Đó là lời của Abdulla, Chỉ huy trưởng trung đội trinh sát đặc nhiệm Terra, thuộc lực lượng quân đội Ukraine. Xuất thân từ một tay đua mô tô, Abdulla từng tình nguyện tham gia chiến đấu tại chiến trường Donbass giai đoạn 2014-2015.

Máy bay không người lái đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, từng được sử dụng rộng rãi tại Afghanistan và Iraq, hay trong chiến tranh Azerbaijan và Armenia năm 2020, nhưng chiến trường Ukraine mới là nơi thiết bị này trở thành một điểm nhấn.

Cả Nga và Ukraine đều có lực lượng máy bay không người lái quân sự chính quy. Trong khi Moscow sử dụng thiết bị cỡ nhỏ (drone) Orlan-10 đông đảo thì Kiev tận dụng các loại máy bay trinh sát không người lái Leleka và Furia, kết hợp Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này còn sử dụng loại máy bay “cảm tử” khác như Switchblade do Mỹ sản xuất hay Warmate của Ba Lan cung cấp.

Drone trên chiến trường Nga - Ukraine được sử dụng với nhiều hình thức và mục đích khác nhau, từ các loại cỡ nhỏ phục vụ trinh sát, giám sát cho tới những thiết bị hỗ trợ dẫn đường cho pháo binh hay các loại “cảm tử” khi thấy mục tiêu. Sự hiệu quả của drone đã hâm nóng cuộc đua những học thuyết quân sự mới cho tương lai.

Công cụ chiến thuật trong chiến tranh hiện đại

Trong những ngày đầu cuộc chiến ở Ukraine, máy bay không người lái đã giúp Ukraine có một số chiến thắng bất ngờ trước các lực lượng của Nga. Nhưng về sau, Nga đã cải tiến hệ thống phòng thủ, đưa vào sử dụng các vũ khí áp chế điện tử tối tân và giành lại lợi thế trên chiến trường.

“Nga đã tổ chức tác chiến điện tử và phòng không trên thực địa tốt hơn nhiều so với những tháng trước đó của cuộc chiến”, Samuel Bendett, chuyên gia phân tích hệ thống quân sự không người lái và robot tại Trung tâm phân tích Hải quân cho biết.

Ông cũng nói rằng Moscow đang sử dụng các radar cảnh báo sớm cùng hệ thống tác chiến điện tử để gây nhiễu và gián đoạn liên lạc của các lực lượng Ukraine.

Tại Donbass, năng lực tác chiến điện tử vượt trội của Nga vô hiệu hoá hệ thống GPS trên phần lớn số máy bay không người lái. Do đó, phía Ukraine đã sử dụng các loại drone 4 cánh lên thẳng điều khiển bằng tay của DJI, một công ty Trung Quốc, có giá từ 3.000 USD – 10.000 USD/chiếc.

Cuộc chiến Nga - Ukraine hâm nóng cuộc đua công nghệ drone.
Ảnh: VietNamNet

Với kích cỡ nhỏ chỉ tương đương một quyển sách (model DJI Mavic 3), tương đối yên tĩnh và tầm hoạt động hơn 6 km, các drone được các đội trinh sát đặc nhiệm Ukraine tung vào sâu trận địa của Nga, từ đó xác định vị trí địa hình, các mục tiêu quan trọng, đánh dấu toạ độ để pháo kích.

Mặc dù tỷ lệ tiêu diệt hoàn toàn các công sự của Nga là không cao, nhưng việc nã pháo vào trận địa có thể khiến quân Nga lộ vị trí khi liên tục phải di chuyển. Bên cạnh đó, đây cũng là một chiến thuật “mèo vờn chuột” làm giảm ý chí của binh lính ngay cả khi không gây ra thương vong.

“Họ có thể bị stress liên tục và vào thời điểm chúng tôi phản công hoặc họ nhận được lệnh tấn công, các binh lính sẽ ở trạng thái mất tinh thần và mệt mỏi”, Abdulla cho biết. Người Nga liên tục pháo kích vào những vị trí của Ukraine cũng vì lý do tương tự.

Xu hướng sử dụng drone trong tác chiến điện tử

Với hiệu quả và tiềm năng to lớn trên chiến trường, các cường quốc quân sự đã chạy đua phát triển những mẫu máy bay không người lái trinh sát vũ trang và tác chiến điện tử tối tân.

FH-95, một mẫu máy bay không người lái quân sự của Trung Quốc đã vượt qua bài kiểm tra hiệu suất quan trọng, có khả năng thay đổi cục diện các cuộc chiến trong tương lai.

Các thông số kỹ thuật chi tiết của FH-95 không được thông tin rộng rãi, nhưng được biết mẫu drone này có trọng lượng cất cánh 1 tấn, mang theo tải trọng 250 kg và khả năng hoạt động liên tục trong 24 giờ.

Ngoài một số nhiệm vụ thông thường như trinh sát vũ trang, tuần tra biên giới và giám sát hàng hải, FH-95 có thể hoạt động như một phần của đội hình máy bay không người lái, hỗ trợ tác chiến điện tử cho các phương tiện có người lái hoặc tự hành.

Chen Jianguo, Tổng giám đốc và nhà nghiên cứu công ty công nghệ hàng không Feihong Times (ATFTC), cho biết mẫu drone mới có khả năng tác chiến điện tử, giám sát và cảnh báo sớm đang trở nên không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại.

Chúng có thể được sử dụng để trinh sát từ xa bên ngoài những khu vực cần được bảo vệ, hoạt động như những chốt chiến thuật hoặc phối hợp các máy bay có người lái tiến hành các cuộc tấn công hỗn hợp.

Hầu hết các máy bay không người lái hiện tại được thiết kế để thực hiện vai trò do thám hoặc tấn công. Do đó, tính năng tác chiến điện tử sẽ là một cuộc đột phá về vai trò của thiết bị này trên chiến trường.

Cụ thể, máy bay không người lái tác chiến điện tử như FH-95 có thể đưa các hệ thống gây nhiễu đến gần mục tiêu hơn để phát huy tối đa hiệu quả mà tiêu tốn ít năng lượng hơn. Chúng cũng có thể được sử dụng làm mồi nhử tiết lộ vị trí các tuyến phòng thủ của đối phương trước khi tấn công thực sự, hay có thể được trang bị các vũ khí năng lượng định hướng như vi sóng công suất cao đốt cháy thiết bị điện tử của đối phương và vô hiệu hoá các tên lửa chống bức xạ của đối phương.

Các drone có khả năng gây nhiễu điện tử sẽ giúp máy bay tàng hình không người lái xâm nhập và phá huỷ các hệ thống phòng không, sau đó là những đợt không kích của phi đội máy bay có người lái truyền thống.

Những tiến bộ trong thiết bị điện tử thu cảnh báo radar, ngày càng nhỏ và trọng lượng nhẹ, có thể biến các drone trở thành nền tảng cảnh báo sớm. Trong trường hợp này, chúng có thể được sử dụng như một giải pháp thay thế cho các hệ thống định vị vệ tinh trong trường hợp liên lạc vệ tinh bị gây nhiễu, giả mạo hay bị phá huỷ.

Ngô Vinh