Nhận định trên được ông Bùi Duy Thành - Điều phối viên dự án “An toàn trên mạng” - Swipe Safe đưa ra sau 8 tháng triển khai các hoạt động của dự án tại TP.Hòa Bình, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình); TP.Bắc Kạn, huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) và TP.Cao Bằng, huyện Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng).

12.000 trẻ em miền núi sẽ biết sử dụng mạng Internet an toàn

Dự án Swipe Safe đang được ChildFund Việt Nam triển khai tại 3 tỉnh Hòa Bình, Cao Bằng và Bắc Kạn, với sự hỗ trợ của Chương trình hợp tác toàn cầu nhằm chấm dứt bạo lực với trẻ em.

Là một dự án quan trọng của ChildFund Việt Nam, Swipe Safe được thực hiện từ tháng 7/2017 đến 6/2020, với mục đích nâng cao năng lực sử dụng mạng Internet an toàn, hiệu quả nhất cho trẻ em thông qua việc giáo dục cho họ về những mối nguy hại trên Internet, cách thức bảo vệ và qua việc trang bị kỹ năng cho các “đối tác” an toàn mạng - phụ huynh và giáo viên.

Để đạt mục đích trên, Swipe Safe đặt ra 4 mục tiêu chính với 4 nhóm đối tượng: giúp trẻ em cải thiện kỹ năng về an toàn mạng qua việc giáo dục trẻ cách bảo vệ bản thân, kỹ năng ứng xử với các mối quan hệ trên mạng; trang bị cho phụ huynh có kiến thức, kỹ năng trở thành “đối tác” an toàn mạng; tổ chức hội thảo cho các chủ quán Internet để quán Internet thành môi trường an toàn cho trẻ. “Dự án cũng đặt mục tiêu trang bị cho nhà trường, các thầy cô kiến thức, kỹ năng về an toàn mạng qua việc xây dựng nội quy, tổ chức các buổi tham vấn để nhà trường trở thành môi trường sử dụng Internet an toàn cho trẻ em. Chúng tôi cho rằng nếu đạt được 4 mục tiêu này, dự án Swipe Safe sẽ đạt được mục đích”, ông Thành nói.

70% trẻ em từng tiếp xúc với người lạ trên mạng | 12.000 trẻ em 3 tỉnh miền núi phía Bắc sẽ biết sử dụng mạng Internet an toàn | 53% trẻ em nữ tham gia khảo sát từng gặp bạn trực tuyến ở ngoài đời thực

Từ đầu tháng 4/2018 đến hết tháng 11/2018, dự án Swipe Safe đã tập huấn về an toàn trên mạng cho khoảng 4.000 trẻ em, hơn 200 phụ huynh, 300 giáo viên cùng 200 cán bộ tại các địa phương (Ảnh ChildFund Việt Nam cung cấp)

ChildFund Việt Nam dự tính, kết thúc dự án Swipe Safe, sẽ có hơn 12.000 trẻ em; 2.700 phụ huynh; 900 giáo viên, cán bộ công tác xã hội, cán bộ nhà nước và các chủ các quán Internet được tham gia và trực tiếp hưởng lợi từ các hoạt động của dự án.

Trên thực tế, trong 8 tháng vừa qua, dự án Swipe Safe đã tập huấn được cho khoảng 4.000 trẻ em, hơn 200 phụ huynh, 300 giáo viên cùng 200 cán bộ tại các địa phương. Ngoài ra, dự án cũng đã tổ chức được 1 buổi hội thảo cho các chủ quán Internet, với sự tham gia của 80% chủ quán Internet tại TP.Cao Bằng, huyện Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng).

53% trẻ em nữ tham gia khảo sát từng gặp bạn trực tuyến ở ngoài đời thực

Nhấn mạnh tính cấp thiết của việc triển khai các hoạt động để giúp trẻ em Việt Nam có kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng Internet an toàn hiệu quả, đại diện ChildFund cho biết, trên thế giới cứ 3 người dùng Internet thì có 1 người là trẻ em. “Công nghệ số có thể tạo ra những thay đổi đáng kể cho những trẻ còn nhiều thiệt thòi, mang lại cho các em cơ hội mới để học tập, giao lưu xã hội và để người khác lắng nghe tiếng nói của các em. Và khi công nghệ thay đổi nhanh chóng, trẻ em cũng phải đối mặt với những thách thức mới, từ việc bị bắt nạt trên mạng, tới sử dụng thông tin riêng tư của các em cho những mục đích sai trái hay hơn thế là xâm hại tình dục và bóc lột”, đại diện ChildFund nhận định.

Nhận định sự thâm nhập của các hoạt động trực tuyến vào cuộc sống đang làm gia tăng nguy cơ mất an toàn cho trẻ em trên mạng, ông Thành cho hay, từ nghiên cứu “Giới trẻ trong không gian trực tuyến: Tiếp cận Internet và sử dụng mạng xã hội của giới trẻ tại Việt Nam” do Jacob Cawthorne và Mai Thanh Hà thực hiện năm 2016 - trước khi dự án Swife Safe được triển khai cũng như thông tin có được từ các khóa tập huấn trong 8 tháng qua: “Bước đầu có thể thấy trẻ em tại 3 tỉnh miền núi này chưa biết cách tận dụng hiệu quả không gian mạng và đặc biệt là rất nhiều em trong số đó đang dùng mạng một cách thiếu an toàn”.

