Với việc "thủ phạm" gây ra thảm họa cá chết tại 4 tỉnh miền Trung đã được xác nhận chính thức là Formosa, vấn đề lớn hơn đặt ra là làm thế nào để ngăn ngừa, phòng tránh và xử lý các hiểm họa môi trường tương tự.

Tại các nước phát triển, công nghệ cao đã được áp dụng triệt để vào nhiệm vụ trọng yếu này. Nhưng còn ở Việt Nam, có hay không khả năng hỗ trợ của giới công nghệ trong nước trong việc ngăn ngừa, phòng tránh hiểm họa môi trường, và nếu có thì mức độ hỗ trợ đến đâu?

Từ góc độ tiếp cận này, ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Công ty DTT Technology đã có nhiều chia sẻ thẳng thắn với VietNamNet, về những gì mà công nghệ có thể làm và không thể làm, cũng như sự cần thiết của một Quy hoạch tổng thể từ phía Chính phủ trong vấn đề đảm bảo môi trường sinh thái.

{keywords}
Ông Nguyễn Thế Trung: "Nên xây dựng một bản đồ siêu dữ liệu về cá".

- Trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ tân tiến vào quan trắc, giám sát các hệ thống xử lý nước thải nói riêng và quan trắc môi trường nói chung đã được làm khá mạnh. Vậy còn tại Việt Nam thì sao, thưa ông? Chúng ta đã và sắp có những dự án như vậy hay chưa?

- Trên thực tế, năng lực công nghệ tại thời điểm này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu ngăn ngừa, cảnh báo các thảm họa môi trường, bởi công nghệ đã chuyển từ bước xử lý thông tin (Information Technology) trên máy tính đơn thuần sang công nghệ để hoạt động (Operation Technology), và sự giao thoa giữa IT với OT chính là xu hướng IoT - Internet của vạn vật mà chúng ta đang nói đến rất nhiều. Hơn bao giờ hết, con người đã có thể số hóa các cảm biến với chi phí đủ rẻ để ứng dụng chúng vào mọi mặt đời sống.

Thời gian qua, chúng tôi (DTT Technology) đã tiến hành số hóa hệ thống giám sát xử lý nước thải cho một nhà máy công nghệ hàng đầu tại TP.HCM, theo dõi, giám sát toàn bộ quá trình xử lý nước thải của nhà máy này bằng phần mềm và báo cáo kết quả liên tục cho họ.

Thông thường, bất kể nhà máy nào, kể cả Formosa, đều phải có những chỉ tiêu về xử lý nước thải cam kết với Chính phủ VN. Họ sẽ trình những cam kết này với phía VN, đồng thời cũng có hệ thống tự giảm sát để đảm bảo kết quả đầu ra đúng như cam kết. Bộ TN&MT và Bộ Công thương thường là các cơ quan giám sát và phải có trách nhiệm đảm bảo là kết quả đầu ra của doanh nghiệp đúng như vậy. Các mẫu kết quả được lấy để phân tích và nếu phát hiện sai so với cam kết, doanh nghiệp sẽ bị phạt. Càng những doanh nghiệp quốc tế, quy mô lớn thì càng sợ bị phạt vì ảnh hưởng đến uy tín của họ.

Đối với đối tác của chúng tôi, họ yêu cầu phát triển một phần mềm để liên tục theo dõi dòng nước thải ra, xem nó có tuân thủ các tiêu chí cam kết hay không. Trước đây, những việc lấy mẫu, giám sát này phải làm bằng tay, nhưng nay, với các cảm biến số, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết được những gì bất thường để cảnh báo cho người quản lý. Dù vậy, với dự án này, chúng tôi phải phụ thuộc vào thiết bị phần cứng do đối tác cung cấp, và những thiết bị này thường có giá thành rất đắt.

