Khoảng cách giữa viễn thông di động và truyền hình ngày càng thu hẹp là xu hướng Việt Nam cần sớm đón bắt, cũng như tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác hiệu quả.

Quan điểm này nhận được sự thống nhất cao từ cả hai nước Việt Nam và Hàn Quốc trong phiên làm việc song phương giữa Bộ TT&TT cùng Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc chiều nay, 8/1.

{keywords}

Bộ trưởng tiếp xã giao TGĐ Samsung Electronics

Tối nay, kênh truyền hình VTV7 chuyên về giáo dục sẽ chính thức khai trương. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa VTV với đài truyền hình EBS của Hàn Quốc, cũng như của Bộ TT&TT với Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc trong hơn 2 năm qua.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, VTV7 là một kênh chương trình chuyên biệt, giúp cho giới trẻ VN tiếp cận các phương thức giáo dục tiên tiến cũng như các giảng viên giỏi. Bộ sẽ ủng hộ tối đa để VTV và EBS tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục mà có thể mở rộng sang những lĩnh vực khác như thể thao. "Hàn Quốc là quốc gia có công nghệ và tư duy truyền hình hiện đại. Rất mong Hàn Quốc có thể chia sẻ những kinh nghiệm này với Việt Nam trong thời gian tới".

Vị Tổng tư lệnh ngành cũng cho biết, nhận thấy rõ xu hướng viễn thông - truyền hình hội tụ mạnh mẽ, Bộ đã khuyến nghị các doanh nghiệp viễn thông trong nước hợp tác cùng các kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc để tăng cường năng lực nội dung, công nghệ.

"Nhờ sự phát triển của công nghệ, chúng ta đã nghe được điện thoại mọi lúc mọi nơi, vào web mọi lúc mọi nơi. Giờ sẽ là thời điểm để chúng ta xem Truyền hình mọi lúc mọi nơi", Bộ trưởng nhận định về triển vọng của truyền hình di động.

"Thị trường truyền hình trả tiền của Việt Nam đang phát triển rất sôi động, với nhiều doanh nghiệp lớn tham gia. Viettel, VNPT, FPT, Hanel đều đang cung cấp dịch vụ truyền hình trên hệ thống viễn thông. Hy vọng rằng các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Hàn Quốc trong thời gian tới", ông đề nghị.

Chia sẻ kỳ vọng dành cho kênh VTV7, ông Sung-joon Choi, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc mong muốn những nội dung thiết thực, hữu ích của kênh này sẽ tạo ra sự đột phá mới cho giáo dục VN. Tuy vậy, ông Choi cũng nhất trí rằng, sau khi phát sóng thì việc phát triển, sản xuất các nội dung như thế nào sẽ rất quan trọng.

"Chúng tôi hy vọng VTV7 sẽ là sự khởi đầu cho hợp tác truyền hình giữa VTV và EBS, cũng như giữa Việt Nam và Hàn Quốc", phía Hàn Quốc nhấn mạnh.

Phân tích về xu hướng viễn thông, truyền hình hội tụ, ông Choi nhận định các doanh nghiệp viễn thông đã và đang sẵn sàng cạnh tranh trong lĩnh vực truyền hình, và ngược lại, các doanh nghiệp truyền hình cũng đang muốn nhảy vào khai thác thị trường viễn thông. "Sự hòa hợp giữa truyền hình và viễn thông cũng là một nội dung mới mà Hàn Quốc hy vọng sẽ được đưa vào MOU tới đây", ông Choi đề xuất.

{keywords}

Toàn cảnh cuộc họp với Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc.

Kể từ thời điểm ký kết (2009) đến nay, biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa hai cơ quan đã phát huy tác dụng và đem lại nhiều kết quả tích cực cho sự phát triển của ngành CNTT - TT Việt Nam. Rất nhiều cán bộ, học viên VN đã được học bổng sang đào tạo tại Hàn Quốc và phía bạn đã hỗ trợ tích cực cho công tác đào tạo nhân lực, giáo dục của VN.

Theo dự kiến, hai bên sẽ tiến hành ký kết MOU mới trong 6 tháng đầu năm 2016, tập trung vào những khía cạnh hợp tác như truyền hình, viễn thông, giáo dục, nhân lực...

Với trình độ phát triển của Hàn Quốc trong lĩnh vực CNTT - TT, VN cũng mong muốn Hàn Quốc sẽ chia sẻ nhiều hơn những kinh nghiệm liên quan đến việc cung cấp dịch vụ trên nền Internet, OTT, các hoạt động bảo vệ bản quyền truyền hình trên Internet và giải pháp xử lý các hiện tượng sai trái trên môi trường mạng, chính sách bảo vệ người tiêu dùng....

Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã tiếp xã giao Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Electronics đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

T.C

XEM THÊM CÁC TIN CÔNG NGHỆ MỚI NHẤT