Thủ tướng Chính phủ xác định rõ, phương châm triển khai xây dựng Chính phủ điện tử là thiết thực, hiệu quả, không hình thức, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm (Ảnh minh họa: Internet)

Không thay đổi tư duy, phương thức làm việc, xây dựng Chính phủ điện tử khó thành công

Mới đây, để tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 17 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025”, phát huy vai trò quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT và nguồn nhân lực CNTT của Bộ TT&TT, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rõ, chuyển sang Bộ TT&TT, các nhiệm vụ về Chính phủ điện tử “phải đảm bảo không bị gián đoạn, không được phép làm kém hơn, phải làm tốt lên, với tốc độ nhanh hơn và chất lượng cao hơn”.

Như vậy, hiện nay với công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chính là cơ quan giữ vai trò số 1 về chỉ đạo và vai số 1 về điều hành được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách cho Bộ TT&TT.

Trong kết luận hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương hồi tháng 7, cùng với việc điểm lại một số kết quả bước đầu đạt được thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban cũng đã một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu, phương châm, cách thức triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.

Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng Chính phủ điện tử là vấn đề mới và khó, nếu không có quyết tâm thay đổi tư duy, phương thức làm việc từ truyền thống sang môi trường điện tử thì khó thành công. Tầm nhìn là xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, có sự nối tiếp, kế thừa giữa các cấp độ, giai đoạn phát triển.

“Xác định phương châm triển khai xây dựng Chính phủ điện tử là thiết thực, hiệu quả, không hình thức, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau. Thực chất, xây dựng Chính phủ điện tử là giải quyết 4 mối quan hệ, trong đó có 2 mối quan hệ bên ngoài giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp và 2 mối quan hệ bên trong giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giữa cơ quan nhà nước với cán bộ, công chức, phải làm tốt mối quan hệ bên trong mới làm tốt được mối quan hệ bên ngoài”, Thủ tướng chỉ rõ.

Cũng theo chỉ đạo của người đứng đầu Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử là cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến dựa trên nền tảng số cho cá nhân, tổ chức được thuận tiện mọi lúc, mọi nơi và tăng cường sự giám sát của nhân dân vào quá trình ra quyết định của chính quyền; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, sự công khai, minh bạch, góp phần phòng, chống tham nhũng.

Về cách làm, Thủ tướng yêu cầu, cần tận dụng tối đa các công nghệ mới, bài học kinh nghiệm quốc tế, tập trung xây dựng các nền tảng dùng chung, kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh hiệu quả quản trị, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm dữ liệu phải được chuẩn hóa trước khi chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước, tăng cường công tác đào tạo, truyền thông.

“Trong bối cảnh ngân sách có hạn, việc lựa chọn doanh nghiệp đầu tư xây dựng các hệ thống thông tin và cho nhà nước thuê lại là giải pháp phù hợp, đồng thời phát huy được vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam vào xây dựng Chính phủ điện tử. Việc đặt hàng doanh nghiệp đầu tư cần có đầu bài, tiêu chí ràng buộc rõ ràng, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, đủ năng lực kỹ thuật, tài chính, đã có kinh nghiệm triển khai thực tiễn các dự án CNTT, Chính phủ điện tử và phải bảo đảm an toàn thông tin, không lộ lọt dữ liệu, bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cuộc tiếp sức phù hợp

Bình luận về quyết định chuyển giao nhiệm vụ điều hành chính việc xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT, chuyên gia Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ DTT cho rằng, việc Bộ TT&TT giai đoạn này trở thành đơn vị thường trực là phù hợp, theo nghĩa Bộ TT&TT có hệ thống các Sở TT&TT vươn khắp toàn quốc, là những người làm về CNTT, và nếu các Sở cùng quán triệt tinh thần này thì cùng lúc chúng ta có thể có rất nhiều điểm cùng chung tay góp sức vào công cuộc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.

“Giai đoạn gần 2 năm qua đã đánh dấu bước chuyển lớn trong xây dựng Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, thách thức của giai đoạn tiếp theo là từ những bước chuyển mang tính “bẻ lái” của giai đoạn trước để nhân rộng, lan tỏa đến các địa phương, các đơn vị đang làm thì đúng là một khối lượng công việc khổng lồ. Giai đoạn này, yêu cầu đặt ra không phải chỉ đòi hỏi một vài dự án, đề án mà cần có một khung kỹ thuật, khung thể chế và khung đầu tư để các bên có thể tham gia hiệu quả nhất. Nhìn từ góc độ triển khai, tôi nhận thấy đây là thời điểm tích cực, là một cuộc tiếp sức phù hợp. Trong chặng đường trước, Văn phòng Chính phủ đã giữ vai trò chủ đạo trong việc bẻ lái, chốt được một số bước; giờ Bộ TT&TT sẽ nhận trọng trách điều hành cho guồng máy chạy tiếp nhanh hơn, đảm bảo cho toàn bộ hệ thống chuyển đổi”, chuyên gia Nguyễn Thế Trung chia sẻ.

Trong trao đổi tại phiên tọa đàm cấp cao tại diễn đàn về Công nghiệp 4.0 năm 2019, nói về định hướng triển khai các nội dung công việc xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã cho biết: “Bộ TT&TT xác định có nhiều khó khăn, đây là việc mới mà thể chế không thể bao hết được. Nhiều khi cái mới mà ra thể chế trước thì lại hại chính mình, cho nên trong quá trình triển khai, Bộ TT&TT có kế hoạch trong năm nay sẽ làm việc với từng bộ, từng địa phương để giải quyết những vướng mắc, khó khăn và đặt ra mục tiêu, kế hoạch cho các đầu mối này”.

Cũng theo người đứng đầu Bộ TT&TT, thời gian tới, Bộ sẽ đẩy nhanh việc triển khai thí điểm xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử tại một số bộ, một số tỉnh và đến năm 2020 phải kết thúc việc thí điểm này. Bởi lẽ, cái mới thì nên làm thí điểm nhưng cần phải làm nhanh và sau đó ra được hướng dẫn để nhân rộng ra.

Đồng thời, tới đây Bộ TT&TT sẽ đứng ra để đẩy nhanh việc kết nối, chia sẻ các hệ thống, nền tảng dùng chung giữa các bộ, các tỉnh.

Bên cạnh đó, trên cơ sở nhận thức rõ hiện nay nhiều doanh nghiệp công nghệ đang cơ bản làm những việc giống nhau, “nhà nhà làm, làm cùng một thứ nhưng lại làm không đến nơi”, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết Bộ sẽ phân vai một số các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp nền tảng, với mục tiêu đặt ra là “doanh nghiệp làm cái gì thì sâu cái đó, không những tốt cho Việt Nam mà còn đi ra toàn cầu được”.