Một dự án khác chúng tôi cũng đang xúc tiến là quản lý hệ thống nước sạch cho 8 tỉnh miền Bắc. Đây là một dự án do World Bank tài trợ khoảng 200 triệu USD cho Trung tâm Nước sạch Việt Nam để xây dựng các trung tâm nước sạch trên toàn khu vực miền Bắc. Vấn đề đặt ra là khi xây dựng như vậy thì các trung tâm có đạt chuẩn hay không, và trong quá trình sử dụng có vấn đề gì hay không. Hệ thống DTT phát triển sử dụng ĐTDĐ, cho phép những người hữu trách đến nơi và giám sát các trạm nước sạch ấy, báo cáo về Trung tâm Nước sạch Việt Nam (đặt tại Bộ NN&PTNT) những vấn đề như tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, người dân có phản ánh gì hay không...Trong thời gian tới, dự án dự định mở rộng tiếp ra 32 tỉnh khác. Dù dự án này chưa tận dụng hết IoT nhưng ít nhất thì việc ứng dụng công nghệ cũng giúp cho khâu quản lý các công trình nước sạch được minh bạch, rõ ràng hơn rất nhiều.

- Vậy thì giới công nghệ có thể làm được gì trong câu chuyện này hay không, thưa ông? Việc thiết lập các hệ thống quan trắc độc lập sẽ giúp ích như thế nào trong việc ngăn ngừa nguy cơ môi trường tái diễn?

- Thứ nhất, chúng ta có thể quan trắc liên tục vùng nước bị ảnh hưởng để công bố bản đồ mở số liệu của chúng, nhất là hiện nay mối lo ngại của người dân và du khách về biển đang tăng cao. Bản đồ dữ liệu này có tính lịch sử và khi một sự kiện nào đó xảy ra thì ta có thể truy nguyên để xác định xem nguyên nhân là gì. Hiện nay, cái khó là chúng ta chỉ có số liệu của một thời điểm nhất định và ta không thể ra được quyết định khi không có đủ thông tin, dữ kiện. Công nghệ hiện tại, nhất là các sensor số, đã giúp cho việc quan trắc này dễ dàng hơn nhiều so với trước đây.

Sẽ rất tốt nếu các Sở TT&TT, Sở TN&MT các địa phương có thể lấy thông tin quan trắc nước đều đặn, cập nhật lên bản đồ mở này. ví dụ Đà Nẵng, Hà Tĩnh thời gian qua đã nhanh chóng tiến hành quan trắc, đo mẫu nước biển và công bố kết quả thường xuyên, tuy vậy, cần phải nói là thiết bị theo dõi chỉ số hóa học của nước biển rất đắt. Chưa kể là nếu ta muốn đo được một số nồng độ chất hóa học trong nước biển thì phải đòi hỏi một lượng hóa chất trong sensor đủ lớn chất tương tác, tạo ra phản ứng đủ mạnh để cảm biến đo được. Chưa hết, môi trường nước biển cũng khiến cho các sensor bị trơ trong vài ngày hay vài tuần là hỏng, phải thay liên tục... Chi phí thay thế có thể tốn kém ngang với mua mới. Các thiết bị để đo được độ phóng xạ, kim loại nặng hay một số độc tố có giá tới vài trăm ngàn USD, thậm chí triệu USD. Vì thế, theo tôi, ý tưởng triển khai phòng thí nghiệm di động trên biển để quan trắc là rất khó làm được tại VN.

Vậy chúng ta có thể có giải pháp nào? Hiện bất kể một hệ thống xử lý nước thải nào cũng phải có một trạm tự quan trắc của doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức. Ta có thể đối chiếu số liệu từ trạm này với bản đồ mở quan trắc của các Sở, kết hợp lấy mẫu ngẫu nhiên để tạo ra một cơ sở dữ liệu chung để đối chiếu, cho phép các nơi cùng cập nhật dữ liệu lên thường xuyên, dễ dàng. Hiện nay, việc này đang gặp khó do chưa có sự liên thông giữa Sở TN&MT với Sở TT&TT, nhưng nếu như có một chỉ đạo từ Chính phủ xuống thì nút thắt có thể được giải quyết.

Thứ nữa, chúng ta có thể lập bản đồ phân tích mẫu cá, phân loại cá loại nào, sống ở đâu, khả năng kháng cự trước các chất ra sao.. Theo thời gian, chúng ta có thể ra được một bộ siêu dữ liệu (metadata) về cá ở biển Việt Nam, thông tin có thể không cần quá chi tiết, chỉ cần nêu được các triệu chứng chính là đủ. Cái hay là nhiều người có thể tham gia vào quá trình cung cấp, cập nhật metadata này.

