Như VietNamNet đã đưa tin, vào tối nay (8/11), người dân Việt Nam sẽ có cơ hội chứng kiến nguyệt thực toàn phần. Đây là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng. Đó là lúc Mặt Trăng sẽ bị bao phủ bởi bóng tối do ánh sáng từ Mặt Trời đã bị cản lại bởi Trái Đất. 

Đây là kỳ nguyệt thực thứ 2 trong năm nay và là kỳ nguyệt thực duy nhất có thể quan sát từ Việt Nam. Theo đó, trong chiều và tối nay, hiện tượng nguyệt thực sẽ có thể quan sát tại mọi tỉnh, thành phố dọc theo chiều dài đất nước. 

Toàn bộ Mặt Trăng sẽ bị bóng của Trái Đất che phủ khi diễn ra nguyệt thực toàn phần. 

Dưới đây là các mốc thời gian chi tiết về diễn biến của nguyệt thực tối 8/11:

Trước 17h16: Nguyệt thực nửa tối và nguyệt thực một phần. Giai đoạn này của nguyệt thực không thể quan sát được tại Việt Nam do Mặt Trăng nằm ở vị trí bên dưới đường chân trời. 

17h16: Nguyệt thực toàn phần bắt đầu. 

Lúc này, Mặt Trăng đã bắt đầu mọc ở phía đường chân trời. Ở thời điểm này, người xem chỉ có thể quan sát ở những vị trí cao, khu vực trời quang, không có vật cản. Tại các thành phố, Mặt Trăng dễ bị che khuất bởi các tòa nhà cao tầng. 

18h00: Nguyệt thực toàn phần đạt cực đại 

Đây là thời điểm thích hợp nhất để có thể bắt đầu quan sát và chụp ảnh nguyệt thực toàn phần.

Nguyệt thực toàn phần có thể quan sát tốt tại Việt Nam nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. 

18h41: Nguyệt thực toàn phần kết thúc. Mặt Trăng bắt đầu chuyển sang pha nguyệt thực một phần. Người quan sát có thể chứng kiến hiện tượng này ở bầu trời phía Đông. 

19h49: Kết thúc nguyệt thực một phần

20h55: Kết thúc nguyệt thực nửa tối. 

Lưu ý: Các mốc thời gian trên đây trùng khớp với thời điểm diễn ra nguyệt thực toàn phần tại Hà Nội. Ở một số địa phương khác trên cả nước, hiện tượng này có thể chênh lệch một vài phút. 

Để biết chi tiết về cách quan sát nguyệt thực tối 8/11, bạn đọc có thể xem thêm tại đây.

Trọng Đạt

Nguyệt thực xa mờ, giới trẻ Sài Gòn chuyển sang xem Sao MộcNhiều người háo hức đón xem nguyệt thực tối 8/11. Nhưng ở Hà Nội lúc mới bắt đầu, trời nhiều mây che phủ nên không thấy rõ. Trong khi đó, các bạn trẻ ở Sài Gòn cùng nhau chia sẻ ống nhòm, kính thiên văn để quan sát hiện tượng thiên nhiên thú vị.