Chợ tiền giả rao bán công khai

Theo đó, rất nhiều tài khoản Facebook công khai rao bán tiền giả kèm những lời quảng cáo hấp dẫn, đồng thời để lại số điện thoại để tư vấn và giao dịch qua Zalo. Không ít người dân vì thiếu hiểu biết pháp luật, tham lam, cả tin và rơi vào tình cảnh khó khăn đã sẵn sàng bỏ tiền thật mua tiền giả để tiêu dùng, tiếp tay cho những đường dây buôn bán tiền giả hoạt động mạnh hơn, đặc biệt là dịp cận Tết.

Trên group Tiền giả như thật, tài khoản Facebook Bích Ngọc đăng: “Thời buổi khó khăn mà tết thì sắp đến rồi, anh chị em nhà mình cần hàng để tiêu thụ liên hệ zalo 0877247xx. Uy tín chất lượng tỉ lệ 1 đổi 10” (nghĩa là đổi 1 triệu tiền thật lấy 10 triệu tiền giả - PV) với đủ các mệnh giá cho người có nhu cầu lựa chọn. 

Một tài khoản khác có tên Văn Quang đưa ra những lời mời chào hấp dẫn hơn như: "tỉ lệ đổi 1-15, 2-30" (1 triệu tiền thật lấy 15 triệu tiền giả, 2 triệu tiền thật lấy 30 triệu tiền giả); “không cọc 1 xu”; “được kiểm tra hàng trước khi thanh toán”, "uy tín - bảo mật - an toàn”...

{keywords}
Một tài khoản đăng bán tiền giả công khai trên Facebook. (Ảnh chụp màn hình)

Trong vai một người cần mua tiền giả, phóng viên đã nhiều ngày liên hệ với các số điện thoại rao bán trên mạng xã hội Facebook và đa phần nhóm người này đều khẳng định số tiền giả rao bán giống với tiền thật 98-99%, chất liệu polymer, không phải giấy hoặc nilon, nhìn bằng mắt thường chắc chắn không thể thấy. Ngoài ra, không giao dịch, trao đổi mua bán trên Facebook hay tin nhắn sms mà chỉ thông qua Zalo. 

Kết bạn với 1 đối tượng rao bán tiền giả trên Zalo, ngay lập tức phóng viên được người có tên Thanh Tuấn chào mời mua tiền giả với tỉ lệ 1:12; 2 triệu tiền thật lấy 24 triệu tiền giả, không cần cọc và giới thiệu rõ về các loại tiền mệnh giá 50,100, 200, 500. Đặc biệt người này cũng nhận thức rõ rằng đây là mặt hàng cấm nên “không thể cho thông tin địa chỉ chính xác được”. Khi được hỏi về cách thức giao nhận, Tuấn cam kết chắc chắn: “chỉ cần cung cấp tên, địa chỉ và số điện thoại là nhân viên bên cung cấp dịch vụ tiền giả sẽ giao tận nơi, tận tay cho người nhận”. Đồng thời, khẳng định “hàng” do chính nhóm tự sản xuất và tự bán trong nước.

Nhiều thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng

Tiếp tục trong vai người mua tiền giả, phóng viên liên hệ với số điện thoại 08968568xx rao bán tiền trên Facebook, sau nhiều ngày số điện thoại nằm ngoài vùng phủ sóng thì bất ngờ liên hệ được. Nhân vật tự xưng tên là V.Q không chỉ cam kết về chất lượng tiền giả mà còn “khuyên nhủ” phóng viên sau khi mua tiền giả thì “cần cẩn thận khi sử dụng ở những trung tâm thương mại, nơi có máy quét, không dùng gửi ngân hàng và tiệm vàng”. Chỉ nên dùng khi mua hàng ở chợ, đổ xăng, những quán ăn nhỏ hay đi đánh bạc, trộn lẫn tiền giả vào tiền thật nhằm đánh lừa người khác và tránh bị phát hiện. 

Bên cạnh đó người này cũng chỉ rõ về cách thức giao dịch tiền giả, ngay sau khi cọc 50% giá trị đơn hàng bằng phương thức chuyển khoản, sẽ giao cho người mua thông qua đường bưu điện. Để qua mặt cơ quan chức năng và nhân viên bưu điện, hàng sẽ được ghi bên ngoài là “bộ cốc thuỷ tinh cao cấp, hàng dễ vỡ, vui lòng cẩn thận”

Điều đáng nói là tất cả những số điện thoại đăng bán tiền giả trên mạng đều luôn trong tình trạng “thuê bao”, ngoài vùng phủ sóng. Nhưng chỉ cần tìm kiếm số điện thoại trên Zalo và kết bạn sẽ được những chủ tài khoản này nhanh chóng tiếp cận và mời chào mua tiền giả bằng cách gửi thông tin, video quay hàng chục cọc tiền giả đủ mệnh giá, được làm gần giống với tiền thật và có nhiều loại sêri khác nhau.. Đặc biệt, chỉ sau vài ngày, đa phần các tài khoản Zalo này đều “bốc hơi” và ở trong tình trạng “đang bị khoá”. 

Trên một group khác có tên “Đổi tiền giả uy tín” với hơn 11,3 ngàn thành viên, một bài viết có khoảng gần 400 like và rất nhiều bình luận bên dưới các bài đăng để xin vào nhóm mới kèm theo hình ảnh chứng minh là khách hàng cũ gồm hình ảnh tiền giả và những thông tin như: đơn vị hỗ trợ, mã khách hàng cũ, tên khách hàng cũ… Các tài khoản Facebook cũng “hồn nhiên” chia sẻ khu vực mình đang sinh sống và nhờ hỗ trợ tài chính.

Đặc biệt, một số đối tượng lợi dụng sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, liên tục đăng bài trên Facebook để tiếp cận và lừa đảo những “con mồi” nhẹ dạ bằng nhiều lời lẽ hoa mỹ, cam kết về chất lượng của tiền giả và dụ dỗ những người có nhu cầu chuyển một phần cọc. Theo chia sẻ của một vài tài khoản Facebook đã từng “lỡ” dùng tiền thật đổi tiền giả, ngay sau khi “nhận cọc”, thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo, người mua sẽ không thể liên hệ với số điện thoại, tài khoản Zalo, Facebook của những kẻ bán tiền giả.

Ka Mi

Ngân hàng tiếp tục cảnh báo lừa đảo dịp cận Tết

Ngân hàng tiếp tục cảnh báo lừa đảo dịp cận Tết

Càng gần Tết Nguyên đán, kẻ xấu càng giở nhiều thủ đoạn khiến ngân hàng phải lên tiếng cảnh báo khách hàng.