Ảnh minh họa: Internet

Theo báo cáo của ngân hàng đầu tư Orient Securities, thị trường này có tốc độ tăng trưởng thường niên từ 12% đến 17% trong 10 năm. Chiến dịch “cải cách Chính phủ điện tử” đến năm 2016 mới chính thức được kích hoạt. Nó khuyến khích các công nghệ nhận diện gương mặt, xử lý ngôn ngữ và công nghệ liên quan tới trí tuệ nhân tạo khác để đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Hanweb Software, một công ty phần mềm hoạt động hơn 10 năm, đã hợp tác với nhiều bộ ngành để “thông minh hóa” dịch vụ, liên kết dữ liệu của dịch vụ công với khu vực tư, xây dựng nền tảng tại 17 huyện thị. Họ còn mở hai website cho nền tảng dịch vụ chính phủ quốc gia (đang chạy thử nghiệm) và mạng dịch vụ công của Chiết Giang bên cạnh các dự án nhỏ lẻ khác.

Tháng 1/2019, Hanweb Software được nhận vốn đầu tư chiến lược từ Ant Financial thuộc Alibaba. Theo Chủ tịch Jin Zhenyu, công nghệ thông tin hỗ trợ rất lớn cho nhiều dịch vụ công, chuyển từ bàn giấy lên mạng Internet. Nhu cầu đối với các phần mềm hỗ trợ hoạt động, bảo trì và tích hợp mọi thứ như ứng dụng, chương trình, tài khoản mạng xã hội cũng gia tăng.

Các dịch vụ trực tuyến phát triển theo thời gian. Trong quá khứ, chúng chỉ là một cửa sổ trình duyệt giải thích các dịch vụ công. Vài năm gần đây, chúng mới thực hiện sứ mệnh “chính phủ điện tử”.

Dù vậy, thị trường này đầy tính cạnh tranh, một phần do tính chất phức tạp của các công việc liên quan. Nó đòi hỏi kết hợp giữa công nghệ, đầu cuối, bộ dữ liệu – nội dung. Những yếu tố đó đều cần tới năng lực điều hành và công nghệ sâu rộng.