{keywords}
Đại diện VNPT cho biết, nếu muốn dùng chung các trạm thu phát sóng mới, nhà mạng cần tiến hành làm mẫu khoảng 20 - 30 trạm để xây dựng mô hình hợp tác, sau đó mới triển khai rộng.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc VNPT cho biết, nếu muốn dùng chung các trạm thu phát sóng (BTS) mới, các nhà mạng cần tiến hành làm mẫu khoảng 20 - 30 trạm để xây dựng mô hình hợp tác, sau đó mới triển khai rộng.

Ông Huỳnh Quang Liêm cho biết, để thực hiện việc dùng chung cơ sở hạ tầng với các nhà mạng theo như thỏa thuận đã ký kết với Viettel, MobiFone và Gtel, VNPT đã chỉ đạo các đơn vị của mình lên phương án triển khai. Đến thời điểm này, các nhà mạng đã trao đổi các dữ liệu về các trạm thu phát sóng của nhau, từ đó có kế hoạch phát triển tiếp.

Thời gian qua, VNPT có đặt vấn đề phát triển các trạm thu phát sóng mới dùng chung hạ tầng với Cục Viễn thông (Bộ TT&TT). VNPT đề xuất nếu muốn triển khai tốt việc dùng chung hạ tầng này, các nhà mạng cần tiến hành làm mẫu khoảng 20 - 30 trạm để xây dựng mô hình hợp tác, sau đó mới có thể triển khai rộng được. "Nếu chúng ta chỉ dựa vào dữ liệu của nhau thì sẽ khó có thể xây dựng các trạm thu phát sóng mới dùng chung vì đặc thù mỗi trạm này lại có những vấn đề khác nhau. Vì vậy chỉ khi triển khai theo các tình huống thực tế, các nhà mạng mới có thể thống nhất phương án xử lý và triển khai đồng loạt", ông Huỳnh Quang Liêm lý giải.

Ông Huỳnh Quang Liêm cho biết, nếu cả 4 nhà mạng cùng đồng loạt triển khai dùng chung hạ tầng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, đặc biệt là đối với các trạm thu phát sóng mới. Việc đầu tư cho một trạm thu phát sóng mới có thể dùng chung hạ tầng sẽ tăng chi phí lên khoảng 20 - 30% cho mỗi trạm, nhưng có thể phục vụ cho tới 2 - 3 nhà mạng. Như vậy, nếu triển khai với con số khoảng hàng nghìn trạm thu phát sóng mới thì sẽ tiết kiệm rất lớn cho các nhà mạng.

Tuy nhiên, ngoài việc đảm bảo hiệu quả và mỹ quan môi trường, một lợi ích nữa của việc dùng chung trạm thu phát sóng mới là có thể giúp cho các nhà mạng triển khai mạng lưới rất nhanh. Đây vốn đang là khó khăn rất lớn của các nhà mạng hiện nay.

Theo đánh giá của Cục Viễn thông, trước đây, việc các doanh nghiệp viễn thông thiếu chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động không những làm giảm hiệu quả đầu tư, gây khó khăn trong công tác phát triển, xây dựng hạ tầng của chính doanh nghiệp viễn thông mà còn gây ảnh hưởng không tốt đến cảnh quan môi trường, an toàn của người dân.

Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết: Các doanh nghiệp viễn thông cần triển khai hạ tầng rộng khắp, nhưng cũng cần tối ưu hóa đầu tư. Trước đây, một số doanh nghiệp viễn thông cũng đã có những thoả thuận chia sẻ hạ tầng. Tuy nhiên, vấn đề chia sẻ sử dụng chung giữa các đơn vị vẫn chưa thực chất, dẫn đến hạ tầng không đồng bộ và ảnh hưởng đến mỹ quan, đặc biệt ở các vùng đô thị. “Chủ trương của Bộ TT&TT là cần đẩy mạnh việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp", ông Cường chia sẻ thêm.

Cục Viễn thông khẳng định, việc ký kết thỏa thuận chia sẻ sử dụng chung vị trí trạm thu phát sóng giữa các doanh nghiệp viễn thông là một trong số các kết quả đạt được từ đầu năm 2020 đến nay. Việc ký thỏa thuận cũng khẳng định sự quyết tâm của các doanh nghiệp này trong việc triển khai các chính sách, biện pháp dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động như cột ăng ten, nhà trạm BTS. Từ đó, góp phần tiết kiệm ngân sách cho nhà nước cũng như các doanh nghiệp viễn thông.

Việc ký kết thỏa thuận này sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp triển khai hạ tầng, giảm chi phí đầu tư phát triển hạ tầng. Đồng thời việc này sẽ là mô hình tốt để các doanh nghiệp viễn thông, các địa phương tham khảo và cùng triển khai trong thời gian tới.

Thái Khang

VNPT muốn sử dụng hạ tầng thiết bị 5G với các nhà mạng

VNPT muốn sử dụng hạ tầng thiết bị 5G với các nhà mạng

Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho biết, không chỉ dùng chung trạm thu phát sóng, VNPT muốn sử dụng hạ tầng thiết bị 5G với cả các nhà mạng để tối ưu hiệu quả đầu tư, phục vụ khách hàng tốt hơn.