TIN BÀI LIÊN QUAN

Tưng bừng không khí mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. (Ảnh: VietNamNet)
Tưng bừng không khí mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. (Ảnh: VietNamNet)
Một nghìn năm. Đối với một người Mỹ, đó là một kiểu lễ kỷ niệm vấn vương tâm trí. Là một sử gia, tôi vẫn còn chưa hết ngạc nhiên khi bắt gặp bằng chứng về tuổi thọ của Hà Nội.

Vào ngày 10/10/2010 (phải, đó là 10-10-10), Hà Nội sẽ kỷ niệm ngày được Vua Lý Thái Tổ khai sinh là "Thăng Long" hay "Rồng Bay". Theo huyền thoại, Nhà Vua đã tới chốn này, nhìn thấy một con rồng vàng đang bay lên trời và xem đây là một dấu hiệu nên lập kinh đô mới ở nơi gọi là Hà Nội ngày nay.

Không chỉ có vậy. Hà Nội đã vượt qua một nghìn cơn giông tố khác nhau, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong suốt quãng thời gian đó, Hoàng Thành trở nên nhỏ đi, Sông Hồng đã đổi dòng và thành phố vươn ra xa từ trung tâm ban đầu của nó. 

Nhiều thắng lợi được tôn vinh: Nhà hát Lớn Hà Nội cho bạn cơ hội tới thăm nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; tới Quảng trường Ba Đình, bạn sẽ có dịp đứng ở nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam.

Những nỗi đau cũng được nhớ tới: Trại giam Hỏa Lò là một cửa sổ nhìn vào những vụ ngược đãi thuộc địa của người Pháp, một đài kỷ niệm các trận bom Mỹ ở Bệnh viện Bạch Mai nhắc nhở cho chúng ta về cái giá thật sự của chiến tranh. 

Thực tế, lịch sử là quân chủ bài của Hà Nội. Du khách và những người xa xứ thường so sánh Hà Nội với TP.Hồ Chí Minh, nhưng chính "cảm giác" lịch sử của thành phố thủ đô đã mang lại chiến thắng dễ dàng. Mỗi con phố ở Hà Nội đều có lịch sử của nó cũng như mọi hồ đều có huyền thoại riêng.

Hà Nội gìn giữ được Phố Cổ trong khi Sài Gòn thay đổi theo sự phát triển. Ở TP. Hồ Chí Minh, bạn có thể chứng kiến những ngôi nhà chọc trời và dạo quanh một khu mua sắm xa xỉ. Còn nơi đây Hà Nội, chúng ta có thể thong dong trên những con đường rợp bóng cây hoặc nhấm nháp li cà phê bên cạnh những cụ già đội mũ bêrê. Đôi khi còn được xem "Cụ Rùa" huyền thoại nổi lên trên mặt hồ Hoàn Kiếm. 

Trong khi Sài Gòn có nhiều tòa nhà lớn, còn thành phố thủ đô chỉ có thể mô tả bằng những cảm xúc của tình yêu và cuộc sống. TP. HCM hướng tới những giá trị hiện đại, còn Hà Nội lưu giữ tâm hồn.

Nhưng cũng phải thừa nhận, Hà Nội không phải là một nơi hoàn hảo. Thành phố này đang phải đương đầu với nhiều thách thức to lớn của sự hiện đại. Có nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển, như trộm vặt, thiếu nhà ở và tắc nghẽn giao thông do quá đông người, các vấn đề môi trường nghiêm trọng và áp lực giữa lợi ích và bảo tồn. 

Tuy nhiên, khi Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm "đại lễ", vẫn phải thừa nhận rằng họ có thứ đáng giá để tôn vinh. 

Bức tượng Vua Lý Thái Tổ nhìn ra Hồ Hoàn Kiếm, nơi có nhiều hoạt động kỷ niệm được thực hiện. Nhà Vua đứng đó, chứng kiến những ánh đèn, những đám đông, âm nhạc, máy ghi hình cùng nhiều nghi lễ khác. Nếu dường như Ngài có mỉm cười trong ánh sáng lung linh ấy thì đó chính là điều một nghìn năm qua có thể làm được.

  • Ginger R. Davis