{keywords}
Thị trường giao đồ ăn trực tuyến ngày càng sôi động (Ảnh: straitstimes)

Thị trường giao đồ ăn trực tuyến phát triển sôi động và nhiều tiềm năng tăng trưởng. Theo một nghiên cứu của Research and Markets (Mỹ), mảng giao nhận đồ ăn trực tuyến trên toàn cầu có thể đạt 154 tỷ USD vào năm 2023.

Châu Á chiếm hơn nửa thị phần giao nhận đồ ăn trực tuyến toàn cầu với thị trường lớn nhất là Trung Quốc. Đông Nam Á được xem là một trong những thị trường then chốt và nhiều dư địa phát triển.

Là quốc gia giàu tiềm năng trong phát triển TMĐT trong khu vực, thị trường giao nhận đồ ăn trực tuyến ở Việt Nam cũng đang phát triển sôi động khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham chiến. GrabFood, Now và Gojek Việt Nam đang là 3 ứng dụng giao đồ ăn quen thuộc nhất, nhưng Baemin cũng đang nổi lên và là đối thủ đáng gờm.

Thực đơn đa dạng, tốc độ giao hàng nhanh và chi phí hợp lý đang là bài toán mà các ứng dụng phải giải quyết trong cuộc chạy đua giành thị phần. 

Ông Phạm Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc Phát triển Kinh doanh GoFood của Gojek Việt Nam cho biết: “Tốc độ giao hàng là một trong những tiêu chí quan trọng mà người tiêu dùng quan tâm khi xem xét lựa chọn sử dụng một dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến”.

Các công ty giao nhận đồ ăn đang đầu tư nhiều công nghệ để tối ưu hoạt động xử lý đơn hàng (của các đối tác nhà hàng) và tốc độ giao hàng với mục tiêu giảm thời gian chờ đợi món ăn của khách hàng. 

{keywords}
Grab hé lộ nhiều thông tin hậu trường khi vận hành dịch vụ GrabFood ở khu vực ĐNÁ trong đó có Việt Nam (Ảnh: Duy Vũ)

Trong một hội thảo trực tuyến vừa tổ chức, Xiaole Kuang, Giám đốc bộ phận Kỹ sư giao hàng của Grab đã mang đến nhiều thông tin thú vị về công nghệ khi Grab vận hành mảng dịch vụ GrabFood.

“Chúng tôi không ngừng xây dựng và nâng cao công nghệ nhằm mang đến trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho người dùng từ quá trình tìm kiếm, đặt món, đến khi đơn hàng GrabFood được giao đến tận tay”, Xiaole Kuang nói.

{keywords}
Cá nhân hóa trải nghiệm của người dùng nhờ AI và Máy học (Ảnh: Duy Vũ)

Theo đó, mọi nền tảng công nghệ cho dịch vụ giao đồ ăn của Grab đều nhắm đến 3 mục tiêu: địa phương hóa trải nghiệm; duy trì nhu cầu cho đối tác nhà hàng và đảm bảo trải nghiệm cho khách hàng.

Để cải thiện thời gian giao hàng đối với dịch vụ GrabFood, thời gian chờ đợi nhận đơn tại nhà hàng và từ nhà hàng giao đến đối tác sẽ được tính toán để giảm thiểu. Theo Xiaole Kuang, việc ước tính thời gian chuẩn bị đồ ăn rất quan trọng khi tính toán thời gian giao hàng dự kiến.

Các đối tác tài xế phải đợi nhà hàng chuẩn bị đơn hàng trung bình từ 6 đến 11 phút. Vì vậy, Grab đang thử nghiệm các tính năng khác nhau để khuyến khích các đối tác nhà hàng chuẩn bị đơn hàng ngay sau khi nhận đơn, từ đó giảm thiểu thời gian chờ đợi của đối tác tài xế tại nhà hàng.

