Theo nghiên cứu về các xu hướng thanh toán di động trong năm 2022 và những năm tới của Digital Virgo, năm 2021 đã tác động đáng kể đến các mô hình tiêu dùng số. Đại dịch tạo động lực mạnh mẽ đối với mạng lưới thanh toán toàn cầu, ảnh hưởng nhanh chóng và trực tiếp đến thế giới tài chính, bao gồm cả các phương thức thanh toán thay thế. Mua sắm trực tuyến đã bùng nổ và điện thoại di động trở thành lựa chọn thanh toán ưa thích. 

Một khảo sát mới công bố của Kaspersky cho thấy, 67% người dân khu vực Đông Nam Á - trong đó có Việt Nam - mong muốn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển sang hình thức thanh toán kỹ thuật số.

Trong cuộc khảo sát, phần lớn người Việt Nam (64%) tin rằng ví di động có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh, giúp gia tăng thu nhập. Các ứng dụng thanh toán trên điện thoại, ví điện tử có vẻ đang chiếm ưu thế trong các hình thức thanh toán kỹ thuật số trên toàn khu vực Đông Nam Á. Theo đó, 58% người sử dụng các ứng dụng thanh toán di động, 53% sử dụng ứng dụng của ngân hàng. Các loại thẻ thanh toán được sử dụng ít hơn, như thẻ ghi nợ (36%) và thẻ tín dụng (33%). Riêng trình duyệt web của các ngân hàng ít phổ biến nhất với 31%.

Dễ dàng bắt gặp trên quầy thanh toán tại các cửa hàng, siêu thị… là hàng loạt biển thông báo chấp nhận thanh toán bằng thẻ, ví điện tử, QR code… từ nhiều nhà cung cấp. Ảnh: Linh Đan

Ví điện tử là một hệ thống dựa trên phần mềm lưu trữ an toàn thông tin thanh toán và mật khẩu của người dùng để thực hiện các phương thức thanh toán khác nhau. Nó có thể được sử dụng cùng với hệ thống thanh toán di động, cho phép khách hàng thanh toán tất cả các loại giao dịch bằng điện thoại thông minh. Ví điện tử rất dễ sử dụng, tải xuống một cách đơn giản và sử dụng từ cửa hàng ứng dụng, thêm các loại thanh toán và tài liệu xác thực thông tin nhằm đảm bảo tính an toàn. Ví điện tử có nhiều ưu điểm như dễ dàng thanh toán, tiết kiệm thời gian, theo dõi chi phí tốt hơn, bảo mật nâng cao, và đặc biệt tại Việt Nam, người dùng thường được hưởng các chương trình khuyến mãi liên kết của ứng dụng ví điện tử.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết ví điện tử đang hoạt động theo cơ chế người dùng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản thanh toán, nên không bị khống chế hạn mức thanh toán. Vì vậy, các đơn vị vận hành ví điện tử tăng cường liên kết với các ngân hàng để mở rộng phạm vi chuyển tiền thanh toán cho người dùng. Ngược lại, các ngân hàng cũng có lợi thế mở rộng khách hàng và tận dụng được một hệ sinh thái thanh toán sẵn có kết nối với các sàn thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi... 

Hiện các ví điện đều cung cấp đầy đủ nhiều tiện ích cơ bản như thanh toán điện thoại, điện, nước, Internet, thanh toán các khoản vay, phí bảo hiểm, phí dịch vụ, dịch vụ công, học phí, mua vé (tàu xe, máy bay)… Ngoài việc xây dựng cho mình các trò chơi, chương trình ưu đãi riêng, các ví còn liên kết với sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Zalora… để gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng. 

Chẳng hạn như MoMo đang kết nối trực tiếp với 28 ngân hàng trong nước và quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, cùng với hệ thống điểm nạp/rút phủ khắp toàn quốc, nổi bật là Circle K, Ministop, FPT Shop... giúp việc nạp và rút tiền trở nên đơn giản, nhanh chóng.

Nhờ những thay đổi nhanh chóng trong nền kinh tế, điều kiện xã hội, bối cảnh pháp lý và mọi thứ liên quan đến công nghệ, hệ sinh thái thanh toán qua di động tiếp tục trải qua một cuộc cách mạng. Dịch bệnh kéo dài đã thúc đẩy người tiêu dùng chấp nhận sử dụng ví điện tử, thanh toán di động và các khoản thanh toán tiện lợi đã trở thành tiêu chuẩn. Ví điện tử được kỳ vọng sẽ trở thành phương thức thanh toán tại cửa hàng phổ biến nhất. Yahoo Finance tiết lộ rằng ví điện tử sẽ chiếm hơn một nửa tổng số thanh toán thương mại điện tử trên toàn thế giới vào năm 2024. Đông Nam Á là một trong những thị trường ví điện tử phát triển nhanh nhất.