Phát biểu chỉ đạo hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT diễn ra hồi giữa tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ TT&TT sớm trình Đề án chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương, giúp Việt Nam có sự bứt phá về phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong kế hoạch công tác năm 2019, Bộ TT&TT đã xác định rõ một nhiệm vụ chủ yếu trong năm nay là xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia, chính thức đưa khái niệm nền kinh tế số, xã hội số vào đời sống xã hội.

Sáng kiến số hóa tài sản văn hóa của Việt Nam rẻ nhất và thông minh nhất | Chủ tịch DTT Nguyễn Thế Trung nêu sáng kiến số hóa tài sản văn hóa của Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ DTT cho biết, trong số các trụ cột công nghiệp mới trong nền kinh tế số, ngành công nghiệp sáng tạo hay còn được hiểu là công nghiệp văn hóa sáng tạo sẽ dần chiếm một phần đáng kể (Ảnh: XĐ)

Từ kinh nghiệm của chuyên gia đã có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực CNTT, đóng góp ý kiến vào hội nghị triển khai nhiệm vụ năm nay của ngành TT&TT, ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Công nghệ DTT đưa ra sáng kiến chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, hình thành tài sản văn hóa số của Việt Nam.

Ông Trung cho biết, theo báo cáo của Data61 - Tương lai Nền kinh tế số Việt Nam hướng tới 2040, trong 4 kịch bản đến 2040 gồm truyền thống, tiêu dùng số, xuất khẩu số và chuyển đổi số thì kịch bản Chuyển đổi số là kịch bản có ảnh hưởng lớn nhất đến tăng trưởng, gấp từ 2 - 3 lần các phương án khác. Trong số các trụ cột công nghiệp mới trong nền kinh tế số, ngành công nghiệp sáng tạo hay còn được hiểu là công nghiệp văn hóa sáng tạo sẽ dần chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế. “Chính vì thế, chúng ta cần các sáng kiến cho lĩnh vực này”, ông Trung khẳng định.

Cũng theo phân tích của ông Trung, tại Việt Nam, trong lĩnh vực văn hóa, dữ liệu số hóa còn thiếu và rất ít. Các dữ liệu về di sản vật thể, phi vật thể, di tích cấp quốc gia, cấp địa phương, các dữ liệu văn hóa dân gian hoặc còn tản mát, chưa được số hóa hoặc chưa số hóa đầy đủ (2D, 3D, nD). Lý do chính là kinh phí lớn và thời gian số hóa dài. Đề án Tri thức Việt số hóa hiện đang bắt tay vào làm những việc này nhưng còn thiếu những công cụ hữu hiệu để có thể số hóa nhanh nhất, rẻ nhất.

Cụ thể, người đứng đầu Công ty DTT đề xuất, để có thể số hóa các tài sản số một cách nhanh chóng và nhà nước đầu tư ít nhất, giải pháp cần triển khai là kết hợp nguồn lực nhanh, giỏi với nguồn lực nhiều và có tổ chức. “Các công ty công nghệ nhanh và giỏi cần được huy động, vào cuộc cùng với các tổ chức nhà nước (đoàn viên thanh niên, học sinh, giáo viên…. ) để số hóa các tài sản văn hóa xung quanh mình, mà mình được tiếp cận”, ông Trung lý giải.

Cùng với đó, Chính phủ cần đưa ra danh mục theo thứ tự ưu tiên các tài sản văn hóa cần được số hóa, trên cơ sở đó đặt đầu bài để các doanh nghiệp tham gia đề xuất phương án kết hợp sử dụng công nghệ và nguồn lực của doanh nghiệp với nguồn lực của hệ thống nhà nước để số hóa các tài sản này.

Các doanh nghiệp tham gia có thể gồm doanh nghiệp lớn đứng ra chủ trì và các doanh nghiệp có công nghệ chuyên biệt, ví dụ scan 3D, cùng làm. Còn nguồn lực của nhà nước có thể bao gồm: công nhân viên chức, đoàn viên thanh niên, học sinh, người cao tuổi và các cơ chế hỗ trợ tài chính, ví dụ từ ngân sách hàng năm và các ngân sách dành cho khoa học công nghệ.

Chủ tịch Công ty DTT phân tích thêm: “Tương tự như PPP (hợp tác công tư – PV), các doanh nghiệp sẽ đề xuất phương án số hóa và khai thác với điều kiện phải có bản dữ liệu số cơ bản miễn phí cho cộng đồng và chỉ được thu tiền khi các tài sản số này được khai thác thương mại”.

Nhấn mạnh việc số hóa tài sản văn hóa sẽ mang lại lợi ích cho tất các bên, ông Trung nêu phương án: Các công ty và cá nhân, tổ chức tham gia số hóa sẽ được tặng một số điểm ghi nhận sự đóng góp của mình. Tài sản văn hóa sau khi được số hóa sẽ gắn bản quyền đại diện quốc gia nhưng cho phép các công ty Việt Nam sử dụng miễn phí để nghiên cứu. Tuy nhiên, khi các sản phẩm thương mại được hình thành và vượt ngưỡng doanh thu 1triệu USD Mỹ thì phải trả bản quyền cho Chính phủ bằng số điểm đã tích góp hoặc bằng tiền. Để minh bạch toàn bộ quá trình, có thể ứng dụng Blockchain (công nghệ chuỗi khối – PV).

Nói về tính khả thi và tác động của sáng kiến chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, ông Trung cho rằng, nếu huy động được các công ty công nghệ đưa ra giải pháp số hóa 2D, 3D , nD rẻ và hiệu quả, đặc biệt là dùng điện thoại thông minh thì chi phí số hóa sẽ rẻ đi rất nhiều, kết hợp với các công ty lớn có hạ tầng để lưu trữ thì việc số hóa sẽ rất khả thi. Các hệ thống chính quyền (đoàn viên, bưu điện, giáo viên, học sinh, người cao tuổi, cựu chiến binh …) nếu có thể sử dụng các công nghệ này và vào cuộc thì việc làm lớn, làm rộng hoàn toàn không khó.

Vấn đề khó nhất, theo ông Trung, là tạo ra phong trào ban đầu. Việc này Bộ TT&TT cần phát huy vai trò lãnh đạo thông qua hoặc là các doanh nghiệp lớn vào cuộc, hoặc là các cuộc thi về công nghệ số hóa.

Hệ thống ghi điểm công nhận sự tham gia đóng góp của mọi người sẽ hình thành nên một môi trường số mới trong đó có tính chủ quyền, có văn hóa xây dựng thay vì những môi trường mang tính giải trí như mạng xã hội hiện nay.

“Trên cơ sở các dữ liệu được số hóa, các công ty AI, công ty sáng tạo sẽ phát triển các sản phẩm người dùng cuối hình thành nên một Nền công nghiệp sáng tạo – có thể tạo doanh thu hàng tỷ USD/năm”, đại diện lãnh đạo Công ty DTT nêu quan điểm.