Trong bài phát biểu ngày 17/12, C.C.Wei - Giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu thế giới TSMC - bày tỏ sự dè dặt trước việc các quốc gia đổ xô đưa sản xuất chip về lại nước mình

C.C.Wei - Giám đốc điều hành TSMC - tại hội thảo ngày 17/12. (Ảnh: Nikkei)

Theo ông Wei, Covid-19 và cuộc chiến Ukraine cũng sẽ tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng chip nhưng nhấn mạnh rằng, "đối đầu địa chính trị" là thách thức mới lớn nhất mà ngành phải đối mặt. "Đối đầu địa chính trị đã làm méo mó toàn bộ thị trường. Trước đây, bạn tạo ra một sản phẩm và có thể bán nó cho toàn thế giới. Bây giờ, một số sản phẩm không được phép bán, một số quốc gia nói rằng bạn không được phép gia nhập, trong khi một số nước nói rằng bạn chỉ có thể sử dụng một số sản phẩm (địa phương) nhất định", CEO TSMC đề cập đến căng thẳng giữa hai siêu cường của thế giới. "Tình hình đã phá hủy toàn bộ năng suất và hiệu quả do toàn cầu hóa mang lại. Thậm chí nếu nói phá hủy là quá nặng lời, nhưng những rào cản sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của một nền kinh tế tự do như trước đây. Điều này thực sự tồi tệ".

Những năm gần đây, TSMC bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng công nghệ Mỹ - Trung. Chẳng hạn, họ không còn có thể phục vụ một số khách hàng Trung Quốc, nếu không có giấy phép của Mỹ, do hạn chế của Washington đối với việc sử dụng công nghệ Mỹ.

Ông Wei phát biểu tại một diễn đàn địa phương do Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Monte Jade, một hiệp hội ngành công nghệ hàng đầu, tổ chức. Nó có sự tham gia của các giám đốc điều hành công nghệ, giáo sư học thuật và quan chức chính phủ. Ông nói, khía cạnh đáng sợ nhất của tình hình hiện nay là “sự tin tưởng và hợp tác lẫn nhau” đang biến mất.

"Điều mà tôi cảm thấy rất tồi tệ là sự suy yếu về lòng tin lẫn nhau và sự hợp tác quốc tế. Bây giờ, nếu yêu cầu Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau, điều đó không dễ dàng. Sự tin tưởng và hợp tác lẫn nhau là chìa khóa cho con người trong quá khứ đạt được những tiến bộ, và bây giờ điều này đang suy yếu. Đó không phải là một dấu hiệu tốt", ông Wei tranh luận.

Bình luận của ông Wei được đưa ra ngay sau khi trở về từ Mỹ, nơi TSMC đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 40 tỷ USD ở Arizona trong bối cảnh Washington nỗ lực sản xuất chất bán dẫn quan trọng trong nước. Người sáng lập TSMC, Morris Chang, người cũng có mặt trong chuyến đi, từng nhận định toàn cầu hóa và thương mại tự do "gần như đã chết". Tại hội thảo ngày 17/12, ông Wei cũng bày tỏ sự dè dặt của mình trước nỗ lực "kiểm soát" sản xuất chip của các quốc gia. "Mọi người đều muốn xây dựng các nhà máy bán dẫn của riêng mình, nhưng điều đó có thực tế không”, ông đặt câu hỏi. "Nếu dễ dàng như vậy thì đã có các nhà máy sản xuất chip ở khắp mọi nơi trên thế giới rồi".

Quan chức TSMC chia sẻ, một ngành công nghiệp chip đòi hỏi một hệ sinh thái hoàn chỉnh được phát triển bởi những nỗ lực tích lũy của nhiều nhà cung cấp và những người chơi khác trong nhiều thập kỷ. "Lấy chính TSMC làm ví dụ. Ngay cả trong chính công ty của chúng tôi, việc chuyển giao công nghệ mà chúng tôi đã phát triển từ thành phố Hsinchu của Đài Loan (Trung Quốc) đến Đài Nam đã đòi hỏi rất nhiều công việc khó khăn, vất vả, chưa kể đến việc chuyển từ Hsinchu sang Mỹ”.

Đồng thời, ông Wei lần đầu tiên nói rõ ràng rằng, chính trị không ảnh hưởng đến quyết định mở rộng sang Nhật Bản và Mỹ của công ty ông. "Hãy để tôi chia sẻ điều gì đó. Chúng tôi ở Nhật Bản chỉ vì khách hàng Nhật Bản này (Sony) cũng là nhà cung cấp quan trọng cho khách hàng lớn nhất của chúng tôi. Và nếu sản phẩm của khách hàng lớn nhất của tôi không bán chạy, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh khác của tôi”.

Sony, công ty cung cấp cảm biến hình ảnh cho Apple và TSMC đang cùng nhau xây dựng một nhà máy ở tỉnh Kumamoto của Nhật Bản. "Chúng tôi không bao giờ thành lập nhà máy ở nước ngoài vì các ưu đãi của chính phủ, hoặc vì chính phủ Mỹ hoặc Nhật Bản yêu cầu chúng tôi làm vậy. Chúng tôi sẽ chỉ đến những quốc gia đó vì nhu cầu của khách hàng", ông Wei nói. "Nhu cầu của khách hàng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.

(Theo Nikkei)