Video về nỗi sợ bị theo dõi, bám đuổi trở thành hiện tượng mới trên TikTok.

Thời gian gần đây, nhiều người dùng TikTok nhận thấy nền tảng gợi ý hàng loạt video về biện pháp phòng tránh rủi ro kỳ lạ.

Theo Vice, các đoạn clip được quảng cáo cung cấp mẹo an toàn khi thuê Airbnb hoặc lời khuyên giúp thoát khỏi nạn quay lén, kinh doanh clip nhạy cảm. Đa số TikToker thực hiện nội dung này tự xưng là chuyên gia an ninh, người thường kiểm tra, phát hiện các loại camera ẩn.

Chủ kênh @Telaboy314 là một trong những người dẫn đầu xu hướng này. Tài khoản có hơn 53.000 lượt theo dõi chủ yếu thực hiện thí nghiệm thăm dò lỗ thông hơi hoặc ổ cắm điện của căn hộ cho thuê. Người này còn khuyên khán giả khán giả đặt đồ vật lên tay nắm cửa nhằm hạn chế sự xâm nhập từ bên ngoài.

“Mọi thứ bắt đầu với đoạn clip tôi kiểm tra gương một chiều. Khi thức dậy, tôi ngỡ ngàng khi thấy mình được hơn 5 triệu lượt xem. Tôi từng thử sức với nội dung tương tự trên Youtube nhưng khá thất bại. Vì vậy, tôi tự nhủ sẽ nắm bắt và thử kinh doanh với chủ đề này ngay khi có cơ hội thứ hai”, anh nói.

Kiếm tiền trên nỗi sợ của người khác

Tốc độ lan truyền chóng mặt của dạng video này đã tạo ra trào lưu mới nhắm đến cảm giác bất an của con người. Hiện tại, TikTok có 2 tỷ video được gắn hashtag #safetytips (mẹo an toàn), với 51,6 triệu video dành riêng cho nữ giới.

Tuy nhiên, không có cơ sở nào chứng minh tính đúng đắn của những đoạn clip này. Nhiều chuyên gia cho rằng chúng chỉ là lời khuyên nhảm nhí và chỉ nhằm mục đích tạo danh tiếng cho tác giả.

Tại Mỹ, cụm từ “nền công nghiệp nỗi sợ” đã sớm trở nên quen thuộc trong đời sống. Dù vậy, công chúng vẫn cho phép mình bị đánh lừa vì nghiện cảm giác sung sướng hậu lo sợ.

Thực tế, họ hiểu niềm vui này chỉ tồn tại trong thoáng chốc, và nhanh chóng biến mất khi tình huống được kiểm soát. Medical News Today khẳng định sự thỏa mãn khiến họ không thể dừng lại.

lan truyen noi so anh 1

Hàng loạt video về cảnh báo an toàn xuất hiện trên TikTok. Ảnh: Cathryn Virginia.

Các mẹo an toàn khi thuê Airbnb nổi tiếng nhờ nỗi ám ảnh bị nhìn trộm, theo dõi. Tuy nhiên, không ai đề cập đến hướng giải quyết phù hợp trong trường hợp thực sự tìm được gương một chiều trong phòng.

Trong khi đó, Airbnb khẳng định các căn hộ thuộc hệ thống luôn đạt mức an toàn cao.

“Chúng tôi có hơn 1 tỷ lượt đăng ký cho thuê. Tính đến thời điểm này, chỉ 0.1% khách hàng phản ánh về nguy hiểm, rủi ro về chỗ ở”, đại diện doanh nghiệp nói.

@JanelleandKate, tài khoản thường xuyên đăng tải video chơi khăm, cũng chuyển hướng sang nội dung hướng dẫn phòng thân cho phụ nữ. Theo chủ kênh, một người đã trở thành “con mồi” khi thấy tay nắm cửa bị khóa zip hoặc tiền trên kính chắn gió ô tô.

“Nếu bạn thấy những dấu hiệu trên, hãy bỏ chạy ngay. Là nữ giới, bạn buộc phải chú ý mọi thứ quanh mình”, người này nói trong mọi clip.

Cô gái cũng thường xuyên yêu cầu khán giả kiểm tra cốp xe và băng ghế sau, phòng trường hợp ai đó đã nấp sẵn và chờ thời cơ tấn công. Đa số video của cô đạt vài triệu lượt xem và hàng trăm bình luận ủng hộ, cảm ơn. Tuy nhiên, khi được đăng lên Instagram, nội dung ngay lập tức bị nền tảng đánh dấu là thông tin sai lệch.

Cái nhìn sai lệch

Tương tự, video cảnh giác nạn bắt cóc, buôn bán tình dục đã gây tiếng vang lớn trên TikTok trong thời gian dài. Thực tế, các đối tượng không hành động bừa bãi, tùy tiện hoặc có đủ dấu hiệu như gợi ý.

Megan Cutter, Giám đốc của đường dây nóng chống buôn người tại Mỹ, cho rằng tin đồn bắt cóc ngày càng tràn lan dưới tác động của TikTok. Bà cho rằng những đoạn clip sẽ tạo ra cái nhìn sai lệch về thực tế của vấn nạn.

lan truyen noi so anh 2

Người dùng cần cẩn trọng, tránh rơi vào bẫy nỗi sợ trên Internet. Ảnh: freepik.

Theo một báo cáo năm 2020 của Polaris Project, NGO ngăn chặn nạn buôn người, nạn nhân và thủ phạm thường có quen biết từ trước. 42% con mồi là người trong gia đình và 39% bị người yêu bán đứng. Không có dữ liệu nào cho thấy xu hướng bắt cóc bởi người hoàn toàn xa lạ.

“Các bạn nên hiểu rằng nạn buôn bán tình dục không đơn thuần là bị theo đuôi, hay ai đó thình lình xuất hiện sau lưng ở bãi xe. Vấn đề này to tát hơn thế. Nó còn liên quan đến lạm dụng chất kích thích, khuynh hướng tình dục. Video cũng chưa đề cập đến cách thực sự hữu ích giúp đảm bảo an toàn, tính mạng cho khán giả nếu thực sự gặp xui xẻo”, Cutter chia sẻ.

Theo Jeff Hancock, Giám đốc phòng thí nghiệm truyền thông xã hội Đại học Stanford (Mỹ), nhận thức của con người về sự thật hoạt động khác nhau tùy theo nền tảng mạng xã hội. Điều này khiến công chúng dễ lan truyền thông tin sai lệch hơn.

Đồng thời, khán giả thường mất cảnh giác với TikTok vì nội dung được ngụy trang bằng những yếu tố thường ngày. Họ không nghĩ tác giả đang trục lợi từ nỗi sợ chung.

“Lạm dụng video về nội dung này dễ sinh ra hoang tưởng, hoặc mất niềm tin vào cuộc sống. Chúng ta khó xác định rằng chủ tài khoản có thực sự muốn cảnh báo, hay chỉ đang tìm cách kinh doanh. Vì vậy, hãy cảnh giác vì chính sự an toàn của mình”, Hancook nói thêm.

(Theo Zing)