Trong thông tin cảnh báo mới phát ra chiều ngày 29/7, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, “honapply.vn” và “miniboon.vn” là 2 tên miền chính đã được các đối tượng xấu sử dụng để lập website giả mạo trang thông tin của Bộ Y tế để xin trợ cấp tiêm chủng vắc-xin Covid-19 và lừa tiền cứu trợ.

{keywords}
Trung tâm NCSC đề nghị, khi phát hiện hoặc có dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo trực tuyến, người dùng Internet Việt Nam cần thông báo, cảnh báo cho đơn vị qua trang canhbao.ncsc.gov.vn

“Ngay khi phát hiện các trang web honapply.vn, miniboon.vn có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chúng tôi đã phối hợp xử lý để gỡ bỏ”, đại diện Trung tâm NCSC cho biết.

Các chuyên gia Trung tâm NCSC cho hay, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân, nhiều đối tượng xấu đã thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi qua không gian mạng. Các cuộc tấn công lừa đảo này đều sử dụng kỹ thuật cũ nhưng lợi dụng nội dung, thông tin theo cách mới khiến cho người dân mất cảnh giác và dễ mắc bẫy. 

Khi phát hiện hoặc có dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo trực tuyến, người dùng Internet Việt Nam có thể chủ động thông báo, cảnh báo cho Trung tâm NCSC tại địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn

"Người dùng Internet Việt Nam cũng cần nâng cao cảnh giác hơn nữa, đề phòng cao độ để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo đang ngày càng gia tăng”, chuyên gia NCSC lưu ý.

Theo thống kê từ hệ thống kỹ thuật của Công ty cổ phần An toàn thông tin CyRadar, tính từ tháng 4 đến trung tuần tháng 7, đã có hơn 4 triệu tên miền, đường link độc hại xuất hiện, tăng gấp 1,4 lần so với 3 tháng đầu năm nay.

Số liệu của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cũng cho thấy, trong tháng 7 đã ghi nhận 1.019 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 41,92% so với tháng 6, trong đó có rất nhiều cuộc tấn công lừa đảo, giả mạo.

Mới đây, vào ngày 20/7, Trung tâm NCSC đã cảnh báo về một số thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng nhằm trục lợi từ dịch Covid-19 như giả mạo thông tin của tổ chức y tế, giả mạo trang web liên quan đến Covid-19, lừa đảo liên quan đến nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ…

Đơn cử như, đối tượng xấu giả mạo là nhân viên của tổ chức y tế trong nước hoặc quốc tế, điển hình như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương của Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, hay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để gửi thư điện tử cho người dùng với tập tin đính kèm, hoặc liên kết dẫn đến các nội dung giả mạo thông tin cập nhật  tình hình dịch Covid-19. Khi mở các tập tin đính kèm hay click vào liên kết, máy tính của người dùng sẽ bị tấn công bởi mã độc hoặc có thể bị lộ lọt, đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ trực tuyến.

Một loại hình lừa đảo nữa là đối tượng xấu lập website giả mạo trang web liên quan đến Covid-19. Theo quan sát của các chuyên gia NCSC, gần đây đã có rất nhiều tên miền Internet có chữ “Covid” được đăng ký.

Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo còn sử dụng mánh khóe liên quan đến việc điều trị bệnh. Tâm lý hoảng loạn lo sợ lây nhiễm Covid-19 khiến nhiều người tìm cách để tự phòng ngừa và chữa trị. Lợi dụng điều này, đối tượng lừa đảo dùng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá nhiều sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa Covid-19 để lừa nạn nhân.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn tuyên truyền những phương thuốc chưa từng được kiểm chứng. Không những thế, đã có trường hợp đối tượng xấu giả làm bác sĩ, nhân viên bệnh viện và mạo nhận đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi Covid-19, yêu cầu nạn nhân thanh toán phí cho quá trình điều trị đó.

Vân Anh

Giả mạo website đăng ký tiêm chủng của Bộ Y tế để lừa đảo

Giả mạo website đăng ký tiêm chủng của Bộ Y tế để lừa đảo

Kẻ xấu lập website giả mạo Bộ Y tế, lừa người dùng đăng ký tiêm chủng để lấy thông tin thẻ ngân hàng.