Lời tòa soạn: Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Báo VietNamNet mở mục “Đóng góp ý tưởng Chuyển đổi số”, góp phần lan tỏa những kinh nghiệm tốt, những bài học hay, các nhân vật tiêu biểu và những câu chuyện cả thành công và chưa thành công của các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp cũng như người dân trong hành trình chuyển đổi hoạt động lên môi trường số.

Sau đây VietNamNet xin giới thiệu bài viết ông Huy Nguyễn, Đồng sáng lập KardiaChain, nền tảng blockchain cho các doanh nghiệp xây dựng các giải pháp ứng dụng dễ dàng, tối ưu, và chi phí thấp nhất.

Huy Nguyễn, Đồng sáng lập KaidiaChan - Ảnh: NVCC

Việt Nam đang trở thành điểm sáng về công nghệ blockchain

Trong thời gian gần đây Việt Nam đã trở thành một trong những nước nắm bắt xu hướng công nghệ nhanh bậc nhất, với blockchain cũng không là ngoại lệ. Hai năm trước khi tôi vừa về Việt Nam, khi nhắc đến blockchain đa số mọi người nghĩ ngay đến Bitcoin hoặc những ứng dụng tài chính. Tuy nhiên công nghệ này có nhiều tiềm năng hơn thế trong các lĩnh vực khác của đời sống từ giáo dục, y tế đến đô thị thông minh.

Chúng tôi bắt đầu xây dựng một blockchain riêng cho người Việt, của người Việt, do đội ngũ kỹ sư Việt Nam phát triển với chi phí rẻ, chất lượng quốc tế. Điều này đã góp phần quan trọng để blockchain trở nên phổ biến hơn trong đời sống.

Việt Nam đang trở thành điểm sáng về công nghệ blockchain với hệ sinh thái đa dạng, luôn cập nhật nhanh xu hướng của thế giới, một số lĩnh vực thậm chí đang có vai trò dẫn dắt.

Có một tiến trình rất đặc biệt của công nghệ blockchain là từ những cuộc thảo luận tự do, sôi nổi trên các hội nhóm, mạng xã hội, công nghệ này giờ đây đã nhiều lần trở thành chủ để được thảo luận tích cực trên nghị trường, quốc hội và các diễn đàn kinh tế, công nghệ.

Tôi cho rằng đây là tín hiệu đặc biệt quan trọng cho thấy bước chuyển mình của blockchain về việc được công nhận rộng rãi từ người dân cho đến các nhà hoạch định chính sách. Đây là tiền đề quan trọng để blockchain Việt tiếp tục bùng nổ và đóng góp nhiều hơn cho xã hội, kinh tế quốc gia, đặc biệt trong tiến trình chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.

Blockchain giải quyết được nhiều vấn đề về chuyển đổi số

Hiện tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam đang diễn ra rầm rộ, trải dài trên nhiều lĩnh vực và đã đến giai đoạn nhìn thấy những kết quả ban đầu. Cùng những công nghệ trụ cột như AI, Big Data, IoT… blockchain có thể trở thành một mảnh ghép quan trọng nếu lĩnh vực nào đó cần tính minh bạch, tự động và bảo mật.

Khuyết điểm của các nền tảng quản lý truyền thống là chưa đạt được hiệu quả tối ưu so với nguồn lực bỏ ra. Đó là lý do vì sao cần chuyển đổi số, giống như những công nghệ khác như AI, Big Data, Cloud, IoT. Blockchain mang đến sự nâng cấp về quy trình làm việc, tối ưu các khâu vận hành từ đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn lực, thời gian và tiền bạc nhưng ở những khía cạnh khác mà các công nghệ trước đó chưa làm được tiêu biểu là việc trao đổi xác thực thông tin dữ liệu

Lợi thế lớn nhất của blockchain là tự động, minh bạch và an toàn sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thể giảm chi phí vận hành, tiết kiệm sức người, tăng hiệu suất của việc trao đổi xác thực thông tin dữ liệu; từ đó tạo niềm tin từ người dùng lớn hơn so với việc hoàn toàn phụ thuộc vào chính cơ quan tập quyền như cách làm truyền thống.

 Chẳng hạn, trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông. Khi triển khai 5G trên diện rộng cần đấu thầu tần số, các nhà mạng cần một hợp đồng thông minh để tự động ghi nhận các giao dịch, tính toán, blockchain hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề này một cách minh bạch, tiết kiệm. Cá nhân tôi đã trực tiếp triển khai việc này cho các nhà mạng lớn khi làm việc tại Google từ năm 2015. Tôi tin Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những điều này một cách đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả cao.