Việc thứ ba mà chúng tôi đang ấp ủ và rất muốn làm, đồng thời kêu gọi crowdfunding (góp vốn từ cộng đồng) là tiến hành quan trắc san hô trên toàn vùng biển Việt Nam. Nên biết rằng san hô trong nhóm đóng góp nhiều nhất cho kinh tế biển tự nhiên, ngoài du lịch và cá. San hô giảm tới 97% sức mạnh của sóng đánh vào đất liền, bảo vệ đất liền và trung bình mỗi năm, 1 km san hô sẽ sinh được 10 tấn cá có giá trị kinh tế cao. Số liệu của thế giới cũng cho thấy mỗi năm, san hô mang về 50 tỷ USD doanh thu cho du lịch biển toàn cầu. Hơn nữa, san hô là loài rất nhạy cảm và lớn rất chậm. Khi quan trắc san hô, ta có thể bắt được triệu chứng của biển rất dễ dàng.

Một thuận lợi là hiện chúng ta đã có bản đồ từ năm 2012, biết được trên bờ biển VN có những rặng san hô ở đâu. Chi phí triển khai dự án cũng không quá tốn kém: ta có thể thuê các thợ lặn quay bằng camera chống nước Go Pro, chi phí chỉ khoảng 700 USD/máy. Dự án chỉ cần từ 10-20 máy. Công lặn thường xuyên của thợ lặn cũng không cao. Ta có thể thuê thợ lặn 1 tuần/lần hoặc 1 ngày/lần. Mô hình crowdfunding cũng giúp dự án được bền vững, lâu dài hơn là trông chờ vào chỉ một nhà tài trợ.

{keywords}
Hệ thống quan trắc san hô có ý nghĩa rất quan trọng

Đây là một dự án rất có ý nghĩa với giới công nghệ, vì vừa kết hợp được dữ liệu lớn với quan trắc các dữ liệu khác để phân tích. Nếu được Cơ quan quản lý cho phép tiến hành ở các điểm có rặng san hô lớn, nhất là 20 điểm xung quanh biển miền Trung thì chúng ta sẽ có một cơ sở dữ liệu tham chiếu rất có giá trị cho môi trường. Tất cả các dữ liệu thu thập được đều gắn vào một bản đồ dữ liệu mở để Nhà nước, người dân, các nhà khoa học có thể theo dõi được tiến trình liên tục. Nhìn rộng ra thì cách tiếp cận này có thể áp dụng không chỉ cho biển mà cả với các nguồn tài nguyên khác.

Nếu làm được như vậy thì ta đã có thể sử dụng công nghệ để theo dõi môi trường một cách rõ ràng, minh bạch mà không bị lấn sân sang khoa học, bởi nên nhớ rằng việc quan trắc khoa học rất phức tạp. Hơn nữa các cơ sở dữ liệu này còn đóng góp lớn cho tài liệu giáo dục học sinh và thông tin cho người dân và du khách.

- Như vậy, có thể hiểu là trong việc xử lý các vấn đề môi trường, khoa học vẫn giữ vai trò then chốt nhưng công nghệ hoàn toàn có thể can thiệp để hỗ trợ, tăng cường năng lực giám sát, phát hiện sự cố?

- Đúng thế. Xét từ góc độ khoa học sản xuất thì đối với một hệ thống giám sát quá trình sản xuất, thay vì con người phải trực tiếp kiểm tra, chúng ta có thể sử dụng công nghệ để theo dõi, thu thập dữ liệu, thậm chí là xử lý thô thông tin. Công nghệ có thể cung cấp thông tin tức thời, nhanh chóng và chính xác, từ đó có thể giúp ngăn ngừa sự cố, bất thường.

Còn đối với khoa học môi trường, công nghệ có thể xác định được quy trình xử lý có hoạt động không, nếu có thì có đúng chuẩn không. Công nghệ cũng cho phép giám sát, tập hợp dữ liệu gửi về Bộ TN&MT, Bộ Công thương hay bất cứ đơn vị nào chịu trách nhiệm để theo dõi. Xét về mặt năng lực, tôi đã có trao đổi với các chuyên gia thì biết được, Viện Hàn lâm, Viện Hóa học của Bộ Quốc phòng, ĐHQG của chúng ta hoàn toàn làm được. Vấn đề là chúng ta cần một quy hoạch và quy hoạch đó cần được tuân thủ, triển khai một cách chuẩn xác.
Xin cám ơn ông!

Trọng Cầm (thực hiện)