Nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã vươn ra thế giới với thành công đáng kể. Một trong những doanh nghiệp nổi bật nhất là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel). Trong năm 2022, hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel lần đầu tiên chứng kiến mức doanh thu dịch vụ đạt gần 3 tỷ USD, tương đương với viễn thông trong nước.

Chia sẻ tại hội nghị Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới vừa tổ chức sáng 23/2, ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel đi ra nước ngoài từ rất sớm với việc thành lập Viettel Global năm 2006.  Ngay sau khi tham gia vào thị trường viễn thông, tập đoàn đã xác định Việt Nam tuy có gần 100 triệu dân nhưng để phát triển bền vững lâu dài, cần thị trường phải lớn hơn nữa. 

Tổng giám đốc Viettel chia sẻ tại hội nghị Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới vừa tổ chức sáng 23/2. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đến năm 2009, Viettel đã khai trương dịch vụ viễn thông tại Campuchia và Lào. Sau đó là các thị trường ở châu Phi, châu Mỹ như Mozambique, Cameroon, Peru, Burundi và Tanzania,... Trong 10 năm, từ 2009 đến 2018, Viettel đã phát triển tại 10 thị trường.

“Doanh thu bình quân của Viettel Global là 25%, với 5 thị trường giữ vị trí số 1 về thị phần. Có thị trường trong vòng 1 năm đã vươn lên vị trí số 1 (Burundi). Đây là bàn đạp để chúng tôi đưa các thiết bị số của Việt Nam ra thế giới”, ông Tào Đức Thắng cho hay.

Đầu tư ra nước ngoài luôn đi kèm với thách thức và rủi ro. Trước hết đó là sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực, thể chế chính trị, luật pháp. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ xảy ra tranh chấp pháp lý tại một số thị trường, nhiều nơi thậm chí còn bất ổn chính trị. 

Một nhân viên người bản địa của Movitel - nhà mạng do Viettel đầu tư phát triển tại Mozambique. 

Theo Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel, rủi ro còn đến từ sự biến động của tỷ giá ngoại tệ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt khi ra thế giới thường thiếu bạn đồng hành do không có cộng đồng doanh nghiệp đi cùng. Tại nhiều quốc gia, Việt Nam chưa có hiệp định bảo hộ đầu tư và tránh đánh thuế hai lần.

Ngoài những thách thức, "go global" cũng mang đến nhiều cơ hội. Đó là tiềm năng mở rộng thị trường, tạo ra không gian phát triển mới, tạo môi trường đào tạo con người. Đi ra nước ngoài cũng giúp gia tăng giá trị thương hiệu cho cả Việt Nam và doanh nghiệp, cùng với đó là cơ hội học hỏi khi được thử sức cạnh tranh với những tập đoàn hàng đầu thế giới.

“Năm 2006, Viettel mới là tân binh trên thị trường viễn thông Việt Nam và vẫn còn vô danh với thế giới. Đến năm 2022, giá trị thương hiệu của chúng tôi đạt 9 tỷ USD, đứng thứ 17 thế giới và số 1 Đông Nam Á về viễn thông. Việc cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài cũng là bài học quan trọng để chúng tôi tự tin hơn, góp phần thúc đẩy sự đổi mới tại Việt Nam”, ông Tào Đức Thắng nói 

Ông Tào Đức Thắng - Ảnh: Lê Anh Dũng

Người đứng đầu Viettel cho rằng, để bơi ra biển lớn, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải có khát vọng đủ lớn, đủ tự tin, tự hào. Nếu không có khát vọng, sẽ khó thoát khỏi vùng an toàn bởi thị trường nội địa vẫn ổn định, trong khi đi ra nước ngoài nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, phải có sự tự tin rằng người Việt mình có thể làm được. 

“Đến nhiều nơi toàn hoang mạc, nhiều người dân không biết Việt Nam ở đâu, tưởng nước mình vẫn còn chiến tranh. Đó là lúc cần có lòng tự hào để cho thế giới thấy chúng ta là ai”, Tổng giám đốc Viettel chia sẻ. 

Chia sẻ bài học “go global”, ông Thắng khuyên các doanh nghiệp Việt cần khảo sát, đánh giá kỹ về tình hình chính trị, kinh tế xã hội, luật pháp trước khi quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, phải tập trung nguồn lực để triển khai nhanh nhằm tận dụng cơ hội, nâng cao hiệu quả dự án

Các doanh nghiệp Việt cũng cần gắn kết chặt chẽ với chính quyền địa phương sở tại, thượng tôn pháp luật, tham gia xây dựng chính sách, kinh doanh nhưng phải gắn liền với lợi ích xã hội. 

Người đứng đầu Viettel cho rằng khi đầu tư ra nước ngoài, bên cạnh việc kinh doanh, các doanh nghiệp phải gắn liền với lợi ích xã hội.

Kinh nghiệm của Viettel là chọn người đứng đầu thị trường vừa có chuyên môn, vừa tháo vát, bản lĩnh. Không chỉ vậy, khi “mang chuông đi đánh xứ người”, phải phát huy vai trò làm chủ của người bản địa để gắn lợi ích công ty với đất nước, người dân địa phương. 

Các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài nên thâm nhập sâu vào đời sống kinh tế xã hội để may đo sản phẩm phù hợp với người dùng sở tại. 

Ông Tào Đức Thắng cho biết, sau chiến sự tại Burundi, bất ổn chính trị tại Myanmar, Viettel đã vươn lên số 1 tại những thị trường đó. “Khó khăn sẽ xảy ra nhưng cơ hội luôn có, nếu dễ dàng thì các nước khác đã đầu tư rồi. Phải kiên định, kiên trì vượt qua khó khăn và có niềm tin rằng nếu chúng ta làm đúng, thượng tôn pháp luật thì chúng ta sẽ có cơ hội”, Tổng giám đốc Viettel nói.