Một đối tượng quan trọng chưa được phục vụ

Indonesia là quê hương của hơn 60 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Họ là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế đất nước, chiếm hơn 60% GDP và sở hữu tới 97% lực lượng lao động. Tuy nhiên, không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng chính thống đã cản trở khả năng tiếp cận vốn của họ, hạn chế tiềm năng tăng trưởng. Trong một nghiên cứu gần đây của Bộ Hợp tác Indonesia, hơn một nửa số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia khảo sát chưa được đáp ứng về mặt tài chính (financially underserved). Nhiều người không có tài khoản ngân hàng, đang bị nợ nần, giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt, khiến họ khó tạo dựng lịch sử tín dụng hợp pháp để vay vốn khi cần thiết.

Trong khi đó, Covid-19 khiến cho quá trình số hóa tại Indonesia diễn ra nhanh hơn, nâng tỉ lệ tiếp cận Internet đạt gần 53% dân số. Số hóa các dịch vụ tài chính đại diện cho cơ hội giải quyết các thách thức tài chính toàn diện (financial inclusion) và đặt ra nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tài chính toàn diện hiểu khái quát là cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Indonesia đặt mục tiêu đạt 90% tài chính toàn diện vào năm 2024, tăng từ 76% ngày nay.  Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là trọng tâm của tầm nhìn này. Để xác định các đặc điểm của khách hàng vi mô, năm 2020, Ngân hàng BRI tiến hành nghiên cứu đưa ra ba thông tin (insight) để thiết lập chiến lược tài chính toàn diện kỹ thuật số.

Ba đặc điểm bao gồm: khách hàng có kiến thức hạn chế về sản phẩm tài chính ngoài tài khoản tiết kiệm; do không có thu nhập ổn định, họ không thoải mái với hoạt động cho vay truyền thống của ngân hàng; họ cần một tổ chức tài chính mang yếu tố địa phương và giành được lòng tin của họ.

Số hóa để đạt mục tiêu tài chính toàn diện

Là ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô lớn nhất Indonesia, BRI tập trung khai thác số hóa để đạt tài chính toàn diện thông qua ba sáng kiến: ngân hàng không chi nhánh, cố vấn kỹ thuật số và hệ sinh thái số.

BRI đã phát triển BRILink Agent, một mô hình kinh doanh dựa trên đại lý, cho phép đại lý đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ ngân hàng, bao gồm tiết kiệm và giao dịch cơ bản. Các đại lý này phục vụ khách hàng qua các kênh kỹ thuật số như máy đọc thẻ hay ứng dụng di động được ngân hàng hỗ trợ. BRILink Agents là nhân tố chính để giành được lòng tin của khách hàng. Bằng cách sử dụng các kênh kỹ thuật số, sáng kiến đóng vai trò quan trọng trong giới thiệu các dịch vụ tài chính kỹ thuật số cho những người chưa quen thuộc với chúng. Khi ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ khách hàng giao dịch, các đại lý BRILink tiếp cận được cộng đồng chưa từng dùng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại vùng sâu vùng xa.

BRI hiện có hơn nửa triệu đại lý BRILink tại hơn 53.000 ngôi làng Indonesia. Năm 2021, họ thực hiện hơn 900 triệu giao dịch với khối lượng giao dịch hơn 81 tỷ USD.

Những người hiểu biết hạn chế về các sản phẩm tài chính kỹ thuật số dễ trở thành nạn nhân của đánh cắp danh tính và lừa đảo. Sự thiếu hụt kiến thức số gây lo ngại về an ninh mạng, nhấn mạnh nhu cầu phải đào tạo khách hàng không chỉ về tài chính mà còn về công nghệ.

Vì lý do này, BRI đã huy động hơn 27.000 nhân viên cho vay của ngân hàng trở thành các cố vấn kỹ thuật số, những người có thể hỗ trợ và hướng dẫn khách hàng khi truy cập, thực hiện giao dịch tài chính an toàn trên ứng dụng di động. Đó là một vai trò đơn giản nhưng quan trọng. Khi khuyến khích doanh nghiệp vi mô tham gia dịch vụ tài chính toàn diện kỹ thuật số, BRI phải bảo vệ họ trước những rủi ro lừa đảo, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.

Giao dịch tài chính kỹ thuật số cần tích hợp sâu vào trong hoạt động hàng ngày của khách hàng mới đảm bảo tính bền vững. Ba đơn vị tiên phong trong tài chính toàn diện – BRI, Pegadaian, PNM – đã chung tay tạo ra hệ sinh thái siêu nhỏ. Cùng nhau, họ đặt mục tiêu trở thành một trong các tổ chức tài chính vi mô lớn nhất thế giới, đưa hơn 30 triệu người thoát nghèo trong 4 năm tới.

Với hơn 18.000 chi nhánh trải dài khắp đất nước, hệ sinh thái này trao quyền cho các doanh nghiệp nhỏ, nông dân, ngư dân và tiểu thương chợ truyền thống tiếp cận các dịch vụ tài chính, mở rộng kinh doanh. Xa hơn nữa, hệ sinh thái sẽ cung cấp danh mục sản phẩm toàn diện, bắt đầu từ cho vay, tiết kiệm và đầu tư theo nhóm.

Có nhiều giải pháp để đạt tài chính toàn diện, song các công ty không thể làm được nếu không “mở khóa” sức mạnh của số hóa. Giải quyết được điều đó sẽ đảm bảo mọi người, đặc biệt trong phân khúc kinh doanh vi mô, có cơ hội công bằng để tiếp cận các dịch vụ tài chính toàn diện, bền vững, phát triển kinh doanh và đạt chất lượng cuộc sống cao hơn.

Du Lam