Phát biểu tại diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng, nói đến chuyển đổi số là nói đến con người, chứ không phải công nghệ. Mua sắm thiết bị hay công nghệ hiện đại không phải là chuyện khó. Khả năng thích nghi với một tương lai digital (kỹ thuật số) của mỗi cơ quan tùy thuộc vào việc phát triển một thế hệ những kỹ năng mới, thu hẹp khoảng cách cung cầu về nhân lực chất lượng cao, khai phá tiềm năng của chính mình và những người khác để vượt qua mọi thử thách.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh. Ảnh: Nam Trần

Chuyển đổi số là thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp và trong một số trường hợp, tạo ra những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Khi thực hiện chuyển đổi số, các công ty có cơ hội rà soát lại mọi điều, từ các hệ thống nội bộ cho đến các tương tác với khách hàng, cả trực tuyến và trực tiếp.

Ông Lê Quốc Minh chia sẻ, tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hóa công sở, cách trao đổi với nhau, cách xây dựng bộ máy và hệ thống phân cấp trong tòa soạn, thì mọi thay đổi tạo ra cũng chỉ nằm ở bên rìa mà thôi.

Xây dựng một chiến lược chuyển đổi số là công việc đơn giản. Hiện thực hóa mới là điều khó khăn, và đa số các cơ quan báo chí bị mắc kẹt dọc đường – một thực tế xảy ra suốt 2 thập niên vừa qua.

Theo ông Minh, một chìa khóa thành công là có câu chuyện thú vị về sự thay đổi, trong đó giúp nhân viên hiểu rõ con đường đi của tổ chức, và tại sao cần có những thay đổi. Những cơ quan theo cách làm này có tỷ lệ chuyển đổi thành công gấp 3 lần.

Chìa khóa thành công thứ hai là các lãnh đạo nhấn mạnh sự cấp bách trong việc thực hiện các chuyển đổi trong đơn vị, điều này cần được thông tin rõ ràng tới tất cả mọi người.

Chuyển đổi số rõ ràng là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu và mất đi độc giả, khán thính giả, và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí.

Chuyển đổi số chưa kết thúc sau khi thực hiện kế hoạch thành công. Thực tế, nó là một quá trình tiếp diễn. Dù đang trong kỷ nguyên số, các tòa soạn phải luôn ghi nhớ những giá trị cơ bản của báo chí. Tin cậy, chính xác, công bằng và cân bằng trong mỗi bài viết – là những giá trị vô cùng quan trọng và giờ đây càng quan trọng hơn bao giờ hết...

Nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cho hay, điều quan trọng nhất cần xác định bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó, bạn đọc lên mạng, báo chí lên mạng và báo chí muốn lên mạng, báo chí phải chuyển đổi số.

Nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ. Ảnh: Nam Trần

Tuy nhiên, các cơ quan báo chí cần vượt qua 3 thách thức lớn, đó là chọn lựa công nghệ phù hợp, chi phí đầu tư hợp lý, đội ngũ nhân lực tinh thông.

Trong đó, thách thức về công nghệ là vấn đề quan trọng. Muốn chuyển đổi số, các cơ quan báo chí đứng trước nhiều phương án khác nhau: Tuyển chuyên gia, kỹ sư công nghệ (phần cứng và phần mềm) để hình thành lực lượng công nghệ tại chỗ phục vụ chuyển đổi số. Hoặc thuê công ty công nghệ thực hiện việc chuyển đổi số trọn gói, cơ quan báo chí chỉ vận hành. Khi điều chỉnh, bổ sung hay thay đổi đặt hàng công ty công nghệ giải quyết.

Một phương án nữa đó là tự chủ một phần công nghệ bằng lực lượng tại chỗ, thuê ngoài những việc cần thiết để bảo đảm hiệu quả quản lý lẫn vốn đầu tư. Lực lượng tại chỗ chịu trách nhiệm vận hành chuyển đổi số và nghiên cứu, đề xuất những ứng dụng mới, giải pháp mới, sản phẩm mới.

Về các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, lãnh đạo Báo Tuổi Trẻ nêu việc cần bảo vệ bản quyền báo chí, thực hiện thu phí bạn đọc, tổ chức đào tạo, trao đổi nghiệp vụ định kỳ về chuyển đổi số…

Đầu tư cơ sở hạ tầng số để hỗ trợ báo chí

Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm thông tin, Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng số để hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số.

Ông Lâm cho biết, trước đây Nhà nước hỗ trợ rất lớn để đầu tư hạ tầng vật lý cho các cơ quan báo chí như trụ sở làm việc, nền tảng phát sóng, hệ thống phát hành… thì Nhà nước cũng sẽ tiếp tục đầu tư cho báo chí như vậy trên không gian số.

Về khó khăn của các cơ quan báo chí để đầu tư cho chuyển đổi số, ông Lâm bày tỏ trước đây các cơ quan báo chí còn đầu tư lớn hơn nhiều cho hạ tầng vật lý nên ông mong các báo sẽ sẵn sàng đầu tư cho chuyển đổi số, với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn, chuyển đổi số trong báo chí hiện nay đang chậm hơn so với khối doanh nghiệp.

Ông Tuấn cho biết, tin vui đề án chuyển đổi số báo chí hiện nay đang đợi được phê duyệt nhưng trong năm nay Bộ TT&TT sẽ đào tạo 10.000 công chức, viên chức số cho đất nước, trong đó báo chí chiếm 3.000-5.000 người.

Ngoài ra, ông cho hay chủ trương của Chính phủ là xây dựng các nền tảng lớn để đảm bảo độc lập chủ quyền trên không gian mạng. Vì vậy Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng nền tảng lớn dùng chung, đặc biệt là cho 6 cơ quan báo chí lớn.

Ông Tuấn khẳng định Chính phủ cũng sẽ đầu tư cho không gian mạng như trong không gian vật lý, "trần sao mạng vậy".

Trần Hải