Ngày 22/12, Tập đoàn VNPT đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái khẳng định, để đạt được những kết quả tích cực, Tập đoàn đã nhất quán trong chỉ đạo để cụ thể hóa các chương trình hành động ngay từ đầu năm.

Năm 2022, VNPT tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số nội bộ, đặc biệt trong điều hành kinh doanh và tiền lương, tạo động lực để các đơn vị, cá nhân tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động. Những kết quả trên minh chứng cho những nỗ lực rất lớn của tập thể lãnh đạo, khẳng định bước đi vững chắc của VNPT trong giai đoạn chuyển đổi số. Chủ tịch Tập đoàn nhấn mạnh, năm nay VNPT đã hoàn thành nhiệm vụ với Nhà nước và đội ngũ người lao động. Toàn thể CBCNV cùng nắm tay nhau đi về một hướng, VNPT nhất định thành công hơn nữa.

Chủ tịch Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái cho biết, năm 2022, VNPT đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số nội bộ, đặc biệt trong điều hành kinh doanh và tiền lương, tạo động lực để các đơn vị, cá nhân tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm chia sẻ, năm 2023, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động của sự bất ổn khó lường về kinh tế, lạm phát và căng thẳng chính trị trên thế giới. Thị trường viễn thông chứng kiến sự cạnh tranh về giá hầu như không kiểm soát giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ICT đã và đang trải qua sự tăng trưởng nhanh doanh thu về data và dịch vụ số, trong khi doanh thu dịch vụ truyền thống giảm dần. Thị trường dịch vụ CNTT ngày càng nhiều loại hình doanh nghiệp tham gia cạnh tranh, trong đó có những doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực mạnh, doanh nghiệp vừa và nhỏ với sự linh hoạt, lanh lẹ với thị trường.

“Trước những thách thức và cơ hội như vậy, VNPT xác định động lực để cạnh tranh và phát triển là chuyển đổi thành một Tập đoàn công nghệ, tham gia sâu rộng vào chuyển đổi số quốc gia, trong khi vẫn giữ vững các dịch vụ truyền thống là thế mạnh của một nhà mạng viễn thông hàng đầu. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự bền bỉ và sáng tạo hơn nữa của mỗi cá nhân cũng như những giải pháp cụ thể cho từng nhiệm vụ đặt ra”, Tổng Giám đốc VNPT chia sẻ. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho hay, dịch vụ viễn thông truyền thống bị bão hòa và mức độ cạnh tranh khốc liệt. Các doanh nghiệp chủ yếu cạnh tranh về giá và chất lượng không được cải thiện nhiều. Thị trường viễn thông năm 2022 chỉ tăng trưởng 1,6%, những thị trường mới tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho hay, dịch vụ viễn thông truyền thống bị bão hòa và mức độ cạnh tranh khốc liệt. 

“Thủ tướng quyết định chưa cổ phần hóa VNPT. Lý do là doanh nghiệp nhà nước phải có sứ mạng của nhà nước. Chính phủ kỳ vọng doanh nghiệp nhà nước sẽ thực hiện chiến lược quốc gia để phát triển hạ tầng số. Đảng và Chính phủ đánh giá cao ngành Thông tin và Truyền thông khi đưa ra chuyển đổi số là phương thức rút ngắn con đường tiến lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Doanh nghiệp nhà nước sẽ có chiến lược phát triển dài hạn trở thành trục cốt lõi để thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.

Cũng tại hội nghị này, Thứ trưởng thẳng thắn chia sẻ, cho dù đã làm tốt nhưng VNPT phải luôn luôn nghĩ đến cách làm mới, không nên hài lòng với những gì đã có. VNPT đã chuyển đổi số nội bộ, song phải làm mạnh hơn nữa. Thời gian qua, VNPT đưa dịch vụ CNTT vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Nếu phát triển rộng quá sẽ không đủ sức xử lý yêu cầu của khách hàng. VNPT không phát triển ứng dụng nữa mà phải xây dựng nền tảng để cho nhiều doanh nghiệp khác phát triển trên đó. 

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, VNPT đã làm tốt lĩnh vực CNTT, nhưng xã hội đang chuyển đổi nhanh. Khái niệm hạ tầng số được mở rộng. Hạ tầng viễn thông đến giai đoạn mở rộng. Hạ tầng số là hạ tầng nền tảng để cho các doanh nghiệp phát triển ứng dụng trên đó. Vì vậy, VNPT phải đầu tư vào những không gian mới, bởi nếu cứ đầu tư vào hạ tầng cũ sẽ không mở rộng không gian phát triển. Hạ tầng số giúp cho các doanh nghiệp hiện đại và thông minh. VNPT có sứ mạng xây dựng hạ tầng số cho các khu công nghiệp nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Thứ trưởng cũng nhắc VNPT không để tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác gây hệ lụy xã hội. Đây là vấn đề bức xúc mà Bộ TT&TT đang xử lý, khi có nhiều đối tượng sử dụng SIM rác để lừa đảo với thủ đoạn ngày càng tinh vi. 

Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc VNPT cho biết, tổng doanh thu của Tập đoàn đạt 55.209 tỷ đồng, lợi nhuận 6.629 tỷ đồng.

Chia sẻ về kết quả kinh doanh của VNPT năm 2022, ông Huỳnh Quang Liêm cho biết, tổng doanh thu của Tập đoàn đạt 55.209 tỷ đồng, lợi nhuận 6.629 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 5.228 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn đạt 9,35%. Đảm bảo 100% việc làm và thu nhập ổn định ở mức khá cho người lao động trong mặt bằng chung các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.