Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” là nhiệm vụ được Sở Giao thông vận tải giao cho Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (tramoc). 

Theo dự thảo Đề án được tramoc báo cáo với Sở Giao thông vận tải mới đây, đơn vị này đề xuất việc Hà Nội thực hiện thu phí vào nội đô chia làm 3 giai đoạn và bắt đầu thí điểm năm 2024. Trong giai đoạn thí điểm, sẽ lập 15 trạm thu phí trên 9 trục đường nội đô lưu lượng giao thông lớn, có nguy cơ ùn tắc cao. Đến ngày 30/11/2025, sẽ báo cáo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thí điểm làm cơ sở triển khai giai đoạn 2 và 3.

Những ngày qua, đề xuất của tramoc nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, cả về tính khả thi cũng như sự phù hợp trong lộ trình triển khai thu phí phương tiện vào nội đô.

Trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho rằng, chưa đánh giá được là liệu việc thu phí phương tiện có giúp giảm ùn tắc giao thông hay không. Bởi lẽ, khó có thể dự đoán việc đánh vào túi tiền của người tham gia giao thông sẽ làm họ cân nhắc ở nhà hay dùng phương tiện khác hay không?

Nhận định ứng dụng công nghệ có khả năng giảm ùn tắc giao thông, tuy nhiên ông Vũ Thế Bình cho hay, đến nay Việt Nam chưa có các nghiên cứu, thử nghiệm để thử/ứng dụng công nghệ một cách đầy đủ, toàn diện cho bài toán tắc đường đô thị. “Tất nhiên công nghệ không thể giải quyết hết được, nhất là trong bối cảnh xây dựng thiếu quy hoạch, liên tục chồng nhà cao tăng và đưa dân vào nội thị như hiện nay”, đại diện VIA chia sẻ thêm.

Theo các chuyên gia, thu phí phương tiện chỉ là giải pháp tình thế, không phải biện pháp căn cơ có thể giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông đô thị. (Ảnh: Vũ Điệp) 

Bình luận về đề xuất của tramoc, chuyên gia Tạ Quang Thái, Founder của HomeID, giải pháp kết nối ban quản lý và người dân chung cư, nhận định: Đây là giải pháp tình thế, không phải giải pháp căn cơ. Bởi lẽ, bản chất hiện tại mật độ phương tiện tham gia giao thông đang trở nên quá tải so với khả năng đáp ứng của hạ tầng. Do vậy, việc ùn tắc vào giờ cao điểm là không thể tránh khỏi, trong khi quyền sở hữu phương tiện, quyền đi lại của người dân là bình đẳng, không phân biệt vùng miền.

Theo ông Thái, nếu thu phí xe ô tô vào đô thị sẽ tạo nên sự phân biệt giữa người sử dụng phương tiện bên ngoài và người sử dụng phương tiện bên trong nội đô. Khi đó, người dân hạn chế việc qua lại các điểm thu phí nhưng khi họ đã vào trong thì cũng ít ra ngoài hơn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng quá tải phương tiện bên trong nội đô, tăng áp lực lên hệ thống giao thông tĩnh.

Với những người có việc phải đi vào nội đô, họ chấp nhận trả phí, như vậy cũng không giải quyết được nhiều khi những người đi ô tô, được cho là có tiền sẽ vẫn vào nội đô. Vô hình trung chỉ làm tăng thêm chi phí vận chuyển với người dân sử dụng phương tiện giao thông.

“Cá nhân tôi đánh giá việc xây dựng các trạm thu phí nếu thủ công sẽ gây ùn tắc, nếu tự động thì cũng gây lãng phí nguồn lực, của cải của xã hội vào những việc không phải trọng yếu. Trong khi chúng ta cần rất nhiều lực cho việc phát triển hạ tầng, đô thị và các kết cấu xã hội khác”, ông Tạ Quang Thái nêu quan điểm và cho rằng, việc thu phí phương tiện vào một số khu vực tại Hà Nội từ đầu năm 2024 là chưa phù hợp.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nguồn mở Việt Nam - VINADES Nguyễn Thế Hùng nhận định: Hà Nội có lẽ không thể giải quyết vấn đề giao thông công cộng trong vòng 1 năm tới, vì thế đầu năm 2024 áp dụng đề án thu phí vào nội đô chắc chắn không phải là thời điểm thích hợp.

Các chuyên gia đề xuất, Hà Nội nên dành thời gian, nguồn lực nhiều hơn cho việc quy hoạch đô thị, quy hoạch và mở rộng giao thông và đặc biệt triển khai hệ thống tín hiệu hướng dẫn giao thông, các hệ thống giám sát, phạt nguội thậm chí tăng mức độ xử phạt với người vi phạm luật giao thông; phạt triệt để, không bỏ sót. Thành phố cần áp dụng chặt việc bắt và phạt tất cả trường hợp vi phạm luật giao thông khi tham gia giao thông nhằm tăng cường ý thức của người dân, bất luận là đi ô tô, xe máy hay xe đạp, thay vì quản lý “lỏng” như hiện nay.

Riêng ở khía cạnh công nghệ, theo chuyên gia Tạ Quang Thái, Hà Nội phải đầu tư mạnh cho hệ thống camera giám sát giao thông, sử dụng những giải pháp tối ưu trong việc điều khiển đèn tín hiệu giao thông, lắp đặt các hệ thống biển báo thông minh có thể biến đổi theo tình hình thực tế.

Vân Anh