Bluezone để chống Covid-19 không?

Các nước khác có dùng Bluezone để chống Covid-19 không?

Đây là câu hỏi của rất nhiều người dân khi được vận động cài đặt ứng dụng Bluezone nhằm truy vết người nghi nhiễm Covid-19.