Nhiều người vẫn nghĩ rằng trẻ em dân tộc thiểu số ít có điều kiện tiếp cận với Internet, mạng xã hội. Thế nhưng, theo nghiên cứu, có tới 80% trẻ em tại Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng được khảo sát có thể truy cập Internet, kể cả những trẻ chưa có thiết bị cho riêng mình.

Khảo sát cho thấy, trẻ dành nhiều thời gian trên mạng chủ yếu để giải trí, giao tiếp: trung bình trẻ em dành 3 tiếng/ngày để truy cập Internet; các em nữ thường truy cập Internet để nhắn tin, lên mạng xã hội và chia sẻ ảnh, còn các em nam thường truy cập Internet để kết bạn mới online, chơi game và tiêu nhiều tiền hơn trên mạng. Sở thích trực tuyến của các em nữ là âm nhạc, thời trang, phim ảnh, các vấn đề xã hội…; còn các em nam là âm nhạc, thể thao, game, phim ảnh, ngôn ngữ…

Sự thiếu an toàn trong sử dụng Internet, mạng xã hội của trẻ em tại các vùng triển khai dự án Swife Safe, theo phân tích của ChildFund Việt Nam, còn thể hiện qua việc trẻ kết bạn, tiếp xúc với nhiều người lạ trên mạng. Cụ thể, theo khảo sát, có tới 70% trẻ từng tiếp xúc với người lạ trên mạng. Trong đó, 53% trẻ em nữ từng gặp bạn bè trực tuyến ở ngoài đời thực; và con số này với các em nam là 65%. “Dù khảo sát chưa sâu đến mức hỏi từng em về trải nghiệm các em gặp phải, songcó thể thấy rằng, qua số liệu thống kê trên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về xâm hại, bạo lực, lừa đảo mà các trẻ em không lường được”, đại diện ChildFund Việt Nam nói.

70% trẻ em từng tiếp xúc với người lạ trên mạng | 12.000 trẻ em 3 tỉnh miền núi phía Bắc sẽ biết sử dụng mạng Internet an toàn | 53% trẻ em nữ tham gia khảo sát từng gặp bạn trực tuyến ở ngoài đời thực

ChildFund Việt Nam cho biết, giáo trình của dự án Swipe Safe có khả năng nhân rộng dễ dàng, cho phép những nhóm thanh niên nòng cốt được đào tạo, triển khai tập huấn với các nhóm trẻ em và thanh niên khác (Ảnh Tổ chức ChildFund Việt Nam cung cấp)

Khảo sát cũng đưa ra những dữ liệu đáng lo ngại khác như: 70% trẻ em đã từng tiếp xúc với những nội dung tiêu cực và phản cảm trên mạng; 75% trẻ em tham gia khảo sát chia sẻ các em có những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, buồn bã, sốc, sợ hãi khi tiếp xúc các nội dung phản cảm; 80% trẻ em từng chứng kiến cảnh bạo lực và bắt nạt trên mạng; 20% trẻ em từng là nạn nhân của bắt nạt, bạo lực trên mạng.

Trong khi đó, về phía phụ huynh, có tới 3/4 phụ huynh tham gia khảo sát cho biết họ không kiểm soát thời gian truy cập Internet của con; 2/3 phụ huynh không kiểm soát xem con mình làm gì trên mạng. Phần lớn phụ huynh không biết những ứng dụng con em mình sử dụng là gì. Nhiều phụ huynh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn chưa biết đến mạng xã hội.

70% trẻ em từng tiếp xúc với người lạ trên mạng | 12.000 trẻ em 3 tỉnh miền núi phía Bắc sẽ biết sử dụng mạng Internet an toàn | 53% trẻ em nữ tham gia khảo sát từng gặp bạn trực tuyến ở ngoài đời thực

Cho rằng an toàn trên mạng chậm hơn tốc độ phát triển của công nghệ rất nhiều, Điều phối viên dự án Swife Safe Bùi Duy Thành chia sẻ: “Trong chương trình tập huấn, chúng tôi không dạy trẻ em nên hay không nên làm gì mà tập trung truyền tải để trẻ em cũng như phụ huynh, giáo viên hiểu được Internet với 6 khái niệm cốt lõi, có tính phổ quát của nó (Công khai, Vĩnh viễn, Ẩn danh, Kết nối, Nguồn thông tin, Tôn trọng ), qua đó phụ huynh, giáo viên biết được cần phải làm sao để có thể bảo vệ con em mình an toàn trên mạng; và trẻ em qua đó cũng tự xác định được những hành vi trên mạng của mình đã an toàn hay chưa, có ảnh hưởng đến người khác như thế nào… Ví dụ như trẻ thường hay chia sẻ những nội dung không tốt, hay nói xấu người khác trên mạng vì các em nghĩ mình không để tên thật thì không ai biết; hoặc cứ xóa đi là hết. Điều này cho thấy các em chưa hiểu về tính chất “Vĩnh viễn” và Ẩn danh” của Internet. Qua tập huấn, chúng tôi giải thích để trẻ hiểu về những đặc tính này, biết được rằng khi đã chia sẻ thì nội dung đó sẽ vẫn tồn tại trên mạng, kể cả khi các em đã xóa đi”.