Sau khi tính toán, ứng dụng sẽ tối ưu hóa phương tiện với tính năng ghép các đơn hàng. Hệ thống sẽ ghép 2 hoặc nhiều hơn các đơn hàng có địa điểm nhận hàng hoặc giao hàng gần nhau để đối tác tài xế hoàn thành chỉ trong một chuyến đi. Tính năng ghép đơn hàng được phát triển nhằm tối ưu hoá đội ngũ đối tác tài xế, đặc biệt trong thời gian cao điểm như giờ ăn tối, trời mưa.

Ngoài ra, ứng dụng này cũng giảm bán kính tìm kiếm nhất là trong giờ cao điểm khi số lượng đơn hàng cao. Hệ thống sẽ tự động giảm bán kính giao hàng để điều hướng tài xế tập trung tại một khu vực nhỏ hơn, giúp rút ngắn được chuyến đi và thời gian chờ đợi của khách hàng.

{keywords}
Gojek cũng phát triển nền tảng riêng cho đối tác nhà hàng và xem đây là mảng vận hành quan trọng (Ảnh: Gojek)

Về phía Gojek Việt Nam, khi ra mắt Gobiz - nền tảng dành riêng cho đối tác nhà hàng, ông Phạm Lê Tuấn Kiệt cho biết, dù là phần không nhìn thấy nhưng nền tảng dành cho các đối tác lại giữ vai trò vô cùng quan trọng trong toàn bộ hệ sinh thái của một siêu ứng dụng.

GoFood hiện là 1 trong 3 mảng dịch vụ chính của Gojek đang triển khai ở Việt Nam và đang trở thành động lực lớn của Gojek, khi các hoạt động vận tải bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Đầu tư vào nền tảng dành cho đối tác được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Gojek Việt Nam, ngay sau khi tuyên bố hợp nhất thương hiệu vào hồi tháng 8 năm ngoái. Theo dữ liệu của Gojek, ứng dụng này hiện đang có hơn 80.000 nhà hàng hoạt động với hàng triệu đồ ăn, thức uống được cung cấp ở thị trường Việt Nam và có khoảng 80% nhà hàng, quán ăn đang sử dụng GoBiz.

Nền tảng có nhiều tính năng giúp tối ưu hóa quy trình giao đồ ăn trực tuyến kể từ khi nhận đơn đến khi giao đến tay khách hàng, hạn chế các thao tác thủ công và các sai sót về đơn hàng.

Chẳng hạn, qua GoBiz, người phụ trách nhà hàng, quán ăn có thể chủ động cập nhật thực đơn, tình trạng món ăn dựa trên thực tế nhà hàng tại từng thời điểm, dễ dàng chấp nhận hoặc thông báo hết hàng ngay khi nhận được đơn đặt hàng của khách hàng, đồng thời sắp xếp chuẩn bị đồ ăn để sẵn sàng ngay khi tài xế đến nhận hàng.

GoBiz sử dụng mã PIN để xác nhận đơn hàng giữa tài xế và nhà hàng, hiển thị rõ thông tin tài xế trên mỗi đơn hàng, giúp việc chuẩn bị đơn được chính xác tránh tình trạng nhầm đơn, và giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi của các bác tài khi đến nhà hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng và rút ngắn thời gian chờ đợi của khách hàng.

"Các công cụ này có thể giúp rút ngắn gần một nửa thời gian từ nhà hàng tới khách hàng, đồng thời lượng đơn hàng hoàn thành có thể tăng tới 300%”, đại diện Gojek nói.

Duy Vũ

Tăng thuế xe công nghệ: Ứng dụng gọi xe không có cửa "lách"

Tăng thuế xe công nghệ: Ứng dụng gọi xe không có cửa "lách"

Các ứng dụng gọi xe công nghệ hiện nay đều quy về loại hình doanh nghiệp kinh doanh vận tải và doanh nghiệp sẽ phải khai, thu 10% VAT tổng doanh thu. Lý do được đưa ra là các doanh nghiệp này trực tiếp tham gia điều hành.