"20 năm trước, ngành công nghiệp Công nghệ Thông tin của chúng ta quá nhỏ bé. Ngành phần mềm có thể nói như một số 0 và chúng ta đã mơ ước rằng trí tuệ Việt Nam sẽ vươn ra thế giới và 20 năm sau thì bức tranh đã hoàn toàn thay đổi. Chúng ta đã có một sự lựa chọn thành công", ông Trương Gia Bình - Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch Tập đoàn FPT - chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) mới đây.

Theo ông Bình, tuy khoảng cách của chúng ta về lực lượng so với cường quốc Ấn Độ còn khá xa. Nhưng tương quan về lượng, về công nghệ thông tin ở các nước tiên tiến. Chúng ta có 1 triệu lập trình viên, Nhật Bản có 1,3 triệu. Việt Nam cũng đứng vào số 2 trên thế giới về xuất khẩu phần mềm.

Nếu nói về giáo dục, chúng ta đứng hàng số 10 trên thế giới về đào tạo các kỹ sư phần mềm.

"Nếu 7 năm trước, Việt Nam có Nguyễn Hà Đông (cha đẻ của Flappy Bird) trở thành biểu tượng của Google. Thì hiện nay, chúng ta đã có Nguyễn Thành Trung, số một trên thế giới về NFT game. Ngoài ra, chúng ta có hai bạn trẻ đều 29 tuổi đã xây dựng thành công kỳ lân: Axie Infinity và Coin98. Và một điều chúng ta có thể chưa biết rằng, Việt Nam đứng số một về hyper casual (game siêu bình thường - PV)".

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: 7 năm trước Việt Nam có Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông, nay có Axie Infinity và Coin98! - Ảnh 1.

Ông Trương Gia Bình - Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch Tập đoàn FPT.

"Tôi đi các nước, thì Việt Nam là quốc gia quyết liệt nhất về chuyển đổi số, khắp các tỉnh thành từ Nam chí Bắc, tất cả đều nói về chuyển đổi số và đang hành động", ông Bình nhìn nhận.

Và theo ông Bình, TPHCM là ngọn cờ công nghệ thông tin của cả nước. TPHCM đang có lực lượng lao động và đào tạo lớn nhất về CNTT, là nơi sử dụng dữ liệu, kho dữ liệu tốt nhất trên cả nước. Vừa rồi, Quận 7 đã đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện trong việc vừa chống Covid-19, vừa phục hồi kinh tế. Khi mở cửa chỉ trong mỗi tháng 10, thu nhập ngân sách quận 7 đã bằng quý III.

TPHCM đang đi đầu về giao thông thông minh, y tế thông minh, và TPHCM được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp số 1 trong 10 thành phố năng động nhất của thế giới.

"Nếu chúng ta, 20 năm trước từ con số 0 mà mơ ước như vậy thì 20 năm sau chúng ta mơ gì đây?", ông Trương Gia Bình đặt câu hỏi.

"Khi tôi nói đến viên ngọc xanh thì tôi không muốn nói TP HCM chỉ là nơi tốt nhất để sống, để làm việc trên nền tảng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Bởi vì tất cả các thành phố đang làm như vậy. Tôi muốn nói một thành phố, một viên ngọc lấp lánh như TP HCM sẽ xây dựng các TP thông minh khác, TP kiến tạo một thế giới mới".

Ông Bình cũng cho rằng, song song với việc nói về ước mơ, khát vọng, cũng phải nói về KPI theo thời gian. Chúng ta nói về cam kết lãnh đạo thì chúng ta phải bám sát những KPI ấy theo từng tuần.

"Đất của chúng ta có thiếu không, thiếu lắm, quý lắm. Nhưng đất dành cho ước mơ lớn tương lai thì tôi tin rằng TPHCM có rất nhiều. Và trên mảnh đất ấy, hãy thiết kế mảnh đất chưa từng tồn tại trên thế gian này".

"Phải có tiền, ở đây tôi không nói chỉ tiền ngân sách mà tiền của tất cả những ai mong ước xây dựng tương lai, hiện thực tương lai khi thế giới thực và ảo nhập làm một. Khi mỗi một công dân trở thành một doanh nghiệp. Và cuối cùng, tôi nghĩ quan trọng hơn tất cả đất, hơn cả tiền là cơ chế. Muốn làm như vậy, chúng ta phải xây dựng cơ chế đặc biệt cho thế giới mới đó", ông Bình chia sẻ.

Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) là sự kiện quốc tế thường niên do UBND TPHCM chủ trì tổ chức nhằm mục tiêu tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố nói chung; các Đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm của Thành phố nói riêng.

Năm nay, diễn đàn dự kiến sẽ có sự tham gia của hơn 900 đại biểu bao gồm Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ ngành Việt Nam; đại diện các cơ quan ngoại giao; các địa phương nước ngoài; các định chế tài chính quốc tế (World Bank, IMF, IFC, ADB...); các tổ chức Quốc tế như WEF, OECD, các nhà quản lý và Lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 09 quốc gia như: Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Phần Lan, Israel, Thái Lan, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Úc; các chuyên gia kinh tế và kinh tế số, đại diện các quốc gia thành công trong lĩnh vực chuyển đổi số; doanh nghiệp...

(Theo Nhịp Sống Kinh Tế)

Axie Infinity có 1 triệu người chơi, đạt doanh số 1 tỷ USD

Axie Infinity có 1 triệu người chơi, đạt doanh số 1 tỷ USD

Axie Infinity do người Việt phát triển là game blockchain đầu tiên trên thế giới đạt doanh số 1 tỷ USD nhờ bán các vật phẩm số NFT (non-fungible token).