Sự kết hợp đáng chờ đợi

FPT Telecom International là công ty hàng đầu trong việc cung cấp thiết bị, giải pháp công nghệ thông tin và các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, trong đó phải kể đến thiết bị hội nghị truyền hình OnMeeting - một trong những sản phẩm được doanh nghiệp Việt Nam ưa chuộng từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay. Thiết bị phần cứng Endpoint OMT-10 tích hợp thông minh (camera, loa, microphone) sử dụng hệ điều hành Android với công nghệ tự động focus hình ảnh người nói, chia sẻ không dây 4 màn hình cùng lúc, chất lượng hình ảnh 4K, mang tới cho người dùng cảm giác như họp trực tiếp chỉ với một thiết bị duy nhất.

Trong khi đó, ClassIn là đơn vị edtech dẫn đầu trong việc cung cấp một hệ sinh thái công nghệ chuyên nghiệp dành riêng cho giáo dục, bao gồm lớp học ảo tương tác cao và hệ thống quản lý vận hành để xử lý nhiều loại dữ liệu học tập. Ở giai đoạn hậu Covid-19, ClassIn trên toàn cầu càng chứng tỏ sức hút và tính hiệu quả trong cuộc cách mạng về phương pháp dạy - học mở. Đến nay, ClassIn đã có hơn 20 triệu người dùng hằng tháng, được tin tưởng bởi hơn 60.000 tổ chức giáo dục ở 150 quốc gia. 

Theo biên bản ghi nhớ hợp tác ngày 18/6, ClassIn và FPT Telecom International sẽ thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược cho các sản phẩm kinh doanh trong ngành giáo dục. Cả hai sẽ cùng nhau làm việc để thống nhất phương án phối hợp mang tính bền vững và dài hạn tại thị trường Việt Nam. 

Đặc biệt, hai thương hiệu sẽ cùng huy động các nguồn lực để tích hợp phần mềm ClassIn vào thiết bị hội nghị truyền hình OnMeeting. Nhờ vậy, một combo sản phẩm phần cứng sở hữu khả năng kết nối lớp học mạnh mẽ sẽ được hình thành, cho phép nhiều hình thức học tập có thể diễn ra.

Tại buổi ký kết, đại diện FPT cho rằng đơn vị đã nghiên cứu và tìm hiểu nhiều nền tảng công nghệ dạy - học trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Quyết định chọn ClassIn là dựa vào niềm tin của FPT về chất lượng và kinh nghiệm triển khai các mô hình giáo dục thông minh ở phạm vi toàn cầu của ClassIn. 

FPT tin rằng hợp tác chiến lược với ClassIn sẽ giúp cả hai đi nhanh hơn, trước mắt ở thị trường trong nước. Đặc biệt, FPT mong muốn sự kết nối này sẽ giúp hãng tiếp tục đẩy mạnh chiến lược hiện thực hoá ý tưởng lớp học thông minh, trường học thông minh cho học sinh Việt Nam.

Thời điểm ‘vàng’ cho giáo dục OMO

 Mô hình học OMO

Bà Trương Lê Quỳnh Tương - Giám đốc ClassIn Việt Nam - chia sẻ cả ClassIn và FPT đều mong muốn kể từ cú bắt tay hôm nay, hai bên sẽ cùng nhau thúc đẩy mô hình học tập OMO - online kết hợp offline - tại các cơ sở giáo dục trên cả nước. Hiện, cả ClassIn và FPT đều đang sát cánh cùng Galaxy Education - đơn vị đầu tiên triển khai mô hình OMO tại Việt Nam.

Bà Tương cho rằng học tập trực tiếp vẫn là một phần không thể thay thế của giáo dục. Dẫu vậy sau Covid, học sinh và giáo viên không nên đánh mất thói quen học online. Bởi lẽ công nghệ trực tuyến vẫn giúp nâng cao trải nghiệm học tập, mang lại nhiều cơ hội cho học sinh ở các tỉnh thành khác nhau, đồng thời trang bị các kỹ năng số cho người học - một điều thiết yếu của thời đại mới. 

Theo bà Tương, kết hợp hài hòa online lẫn offline sẽ đa dạng hóa các hoạt động học tập. Điển hình, các phòng thí nghiệm ảo của ClassIn đã và đang giúp người học toàn cầu triển khai được các thí nghiệm vật lý, hóa học ngay trên màn hình máy tính - điều này tưởng chừng không thể thực hiện trước đây. 

Với OMO, việc duy trì các hoạt động giáo dục online song hành với truyền thống sẽ giúp hình thành cho học sinh nhóm năng lực mới: Năng lực số, bao gồm khả năng xử lý thông tin và dữ liệu, khả năng trao đổi và hợp tác, tính an toàn trong thời đại số và khả năng phân tích xử lý vấn đề. Đây là nhóm năng lực quan trọng cho thế kỷ 21 và đã được UNESCO đưa ra khung tham chiếu từ năm 2018.

Hơn hết, OMO sẽ giúp giải quyết tình trạng mất cân bằng trong việc phân bổ nguồn lực giáo viên, giảm thiểu bất bình đẳng trong giáo dục. Các năm qua, nhiều trường học trên cả nước đã vấp phải tình trạng thiếu hụt giáo viên do không thu hút được nguồn giáo viên về các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Giờ đây với mô hình OMO, vấn đề này có thể được giải quyết, mở ra cơ hội học tập cho học sinh dù đang sinh sống ở bất cứ đâu trên Việt Nam.

“Chúng tôi tin rằng mô hình giáo dục có sự kết hợp cả hai cách thức online lẫn offline (OMO) sẽ là xu hướng tương lai”, bà Tương nói.

 Bài học thí nghiệm ảo - Ảnh: Thanh Lan

TeacherIn và tham vọng mở rộng hệ sinh thái ClassIn

Đại diện ClassIn cho biết thương hiệu này đang trên đường phát triển thành một hệ sinh thái công nghệ chuyên nghiệp dành cho giáo dục. Mọi người đã biết đến ClassIn như nền tảng lớp học ảo tương tác cao, được vận hành bằng hệ thống quản trị toàn diện cho học tập lẫn giảng dạy. 

Chặng đường tiếp theo của ClassIn là mở rộng hệ sinh thái, hoàn thiện quá trình chuyển đổi số giáo dục. ClassIn sẽ sớm ra mắt nền tảng TeacherIn, là không gian cho giáo viên - nhà trường - đơn vị cung cấp tài liệu số, nhà xuất bản phối hợp tạo ra nội dung giảng dạy mang tính tương tác cao. ClassIn đã và đang trao đổi với các nhà xuất bản hàng đầu trên thế giới để chuẩn bị ra mắt TeacherIn trong thời gian tới. 

“Một trong những rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số là thiếu hụt các tài liệu số thích hợp với phương pháp giáo dục mới”, đại diện ClassIn chia sẻ về nền tảng mới TeacherIn. “Chuyển đổi số nội dung tương thích với hình thức dạy online hoặc OMO không giống chuyện số hoá sách vở đơn thuần. Khi có tài liệu số và giáo án số phù hợp, chất lượng của buổi học sẽ được nâng cao hơn rất nhiều”.

Văn Khoa