Trong lĩnh vực Giáo dục, blockchain có thể giải quyết vấn đề về minh bạch các bằng cấp, chứng chỉ. Đặc điểm của blockchain là không thể giả mạo và có tính bất biến nên mọi thông tin của tấm bằng đều có thể được truy ngược một cách nhanh chóng, chính xác, giúp giải quyết ngay vấn nạn bằng giả. Tôi biết từ 2020, Bộ giáo dục và Đào tạo của Việt Nam đã có những đề án, bắt tay vào nghiên cứu, thực hiện việc này.

Trong lĩnh vực y tế, blockchain có thể số hoá các hồ sơ, tiền sử bệnh án, chúng ta đang nói về câu chuyện chuyển đổi số trong y tế. Nhưng tôi cho rằng đây là bài toán khó vì dữ liệu của người bệnh đặc biệt quan trọng. Nếu đã thu thập và lưu trữ, nó còn cần được mã hoá, bảo mật để trong những trường hợp xấu nhất, hệ thống lưu trữ xảy ra bất kỳ sự cố nào thì thông tin đầu cuối của người dùng cũng được mã hoá, bảo mật và không thể chỉnh sửa tùy ý.

Tương tự trong các lĩnh vực hành chính công, logistic, kinh tế… blockchain đều có thể tham gia cùng các công nghệ khác để tạo nên một tiến trình chuyển đổi số hoàn thiện. Miễn là lĩnh vực nào đó cần tính minh bạch, tự động và bảo mật thì blockchain có thể đóng góp giá trị.

Một lĩnh vực có thể ứng dụng blockchain vào được ngay và mang lại lợi ích to lớn ở Việt Nam hiện tại đó là nhân lực. Các công ty tuyển dụng và trường đại học có thể cùng nhau tạo ra  “sơ yếu lý lịch blockchain" ngay khi sinh viên tốt nghiệp ra trường, bằng việc sử dụng blockchain bán công khai. Các bên ghi vào blockchain những dữ liệu về sinh viên mà mình có ví dụ: bằng cấp, hoạt động trong quá trình học tập/làm việc... 

Cách làm này giúp sinh viên xây dựng được lịch sử kinh nghiệm làm việc đáng tin cậy, từ đó chứng minh năng lực của mình. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu và tin tưởng vào những hồ sơ của ứng viên mà không cần lo lắng về vấn đề làm giả, bởi vì đã có nhiều bên xác thực và bảo chứng cho các thông tin này. Blockchain đóng vai giúp cho thông tin về nhân sự được nhất quán và minh bạch từ khi vừa tốt nghiệp, rút ngắn rất nhiều thời gian và nguồn lực cho các bên từ nhà trường đến ứng viên và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một điểm khó của công nghệ blockchain là chi phí còn quá cao và số lượng người hiểu về công nghệ không nhiều để triển khai trên diện rộng. Đó là lý do khi về Việt Nam, chún`g tôi đã quyết định xây dựng KardiaChain thành mạng blockchain bình dân cho người Việt nhưng đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cao nhất của quốc tế. Song song với đó chúng tôi cũng tăng cường hoạt động đào tạo, phổ cập blockchain đến cộng đồng. Đưa các giáo trình giảng dạy blockchain quốc tế vào giảng đường Việt Nam để đào tạo một đội ngũ kỹ sư tiềm năng ngay từ bây giờ, sẵn sàng cho giai đoạn bùng nổ tiếp theo của thị trường.

Cuối cùng tôi muốn lưu ý rằng blockchain có thể giải quyết nhiều tồn tại mà chuyển đổi số cần nhưng như nhiều công nghệ khác, nhưng blockchain không phải cây đũa thần vạn năng có thể giải quyết các vấn đề. Khi nói đến câu chuyện chuyển đổi số, blockchain nên là một lựa chọn phù hợp. Tuỳ bối cảnh có thể đóng vai trò chính hoặc chỉ đơn giản là chất xúc tác để giúp cho những công nghệ khác như  AI, Machine Learning, Big Data hoặc IoT có thể phát huy tối đa hiệu quả.

 Huy Nguyễn, Đồng sáng lập KardiaChain

Báo VietNamNet trân trọng cảm ơn và mời độc giả tiếp tục tham gia viết bài chia sẻ kinh nghiệm, kể những câu chuyện, sáng kiến cho chuyển đổi số quốc gia. Các bài viết vui lòng gửi về địa chỉ: banictnews@vietnamnet.vn.