Trước một số ý kiến cho rằng, Blockchain tại Việt Nam chủ yếu là GameFi và tiền mã hoá, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nhằm đem đến cho độc giả một cái nhìn toàn cảnh về ứng dụng của Blockchain trong nước hiện nay. 

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Blockchain đang được ứng dụng rất mạnh mẽ trên thế giới, vậy tại Việt Nam Blockchain hiện đang được ứng dụng như thế nào thưa ông?

Ứng dụng Blockchain tại Việt Nam mang tính tự phát xuất phát từ nắm bắt các trào lưu trên thế giới về tiền mã hóa trên thế giới của giới phần mềm và thợ đào mining. Đây là cách tiếp cận đơn giản và có sức thuyết phục ở hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên trong một thời gian ngắn một số xu hướng như DeFi và GameFi năm 2021 được Việt nam ứng dụng rất nhanh có tác động to lớn tới ảnh hưởng trên toàn cầu, trong đó nổi tiếng nhất là game Axie Infinity của người Việt lọt top 30 GameFi toàn cầu. Tựa game này đã trở thành một hiện tượng toàn cầu với giá trị vốn hóa hiện lên tới 2,9 tỷ USD...

Trong mảng thị trường doanh nghiệp do tính thận trọng và đòi hỏi nhiều nguồn lực các ứng dụng được thực hiện ở mức độ nghiên cứu thử nghiệm hạn chế hầu hết nằm trong các sản phẩm về truy xuất nguồn gốc, dịch vụ tài chính đều đã có sản phẩm và giải pháp nhưng chưa được đưa vào rộng rãi.

Nhìn tổng thể tôi thấy cái đạt được lớn nhất trong thời gian vừa qua là thị trường nhân lực lập trình Blockchain được thúc đẩy mạnh mẽ hòa vào làn sóng cung cấp nhân lực toàn cầu của ngành này. Nó là tiền đề cho các cơ hội phát triển các xu hướng ứng dụng trong tương lai.

Thực tế tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng Blockchain được định nghĩa là tiền mã hoá (Crypto) hay game, theo ông vì sao lại như vậy?

Thị trường tiền mã hóa luôn là thứ dễ hiểu nhất để phổ cập và thu hút mọi người đến với Blockchain. Như tôi đã nói đây là xu thế toàn cầu. Nếu xét tỉ trọng sự phổ biến về tiền mã hóa so với ứng dụng doanh nghiệp kể cả các sản phẩm hay giải pháp ở mức độ nghiên cứu, đúng là tỉ trọng của nó cao hơn Blockchain ứng dụng doanh nghiệp. 

Tuy nhiên tôi nghĩ trong những năm tới sự chênh lệch này sẽ thu hẹp lại nhờ sự quan tâm của các cơ quan quản lý thúc đẩy các sản phẩm ứng dụng và kiến thức Blockchain, sẽ giúp người tiếp cận tránh được các cạm bẫy về tiền mã hoá lừa gạt hay đa cấp.

Phần lớn công dân Việt Nam hiện chỉ nhìn thấy một phần rất nhỏ về thị trường ứng dụng Blockchain thể hiện qua các dự án game, tiền kỹ thuật số, vô tình bỏ qua bức tranh tổng thể về công nghệ này đang được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội như hậu cần, y tế, chuỗi cung ứng, giải trí, định danh… và đang dần thay đổi con người tương tác với nhau theo hướng tích cực hơn. Chính sách pháp lý cho Blockchain/Crypto, những cơ hội, rủi ro trong lĩnh vực này vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp đang đứng trước ngưỡng cửa nhưng còn e ngại chưa dám bước chân vào sân chơi lớn giàu tiềm năng này.

Xu hướng này sẽ là một động lực để để thúc đẩy sự phát triển bền vững và đem lại lợi ích kinh tế xã hội từ Blockchain trong cuộc cách mạng 4.0 Việt nam

Theo ông, cần phát triển Blockchain Việt Nam theo hướng nào trong bối cảnh hiện nay, khi các ý kiến đều nhận định Việt Nam đang nằm trong nhóm đi đầu về công nghệ này trên thế giới?

