Khi Covid-19 bùng phát mạnh trên thế giới với biến thể Delta, các nước phương Tây đã tính đến chuyện mở cửa nền kinh tế, xóa bỏ các lệnh cách ly giãn cách xã hội đã đưa ra trước đấy.

Để làm điều này, nhiều nước đang áp dụng chiến dịch tiêm vắc xin diện rộng cho người đăng ký trước và truy vết tiếp xúc gần qua ứng dụng trên smartphone. Các thuật toán truy vết được phát triển độc lập bởi nhiều nước, nhưng có một điểm chung là thu thập dữ liệu người dân phục vụ cho công tác phòng chống dịch. 

Trung Quốc theo dõi sức khỏe người dân qua ứng dụng

Ngay từ giai đoạn đầu của Covid-19, Trung Quốc đã yêu cầu Big Tech nước này phối hợp phát triển ứng dụng truy vết tiếp xúc gần. Các ứng dụng này sẽ được tích hợp trong các ví điện tử phổ biến Trung Quốc như WeChat Pay hay Alipay.

Chẳng hạn, Alipay Health Code lần đầu được triển khai ở Hàng Châu buộc người dân phải đăng ký tình trạng sức khỏe gắn với ba mã màu xanh, vàng hoặc đỏ. Thông tin cá nhân, lịch trình di chuyển sẽ được lưu lại và theo dõi khi có ca nhiễm Covid-19 xảy ra. 

Để sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, người dân cần đăng ký số điện thoại với ứng dụng để lấy mã sức khỏe màu xanh, tức chỉ số sức khỏe đủ điều kiện để tự do đi lại. 

Những người có mã màu vàng sẽ được yêu cầu trở về nhà trong 7 ngày. Trong khi đó, những người mã màu đỏ sẽ được yêu cầu cách ly hai tuần. 

Đồng thời, mã sức khỏe được quét tại các địa điểm công cộng cũng sẽ được gửi về cho Trung Quốc để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. 

{keywords}
Trung Quốc yêu cầu người dân cài ứng dụng để kiểm soát lịch trình di chuyển.

Đến khoảng giữa tháng 7/2021, khi dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, một số tỉnh Trung Quốc mới gỡ bỏ yêu cầu khai báo mã sức khỏe và chỉ còn đặt tình trạng cảnh báo ở một số quận, huyện. Tuy nhiên, người di chuyển bằng máy bay vẫn được yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 48 giờ bay. 

Còn tại Hồng Kông (Trung Quốc), người dân cũng được yêu cầu cài đặt ứng dụng StayHomeSafe hoặc đeo vòng tay y tế thông minh trong thời gian cách ly hoặc du lịch đến đặc khu này. 

Châu Âu xây dựng ứng dụng dùng chung

Sau thành công của Trung Quốc trong chống dịch, các nước châu Âu muốn mở cửa lại nền kinh tế đã vội vã bắt tay vào xây dựng ứng dụng của riêng mình.

Một vài nước như Anh và xứ Wales đã triển khai ứng dụng NHS Covid-19, nhưng không bắt buộc. Tuy nhiên, những người đã được thông báo cách ly thông qua ứng dụng, nhắn tin, email hoặc gọi điện nhưng không tuân thủ sẽ bị phạt 200 bảng Anh, gấp đôi sau mỗi lần vi phạm với số tiền tối đa lên tới 6.400 bảng. 

{keywords}
Hộ chiếu sức khỏe dùng chung cho khu vực Liên minh châu Âu.

Mãi đến đầu tháng 7/2021, châu Âu mới bắt đầu triển khai ứng dụng dùng chung cho toàn khối gọi là Chứng thực Covid số Liên minh châu Âu (EU Digital COVID Certificate). Ứng dụng này bao gồm tất cả thông tin cá nhân trong một mã QR. Việc sử dụng ứng dụng yêu cầu người chủ sở hữu phải đăng ký với một bác sĩ đa khoa, có thẻ đi lại xác minh danh tính có thể truy cập được trên smartphone. 

