Hơn 160 bác sĩ "ba cùng" với Sơn Lôi

Tính đến thời điểm này, xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã thực hiện biện pháp cách ly, phong tỏa 14 ngày. Đã có trên 160 y bác sĩ từ cả ba tuyến Trung ương, tỉnh và huyện được tăng cường xuống xã Sơn Lôi - nơi có hơn 10.000 hộ dân sinh sống.

Chia sẻ với phóng viên VietNamNet, Chủ tịch UBND xã Sơn Lôi Nguyễn Ngọc Sơn cho biết với phương châm 3 cùng với địa phương, "xã chúng tôi rất cảm ơn các y bác sĩ từ tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện đã tập trung hết cho Sơn Lôi”.

Hơn 160 y bác sĩ đã ba cùng với bà con Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc)

Theo ông Sơn, ngày nào cũng như ngày nào, các kíp y bác sĩ đã xuống từng nhà, rà từng con ngõ để hướng dẫn người dân Sơn Lôi từ cách phòng chống dịch Covid-19, cách vệ sinh cá nhân đến cách ăn cách ở...

“Dù những kiến thức này các phương tiện truyền thông cũng đã nói nhưng khi được các y bác sĩ, các kíp trực xuống tận nơi thăm hỏi, kiểm tra tình hình sức khỏe cùng cán bộ xã, người dân cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Họ không cảm thấy bị bỏ rơi, bị cô lập, bị cách ly mà họ cảm thấy họ đang được Nhà nước chăm sóc…”, ông Sơn nói.

Chủ tịch xã Sơn Lôi cho biết: "Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến sự hy sinh, sự cố gắng của các y bác sĩ trong suốt thời gian vừa qua".

Theo ông Sơn, đến thời điểm này, sau 14 ngày Sơn Lôi được cách ly, tình hình đỡ hơn rất nhiều, tuy nhiên cán bộ xã vẫn phải thay phiên nhau đi kiểm tra, đôn đốc…

“Thời gian đầu chúng tôi lo lắm, nhất là lúc có quyết định khoanh vùng, cách ly. Lo nhiều thứ, vì chúng tôi ở cùng người dân nên phải lo đời sống của hơn 10 nghìn người dân trong xã sẽ như thế nào, lo sản xuất ra làm sao… Cứ đụng vào vấn đề gì là lại lo cái đấy”, ông Sơn nói.

Nhưng điều vị chủ tịch xã lo nhất là dịch bệnh bùng phát, nguy cơ Sơn Lôi trở thành một "Vũ Hán thu nhỏ". Mặc dù trước đó, lực lượng chức năng đã khoanh vùng các đối tượng nhưng bản thân ông Sơn vẫn vô cùng lo lắng vì không biết những ai đã và đang ủ bệnh. 

"Rất may là đến giờ xã không ghi nhận thêm trường hợp nào mắc Covid-19. Một lần nữa, tôi xin cảm ơn đội ngũ y bác sĩ đã 'ba cùng' - cùng ăn, cùng ở, cùng chống dịch với người dân xã Sơn Lôi chúng tôi”, ông Sơn bày tỏ.

Và những bác sĩ không có Tết

Không như các bác sĩ ở tại tâm dịch Sơn Lôi, BS Nguyễn Trung Cấp (trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) lại đối diện với những bệnh nhân mắc Covid-19 trên tuyến đầu cả nước.

 

Anh bảo không nhớ nổi lịch làm việc một ngày của mình như thế nào. Chỉ biết rằng công việc của anh bắt đầu từ 6h sáng với những cuộc giao ban chuyên môn để nắm tình hình bệnh nhân, chỉ đạo chuyên môn, rồi các cuộc họp với các chuyên gia y tế về tình hình dịch, rồi trả lời hàng trăm các cuộc điện thoại, zalo, viber, email... với nhiều đồng nghiệp để tư vấn về hình hình dịch bệnh, cách điều trị… Chưa kể, có những hôm anh còn phải lao về tâm dịch Sơn Lôi, Vĩnh Phúc hay như lời anh nói, anh sẽ "đến bất cứ đâu họ cần đến chuyên môn chống dịch của mình”.

BS Nguyễn Trung Cấp (ảnh VOV)

Từ sáng mùng 2 Tết đến nay, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp chưa về nhà. Bày tỏ nỗi khó khăn của những bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, anh bình thản cho biết: “Nghề bác sĩ là vậy”.

