Lời tòa soạn: Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Báo VietNamNet mở mục “Đóng góp ý tưởng Chuyển đổi số”, góp phần lan tỏa những kinh nghiệm tốt, những bài học hay, các nhân vật tiêu biểu và những câu chuyện cả thành công và chưa thành công của các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp cũng như người dân trong hành trình chuyển đổi hoạt động lên môi trường số.

Sau đây VietNamNet xin giới thiệu bài viết của ông Ngô Tuấn Khôi, Chủ tịch công ty Siem, với 16 năm hoạt động trong lĩnh vực phát triển các dự án bất động sản.

Bất động sản là ngành nghề phức tạp cần chuyển đổi số 

Trong các ngành nghề, thì ngành phát triển dự án bất động sản là dạng phức tạp nhất vì đó là tổng hợp của nhiều công việc khác nhau, mà mỗi phần việc này nhiều khi là một ngành nghề riêng biệt như: Thiết kế, xây dựng, tài chính, kinh doanh… Với khối lượng thông tin khổng lồ và chồng chéo sinh ra hàng giờ, các Nhà phát triển rất cần các công cụ công nghệ để quản lý nó. Nhu cầu Chuyển đổi số (CĐS) là thực sự cần thiết đối với ngành bất động sản (BĐS).

Ông Ngô Tuấn Khôi, Chủ tịch công ty Siem - Ảnh: NVCC

Trong quá trình hoạt động, gần 80% các vấn đề sinh ra là do việc thông tin không được truyền tải “đúng - đủ - rõ ràng”, chỉ cần một thông tin sai lệch nhiều khi dẫn đến thiệt hại hàng tỷ đồng, nhưng lại không xác định được trách nhiệm cá nhân nào do lỗi thông tin.

Đối với thông tin là vậy. Còn hồ sơ dự án, những bản in giấy, từ giai đoạn thiết kế đến xây dựng, hoàn công, nhiều khi cần đến nhiều container hay kho có diện tích hàng trăm m2 để lưu trữ, mỗi lần có công tác kiểm tra là 

Tiếp đến là các dữ liệu liên quan đến nghiên cứu thị trường, chăm sóc khách hàng, cư dân… việc lưu trữ truyền thống làm mất nhiều cơ hội do không phát huy được vai trò của dữ liệu, mà ngày nay gọi là “Dữ liệu lớn (Big Data)”.

Và rất nhiều dữ liệu trong một doanh nghiệp bất động sản cần sự có mặt của công nghệ để tối ưu hoá, giảm tải hệ thống, bớt nhân sự chuyên trách, qua đó tăng lợi nhuận và phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Quan trọng là phải thay đổi “thói quen”

Cần điều kiện gì để áp dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp BĐS một cách hiệu quả?

Theo tôi, trước tiên cần đến từ nhận thức đúng của chủ doanh nghiệp hay những người đứng đầu. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay đang dừng ở việc nghĩ rằng CĐS đơn thuần là có máy tính kết nối internet và sử dụng những công cụ như quét chụp (scan), email, chat (Zalo)... Thực tế, đó chỉ là phần số hoá (Digitalization), một trong phần cơ bản của quá trình chuyển đổi số (Digital Transformation). 

Chính vì vậy, để CĐS được diễn ra đúng kỳ vọng, trước tiên cần: Sự đồng lòng của cả tập thể và trao đủ quyền quyết định cho lớp giám đốc (C-Level). Nếu không đủ quyền, việc áp dụng sẽ mang tính nửa mùa và có khả năng tê liệt, trì trệ, dẫn đến việc bỏ qua và quay về phương thức truyền thống.

Công nghệ không phải là chiếc đũa thuần, đó chỉ là công cụ. Giống như các việc làm khác, một người muốn sử dụng tốt công cụ cần có kỹ năng được đào tạo bài bản và thao tác đúng quy trình. Và đối với doanh nghiệp cũng vậy, để áp dụng tốt công nghệ, cần có quy trình, phân công rõ ràng từ cách truyền thống. 

Nhận thức về “chi phí công nghệ”. Hiện nay hầu hết đang bỏ qua trong quá trình tính chi phí doanh nghiệp hay chi phí sản xuất, thậm chí mặc định ở nhiều doanh nghiệp, những phần mềm được cài đặt như Windows, Office là phần mềm bẻ khoá (crack). Điều này làm cho việc đồng bộ hoá với dữ liệu đám mây (Cloud) bị chặn và tạo nhiều cổng sau (Back door) cho hacker tấn công. Việc này không thể dẫn đến một kết quả CĐS thành công.

Bắt kịp xu thế công nghệ. Một thực tế hay bắt gặp là nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, do không có kiến thức sâu về công nghệ, nhưng lại gặp các nhân sự IT tư vấn về cách triển khai với công nghệ cũ

Dùng đúng công cụ. Đối với các phần mềm, các nhà phát triển đã phân biệt rõ các cấp độ ứng dụng như: Personal (cá nhân), Business (doanh nghiệp nhỏ), Enterprise (doanh nghiệp lớn). Hay phần mềm chat nhanh (Instant Messenger - IM) như: Zalo, Viber, Telegram... không thích hợp để “chat” công việc, mà là những công cụ như Slack, Click Up… mới đúng công cụ để làm việc nhóm (Collaboration). Nếu dùng hệ chat IM cho công việc của một doanh nghiệp lớn, việc rối thông tin, thiếu sót là điều không tránh khỏi.

Một trong những rào cản lớn khiến quá trình CĐS khó khăn và thường dẫn đến thất bại chính là “thói quen”. Với thời đại ngày nay, việc áp dụng các công cụ công nghệ không hề khó, hầu hết các ứng dụng được thiết kế với giao diện rất gần gũi, thậm chí không cần dùng tư duy phải học được chứng chỉ sử dụng như cách đây 10 - 15 năm về trước. Tất cả chỉ là việc chịu khó thay đổi chút thói quen, chỉ cần mất 5 đến 30 phút bình tĩnh tiếp nhận cái mới, nghĩ cho cái chung trong phát triển bền vững doanh nghiệp cho nhiều năm sau. Và thực tế, một khi đã vào nề nếp rồi, chúng ta sẽ được tận hưởng rất nhiều thời gian cho việc khác.

Để thay đổi thói quen, đôi khi cần nhiều tháng đến nhiều năm. Đó cũng chính là thời gian để biết được việc chuyển đổi số có thành công hay không.

Ngô Tuấn Khôi, Chủ tịch công ty Siem

Báo VietNamNet trân trọng cảm ơn và mời độc giả tiếp tục tham gia viết bài chia sẻ kinh nghiệm, kể những câu chuyện, sáng kiến cho chuyển đổi số quốc gia. Các bài viết vui lòng gửi về địa chỉ: banictnews@vietnamnet.vn.