Theo tôi được biết các cơ quan chức năng đang nghiên cứu để quản lý các ứng dụng của Blockchain tại Việt Nam. Rất hy vọng sự tham gia của các cơ quan quản lý vào thúc đẩy tạo ra các hành lang pháp lý, hạn chế sự tiêu cực của thị trường và thúc đẩy nó phát triển đúng hướng. Chúng ta nằm ở top đầu chắc là top đầu về nguồn nhân lực tiềm năng trong ngành này từ nắm bắt xu hướng tới giá thành sản phẩm thấp.

Tôi nghĩ rằng các cơ quan quản lý ban hành chính sách gì cũng nên giữ vững và thúc đẩy nguồn nhân lực này. Đây chính là tài nguyên của Việt nam chúng ta. Tránh sự thất thoát chảy máu nhân lực sang các quốc gia có chính sách thuận lợi hơn.  

Ngoài ra, chúng ta còn nên có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lớn trong ứng dụng công nghệ cần cởi bỏ các rào cản luật lệ cũ. Những chính sách này không có liên quan đến công nghệ mà nó ở những ngành nghề hay các văn bản thuần nghiệp vụ. Ví dụ thế nào là chi phí quảng cáo, thế nào là quà tặng, luật thuế… hay những chính sách thế nào là sandbox hay thúc đẩy doanh nghiệp fintech.

Để phát triển theo định hướng trên, Việt Nam đang gặp những khó khăn nào và cần có giải pháp gì để phát triển, thưa ông?

Công nghệ luôn rủi ro khi triển khai và tốn kém nguồn lực khi thúc đẩy.

Khó khăn thứ nhất là tiếp cận các nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp Việt nam ra nước ngoài vì họ dễ gọi vốn ngành này hơn. Vậy tại sao chúng ta không xem xét các cấu trúc sandbox gọi vốn ICO. Hình thức gọi vốn này đã có gần 10 năm tuổi và rất nhiều quốc gia có luật lệ khá rõ ràng như Japan, Singapore có luật STO.

Khó khăn thứ hai là cách nhìn nhận khi một công ty công nghệ ứng dụng thất bại. Cần phải có một cách nhìn kinh tế đơn thuần hay dân sự đơn thuần ở các công ty công nghệ thất bại thông qua hệ thống luật. Kèm theo đó là sự ưu đãi về thuế khi đầu tư chiều sâu công nghệ ở doanh nghiệp.

Tóm lại là vốn và luật pháp cởi mở sẽ là giải pháp cho mọi giải pháp.

Hiệp hội Blockchain Việt Nam có những đề xuất gì để phát triển Blockchain tại Việt Nam trong thời gian tới hay không?

Đối thoại và trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý là ưu tiên hàng đầu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) trong giai đoạn hiện nay. Chúng tôi xúc tiến chủ động với các cơ quan quản lý trong và ngoài nước như IMF, WB, các hiệp hội cùng ngành nghề. Các đề xuất chia sẻ thông tin của VBA tới các cơ quan được chia sẻ khá thuận lợi nên tôi nghĩ đây là những động lực giúp chúng tôi luôn có niềm tin vào sự phát triển ngành Blockchain tại Việt nam.

Về phía cộng đồng Việt nam chúng tôi đang thảo luận với các câu lạc bộ công nghệ, những diễn đàn, nhóm về ban hành một số tiêu chuẩn cộng đồng cũng như tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm.

Tiêu chuẩn đạo Đức nghề nghiệp là vấn đề rất quan trọng trong ngành này nhưng chưa được thảo luận rộng rãi ở Việt Nam. VBA cũng sẽ nêu và thảo luận với các cộng đồng và hệ thống các chuyên gia sớm đưa ra một tiếng nói chung.

Bên cạnh các chính sách về huy động vốn, stablecoin, tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương (Central Bank Digital Currency – CBDC), thì những tiêu chuẩn về phòng chống rửa tiền (AML - Anti Money Laundering) luôn là câu chuyện được các chính phủ trên thế giới quan tâm. Do đó, Việt Nam cần hòa nhập và tuân thủ các tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền quốc tế. Blockchain không thể vững bền nếu không có tiêu chuẩn AML trong các hoạt động kinh tế và ngân hàng. Trong công tác tuyên truyền, việc kết hợp giữa an toàn thông tin, phòng chống rửa tiền… là một trong những tiêu chí mà Hiệp hội có thể tham gia cùng với Nhà nước để cùng tạo ra môi trường an toàn, minh bạch cho việc ứng dụng Blockchain.

Lê Mỹ (Thực hiện)