“Không chỉ năm nay đâu mà nhiều năm tôi đón Giao thừa ở bệnh viện, sáng mùng 1 cũng trong bệnh viện chúc Tết bệnh nhân. Năm nay có dịch, tôi hầu như chẳng có lúc nào dành cho gia đình. Chiều 30 Tết, chúng tôi vẫn bàn về các phương án chống dịch. Sáng mùng 1 Tết, như thường lệ, tôi vào bệnh viện chúc Tết anh em trực và bệnh nhân. Đến chiều rảnh, tôi mới cùng vợ con về quê ở Bắc Giang để chúc Tết.

Sáng mùng 2 Tết, tôi đã tưởng có được một ngày dành cho gia đình. Tôi hướng dẫn con trai làm thịt gà. Nhưng vừa làm xong gà, chưa kịp luộc thì tôi nhận được điện thoại, yêu cầu lên Hà Nội họp về dịch gấp”, BS Nguyễn Trung Cấp kể. Thế là cả nhà lại dắt díu nhau lên Hà Nội, chẳng kịp thưởng thức thành quả lao động của con trai.

“Nhìn mặt vợ kém vui, nhìn con trai tiu nghỉu, tôi cũng thấy mình thật có lỗi. Nhưng là một bác sĩ, tôi không thể từ chối việc điều trị cứu người hay việc lao vào nơi có dịch bệnh. Cũng từ mùng 2 Tết, tôi đã chuyển thẳng đến Bệnh viện cơ sở ở Đông Anh để 'thường trú'. Quần áo, đồ dùng cá nhân tôi cũng chỉ nhờ người về lấy hộ hoặc vợ con chuyển đến cho”, BS Nguyễn Trung Cấp nói.

BS Cấp cho biết không chỉ anh mà rất rất nhiều đồng nghiệp của khoa, của Bệnh viện cũng không có Tết. Nhiều người có bố mẹ già, con nhỏ nên việc phải “thường trú” trong bệnh viện khiến họ cũng tâm tư.

“Không chỉ như vậy, nhiều điều dưỡng, y tá đã chia sẻ với tôi về việc họ bị bạn bè, bị hàng xóm kỳ thị khi biết họ đang ở tâm dịch. Có bạn điều dưỡng còn không dám về nhà lấy quần áo vì hàng xóm nhắn tin đe dọa: 'Không được về, thấy là đuổi đánh' vì cho rằng bạn ấy mắc virus corona, sẽ lây bệnh cho mọi người”, BS Cấp kể lại.

Vị trưởng khoa buồn bã cho rằng trong lúc họ vất vả, chịu đựng khó khăn, vượt qua sợ hãi để cứu chữa cho mọi người nhưng lại bị đối xử như vậy, nhiều y tá, điều dưỡng trẻ rất tủi thân.

Trong khi đó, tại bệnh viện họ cũng gặp sự “chống đối”, phản ứng của người bệnh.

Đó là nhóm người nghi nhiễm bị cách ly và chờ kết quả xét nghiệm. Họ bị cách ly trong phòng kín nên tâm lý cũng khó chịu. Chưa kể, một số người có điều kiện kinh tế, đang đi du lịch ở khách sạn 4-5 sao, lại phải vào cách ly ở một phòng tập thể nhiều người thì họ rất khó chịu. Nhiều người cũng lo lắng nên cứ đòi kết quả xét nghiệm nhanh hoặc chê đồ ăn không hợp khẩu vị. Nhưng người cách ly thấy mình ít được bác sĩ hỏi han cũng tỏ ra khó chịu.

Rất nhiều loại ý kiến khiến các nhân viên y tế rất “đau đầu”. “Mỗi lần có kiến nghị gọi đến đường dây nóng là chúng tôi lại mất thời gian làm văn bản giải trình, thêm việc, thêm mệt mỏi”, BS Nguyễn Trung Cấp nói.

Nhưng theo ông “chúng tôi khi đã chọn nghề y đều đã lường trước khó khăn như vậy. Bệnh nhân có thể chọn bác sĩ, nhưng bác sĩ không được lựa chọn bệnh nhân. Càng khi người ta đau ốm, khó khăn, “xấu xí” nhất thì lại càng cần chúng tôi”.