Tại Viettel, Trung tâm vận hành khai thác toàn cầu, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (VTNet) là một trong những đơn vị đầu não về mạng lưới. Đơn vị này không chỉ chịu trách nhiệm vận hành và đảm bảo chất lượng mạng, chất lượng dịch vụ của Viettel tại Việt Nam mà còn có toàn bộ hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin Viettel ở 10 thị trường nước ngoài. 

Để duy trì được sự ổn định của mạng lưới Viettel ở từng thị trường, một bộ máy hàng trăm người của VTNet thay phiên nhau túc trực 24/7 để xử lý bất kỳ tình huống từ nhỏ tới lớn phát sinh từ hệ thống mạng lưới Viettel từ châu Á, châu Phi đến châu Mỹ. 

Nơi đèn không bao giờ tắt

Phòng Điều hành Mạng lưới của VTNet là nơi gần như không bao giờ tắt đèn. Đây là một “mắt xích” quan trọng trong hệ thống quản lý và điều hành mạng lưới tập trung của Viettel - Hệ thống Vận hành mạng lưới toàn cầu GNOC. Với vai trò “người điều hành” cho hệ thống mạng lưới của hơn 110 triệu khách hàng ở 11 quốc gia, hệ thống GNOC giám sát và tác động tới các hệ thống mạng lưới liên tỉnh và quốc gia. Như một vệ tinh giám sát, GNOC cho phép các chuyên gia kỹ thuật ở Việt Nam cũng nắm được tình trạng của từng trạm BTS ở Peru, Haiti, Tanzania…

Trong giai đoạn 2020 - 2021 đại dịch Covid-19 bùng phát, Viettel là một trong những doanh nghiệp có những đóng góp mạnh mẽ cả về nguồn lực lẫn công nghệ để hỗ trợ Chính phủ, ngành y tế và các địa phương toàn quốc ứng phó với đại dịch. Trong bối cảnh đó khối lượng công việc của Trung tâm tăng vọt do hàng loạt các giải pháp công nghệ hỗ trợ chống dịch quy mô lớn được chạy trên hạ tầng của Viettel như hệ thống truy vết (Bluezone), khai báo y tế (Tờ khai y tế, Hệ thống khai báo y tế hợp nhất), cung cấp/quản lý thông tin sức khỏe (Sức khỏe toàn dân, Hồ sơ sức khỏe), Hệ thống mã QR Quốc gia, hệ thống hỗ trợ tiêm chủng (Sổ sức khỏe điện tử), hệ thống cầu truyền hình phục vụ điều hành phòng chống dịch bệnh….

Tính đến nay Trung tâm đã đảm bảo hạ tầng cho hơn 2.300 điểm cầu truyền hình, 571 điểm cách ly,  kiểm soát an toàn 6 cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng điều hành chống dịch đến cấp xã…

Học lập trình và thay đổi tư duy

Theo anh Lê Quang Hiếu, Giám đốc Trung tâm, ở VTNet từ ngày thành lập đến khi Covid-19 xảy ra, khoảng 40% nhân sự của Trung tâm thuộc nhóm “trực chiến”. Mô hình vận hành này được sắp xếp theo hướng chuyên môn hóa, mỗi nhân viên có thể bao quát và theo dõi cùng một lúc cả 11 thị trường. 

Anh Lê Quang Hiếu, Giám đốc Trung tâm VTNet

Đối với công việc này các nhân sự đảm nhiệm cần tiếp nhận quy trình, công cụ từ các bộ phận chuyên môn khác và tuân thủ 100%, đảm bảo không phát sinh sự cố. Công việc thuần túy là giám sát chất lượng mạng lưới, hệ thống trong thời gian trực, nếu có vấn đề phát sinh thì báo cáo cấp trên theo đúng quy trình, quy định. 

Tính chất công việc thụ động, lặp đi lặp lại khiến anh em ít có cơ hội phát triển bản thân. Việc chia ca kíp trực 24/7 cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. "Để khắc phục những nhược điểm này chúng tôi đã yêu cầu anh em phải học lập trình và thay đổi tư duy”, anh Hiếu nói.

