Trong phiên chất vấn sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, mạng xã hội kinh doanh trên dữ liệu cá nhân nên thu thập dữ liệu cá nhân. Cách đây ba năm, tại diễn đàn Quốc hội, ông từng nêu quan điểm phải có mạng xã hội Việt Nam, bởi không thể bỏ nền tảng này được. Năm 2009, tất cả nền tảng mạng xã hội Việt Nam có chưa đến 40 triệu tài khoản, đến nay các mạng xã hội Việt Nam lớn nhất có 130 triệu tài khoản, tương đương với số người dùng Facebook và Youtube cộng lại.

Đồng thời Bộ trưởng cho biết: "Đây cũng là giải pháp giữ lại dữ liệu của người Việt Nam tại Việt Nam".

Có thể nói, tại Việt Nam trong giai đoạn phát triển rầm rộ của web2.0, đã từng xuất hiện rất nhiều mạng xã hội do chính người Việt phát triển ở rất nhiều lĩnh vực, trong đó điển hình có thể kể đến Zing Me, Go.vn, Tamtay.vn, Yume… 

Đáng chú ý, trong thời điểm tháng 3/2011, theo số liệu của Google Ad Planner, Zingme đã đạt 6,8 triệu khách truy cập, trong khi đó con số của Facebook chỉ là 3,1 triệu. 

Tuy nhiên, đến tháng 12/2012 Facebook đã chính thức vượt Zing Me tại Việt Nam. Kể từ đó, Facebook vươn lên phát triển mạnh mẽ trở thành mạng xã hội số 1 tại thị trường trong nước, trong khi đó Zing Me đã biến mất dần theo thời gian, không còn được nhắc đến. 

Đến năm 2019, mạng xã hội Việt lại tiếp tục được thúc đẩy phát triển trở lại với sự xuất hiện của Lotus và Gapo. Và theo thống kê, đến tháng 6/2021 đã có 829 mạng xã hội được cấp phép tại Việt Nam, tuy nhiên điều đáng buồn là chỉ có 5% có 1 triệu người sử dụng thường xuyên. Điểm sáng duy nhất hiện tại là Zalo, khi mạng xã hội này có hơn 70 triệu người sử dụng, còn lại vẫn là sự thống trị của mạng xã hội xuyên biên giới.

Người dùng trải nghiệm mạng xã hội Việt Lotus - Ảnh: Lê Mỹ

Có nhiều nguyên nhân về sự thất bại của mạng xã hội ở Việt Nam, trong đó có thể kể đến về sự không theo kịp phát triển công nghệ và khả năng sáng tạo của các mạng xã hội quốc tế. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân mà theo nhiều doanh nghiệp là sự bất bình đẳng trong quản lý giữa mạng xã hội Việt và mạng xã hội xuyên biên giới. 

Có vẻ nhận thức ra vấn đề đó, mà trong những năm qua, có thể thấy phát triển mạng xã hội Việt luôn là ưu tiên của Bộ TT&TT, điển hình là Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng cho biết, Bộ đã lập ra tổ công tác hỗ trợ mạng xã hội Việt Nam và đặt ra mục tiêu số lượng người dùng phải tương đương với mạng xã hội nước ngoài. Và hiện nay, như thông tin được ông đưa ra ở trên, các mạng xã hội Việt Nam đã có số người dùng bằng của Facebook và Youtube cộng lại. 

Một điều nữa đáng ghi nhận là trong thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đưa ra nhiều chính sách siết chặt quản lý với mạng xã hội xuyên biên giới như Google, Facebook và TikTok, cụ thể đã yêu cầu các mạng xã hội này gỡ hàng chục ngàn nội dung vi phạm, khoá các tài khoản vi phạm pháp luật của Việt Nam. Và trong thời gian tới Bộ TT&TT cũng thanh tra toàn diện hoạt động quảng cáo của các mạng xã hội xuyên biên giới này. 

Vì thế, việc Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra vấn đề cần phải phát triển mạng xã hội Việt, để bảo vệ dữ liệu của người dùng Việt Nam. Đây là một điều hoàn toàn có thể thực hiện được, khi hiện tại doanh nghiệp trong nước đã bắt kịp với sự phát triển công nghệ thế giới ở lĩnh vực này, và thậm chí còn đi đầu trong những lĩnh vực công nghệ mới như Blockchain, đặc biệt là phong trào Web3 (SociaFi). Chính vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành nước đi đầu trong xu hướng xây dựng mạng xã hội thế hệ mới trên thế giới. 

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp trong nước tập trung vào xây dựng, phát triển và tạo ra mạng xã hội có thể cạnh tranh trực tiếp với Facebook, Google hay TikTok, cần sớm có những quy định bình đẳng hơn nữa. Và được biết, Bộ TT&TT cũng đang thúc đẩy câu chuyện bình đẳng quản lý này, bên cạnh các động thái quản lý mạng xã hội xuyên biên giới ở trên, Nghị định 72 sửa đổi cũng sắp được ban hành vào thời gian tới. 

Lê Mỹ