Để tham dự các sự kiện như Euro 2020, người sử dụng phải có chứng nhận tiêm đủ hai mũi vắc xin, giấy xét nghiệm âm tính hoặc có miễn dịch tự nhiên thông qua xét nghiệm PCR.

Mặc dù không có dòng nào yêu cầu bắt buộc cài ứng dụng, Liên minh châu Âu (EU) lưu ý chứng thực vắc xin sẽ giúp người dân được quyền đi lại tự do trong toàn khối châu Âu. 

Với ứng dụng này, EU đã xây dựng được một bản đồ thời gian thực về tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 trong 14 ngày trên 100.000 dân trong toàn khối, bao gồm cả các nước nằm ở châu Âu nhưng không thuộc EU. Đồng thời, danh sách các nước ngoài châu Âu được gỡ bỏ hạn chế du lịch cũng được cập nhật liên tục trên bản đồ của EU. 

Singapore bắt buộc cài ứng dụng truy vết

Cũng như các nước khác, Singapore đã xây dựng ứng dụng truy vết quốc gia từ khi Covid-19 chớm bùng phát. Ứng dụng này gồm TraceTogether được cài đặt trên máy người dân và SafeEntry được đặt tại các địa điểm kinh doanh.

Ban đầu, việc khai báo bằng cách quét mã QR tại các địa điểm SafeEntry là không bắt buộc. Đến tháng 5/2020, Singapore yêu cầu triển khai SafeEntry tại tất cả các địa điểm kinh doanh, ngoại trừ nhà riêng.

Đến tháng 6/2021, Bộ Y tế nước này yêu cầu người dân cài đặt và sử dụng TraceTogether tại các địa điểm tập trung đông người cả ở trong nhà lẫn ngoài trời. Đây là biện pháp để Singapore truy vết tiếp xúc gần trong khi vẫn thực thi các yếu tố giãn cách nhằm ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19.

Nhiều nước bắt buộc

Ngoài các nước nói trên, nhiều nước khác trên thế giới cũng đang tiến hành từng bước bắt buộc theo hướng yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh phải tuân thủ quy định. 

Như ở Úc, các cơ sở kinh doanh phải thiết lập mã QR, yêu cầu khách check-in và chỉ phục vụ cho khách có dấu tích xanh. Nếu người dân không thể check-in, các cơ sở này phải có phương án thay thế và lưu trữ dữ liệu trong tối thiểu 28 ngày để cung cấp cho giới chức nước này khi có yêu cầu. Quy định này cũng áp dụng cho dịch vụ vận chuyển hành khách, ngoại trừ xe cứu thương, xe tư nhân hoặc nông trại.

{keywords}
Pháp yêu cầu nhà hàng kinh doanh muốn mở cửa phải có điểm check-in để định danh khách hàng. 

Còn ở Hàn Quốc, dựa trên đạo luật kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh, Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc yêu cầu tất cả người dân phải cài đặt ứng dụng để giám sát và cảnh báo khi có ca nhiễm Covid-19 ở gần. 

Hay gần nhất là Pháp yêu cầu các địa điểm kinh doanh trên 50 người phải yêu cầu du khách cung cấp mã QR chứng nhận đã tiêm vắc xin đầy đủ hoặc có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ, bất chấp biểu tình phản đối việc thực thi hộ chiếu vắc xin này.

Như vậy, dù muốn hay không, các ứng dụng liên quan đến Covid-19 bao gồm truy vết, hộ chiếu vắc xin hay hộ chiếu sức khỏe là một phần bắt buộc để thế giới sống chung với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới.

Phương Nguyễn

Ứng dụng trên điện thoại cho phép người dùng lưu hồ sơ tiêm chủng

Ứng dụng trên điện thoại cho phép người dùng lưu hồ sơ tiêm chủng

Ứng dụng Health Amulet có thể tự động ghi lại tên của các nhà phát triển và nhà sản xuất vaccine, đồng thời cho phép người dùng chèn thông tin như số lô vaccine, ngày tiêm chủng trước đây.