Trung tâm chủ động lựa chọn những nhân tố trẻ, tiềm năng để đi học lập trình. Bên cạnh đó, đội ngũ này cũng chủ động nghiên cứu sâu và toàn diện các hệ thống, tìm nguyên nhân gốc các vấn đề, nguy cơ và đưa ra giải pháp nâng cao tính bền vững, an ninh, an toàn của mạng lưới.

Tối ưu nhân sự nhờ chiến lược “phẳng hóa”

Cùng với thay đổi ở cấp độ cá nhân, lãnh đạo Trung tâm còn đặt ra mục tiêu chiến lược tối ưu nhân sự với dự án Chuyển dịch vận hành khai thác từ xa. 

Trước đó Trung tâm có gần 600 người. Đặc thù bộ máy lúc bây giờ là phân rất nhiều tầng, chia thành 1 mạng lõi, 3 khu vực, 6 quy trình và hệ sinh thái công cụ. Trung tâm Vận hành Khai thác phụ trách mạng lõi, mỗi khu vực Bắc, Trung, Nam sẽ có các lực lượng NOC (Network Operation Center) riêng để trực và phụ trách lớp access tuyến tỉnh và khu vực. 

Trong quá trình vận hành, mô hình nhiều lớp điều hành bộc lộ nhược điểm gây phân tán lực lượng quản lý và lực lượng kỹ thuật. Các sự cố, vấn đề khi phát sinh phải qua nhiều quy trình, thủ tục phức tạp. Từ thực tế này, Trung tâm quyết định "phẳng hóa", áp dụng đồng nhất một quy trình xử lý sự cố để giúp việc xử lý tinh gọn hơn.

Theo đó Trung tâm đã hợp nhất toàn bộ khu vực và toàn bộ nhân sự về Trung tâm. Thay vì 3 - 4 lớp điều hành giờ chỉ lại còn một lớp. Toàn bộ mạng lưới ở Việt Nam sẽ chỉ có 1 lực lượng NOC phụ trách toàn bộ mạng lõi và 3 khu vực thay vì 4 lực lượng như trước kia. 

Thay đổi bản thân để vươn tầm thế giới

Năm 2021 Trung tâm vận hành khai thác toàn cầu để lại nhiều dấu ấn khi tiên phong nghiên cứu khoa học công nghệ, định vị vai trò, hình ảnh thương hiệu Viettel trong nước và quốc tế.

Trong nội bộ Viettel, Trung tâm đẩy mạnh hơn nữa quá trình số hóa, tự động hóa, nâng cao chất lượng toàn diện công tác vận hành khai thác: thay thế cơ bản hành động thủ công bằng các công nghệ mới do kỹ sư Viettel nghiên cứu, phát triển như ChatBot, Cloud Monitoring, Auto Escalate, One Click VMSA… và giảm 40% sự cố toàn mạng, không có sự cố nghiêm trọng chủ quan.

Trên phương diện quốc gia, Trung tâm đã có đóng góp rất lớn về công nghệ vào phòng, chống dịch Covid-19 thông qua nghiên cứu, triển khai các giải pháp mới nhất về tối ưu hạ tầng và ATTT ứng dụng cho các hệ thống Bluezone, PC-Covid, Sổ sức khỏe điện tử, Tờ khai y tế…

Trên trường quốc tế, việc các kỹ sư vận hành khai thác của Trung tâm được các tổ chức toàn cầu vinh danh đã giúp Viettel đóng góp vào nền tảng mã nguồn mở thế giới, đứng thứ 44/157 vendor contribute vào OpenStack và đứng số 1 Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Viettel cũng đóng vai trò chính trong việc điều phối phiên chuyên đề Mã nguồn mở trong sự kiện Internet Day 2020.

Bài học thành công của Trung tâm được Giám đốc Lê Quang Hiếu đúc kết là "Dám nghĩ khác biệt, làm mới chính mình, tiên phong chuyển đổi". 

P.V