Giải pháp cho phát triển thanh toán không tiền mặt

Thông tin tại toạ đàm trực tuyến "Giải pháp tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết Chính phủ đã đưa ra nhiều phương án để phát triển hình thức thanh toán này.

Theo đó, tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã đưa ra các phương án cụ thể là hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách; nâng cấp hạ tầng thanh toán của quốc gia, đảm bảo thanh toán hiện đại và sẵn sàng kết nối liên thông với các hệ thống thanh toán khác.

Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Ảnh: Duy Vũ

Thúc đẩy việc triển khai các dịch vụ thanh toán hiện đại hơn nữa, đặc biệt là các dịch vụ ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0. Đồng thời, triển khai những giải pháp để thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ và trong khu vực hành chính công. Một điểm nữa cũng quan trọng là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo an ninh tiền tệ cũng như an ninh trong hệ thống thanh toán.

Có giải pháp riêng cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa

Theo ông Phạm Anh Tuấn, nhằm thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, Ngân hàng Nhà nước đang dự kiến tập trung triển khai các giải pháp để đa dạng các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là phát triển đại lý thanh toán tại vùng sâu, vùng xa. "Hiện nay, chúng ta đã cho phép thí điểm mô hình này giữa Ngân hàng MB với Viettel, giữa Vietcombank với Momo và đã có gần 72.000 đại lý thanh toán, hỗ trợ cho người dân không chỉ trong việc giao dịch điện tử hoàn toàn qua hệ thống công nghệ hiện đại mà vẫn có các điểm tiếp xúc trực tiếp để thực hiện rút tiền hoặc cung ứng các dịch vụ khác", ông Tuấn nói.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến tiếp tục gia hạn việc thí điểm, trên cơ sở đó sẽ rà soát, xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc để chính thức triển khai. Đối với các vùng sâu, vùng xa, hệ thống Mobile Money sẽ góp phần rất nhiều trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. 

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho biết ngân hàng thực hiện chuyển đổi số cũng như ứng dụng các phương tiện thanh toán đa dạng và tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo ông Tâm, tỷ lệ người dân ở vùng nông thôn sở hữu tài khoản thanh toán, thẻ đang tăng cao. Do đó, chúng ta phải phát triển hệ sinh thái thanh toán rộng hơn. “Chúng tôi sẽ cùng thực hiện số hóa bởi đây là công việc phải làm cùng nhau chứ không thể riêng lẻ, từ việc kết nối với NAPAS hay các tổ chức trung gian thanh toán khác, các tổ chức thẻ, Mobile Money và các công ty Fintech… để làm sao phát triển được thêm ngày càng nhiều điểm thanh toán nhỏ lẻ nhất, khuyến khích người dân sử dụng thanh toán”, ông Tâm nói.

Vị này đề nghị có thể xem lại mức phí ưu đãi đối với khu vực nông thôn hoặc có thể miễn giảm thuế, ưu đãi thuế đối với các đại lý chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Mobile Money đang được triển khai tích cực. Ảnh minh hoạ

Ông Tâm chia sẻ rằng việc kết nối Mobile Money ở các ngân hàng cũng bắt đầu triển khai rất tích cực. Chẳng hạn, tại Sacombak, khách hàng có mở thẻ, mở tài khoản không những trên ứng dụng của riêng ngân hàng mà trên cả một số ứng dụng của ngân hàng bạn. Như vậy, khách hàng cảm thấy không bị gắn chặt với một đơn vị nào và được tự do lựa chọn ứng dụng tiện lợi.

Đại diện Sacombank cho rằng còn một điểm nữa cần lưu ý đó là công tác truyền thông tạo sự hấp dẫn thu hút khách hàng. “Khách hàng ở đây không những trực tiếp ở vùng nông thôn mà các ngân hàng cũng cần gia tăng tiếp cận với khách hàng thành thị, đặc biệt là công nhân ở các khu công nghiệp, bởi chính những người này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tới gia đình của họ, người thân của họ đang ở vùng nông thôn. Nếu những đối tượng này sử dụng 100% thanh toán không dùng tiền mặt thì số lượng người dùng kéo theo ở vùng thôn sẽ rất cao”, ông Tâm nói thêm.